Trong báo cáo mới phát hành, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng những mặt hàng đông lạnh như rau quả hay thuỷ sản xuất sang châu Âu sẽ chịu tác động tiêu cực nhất từ khủng hoảng Biển Đỏ.
Nhóm phân tích cho rằng lý do không chỉ vì giá cước vận chuyển tăng vọt mà còn do thời gian vận chuyển kéo dài khiến chất lượng hàng hoá bị ảnh hưởng hoặc chi phí bảo quản tăng theo.
Theo VDSC, đối với mặt hàng dệt may, chi phí vận chuyển thường chiếm từ 4-5% giá vốn hàng bán, do hiện tại nhu cầu tiêu dùng còn thấp nên sự chậm trễ trong đơn hàng vẫn có thể chấp nhận được và các nhà bán lẻ sẽ gánh chi phí vận chuyển tăng thêm trước, đồng thời nhà bán lẻ cũng cần thời gian đánh giá việc chuyển chi phí tăng thêm cho người tiêu dùng cuối cùng.
Ngoài ra, do cước vận chuyển thường được ký dài hạn nên tác động của việc tăng giá cước giao ngay sẽ chưa phản ánh ngay mà sẽ cần thời gian để phản ánh vào chi phí.
Đối với mặt hàng công nghệ, do hình thức vận chuyển phổ biến là bằng đường hàng không nên tác động sẽ hạn chế hơn. Dù vậy việc các nhà xuất khẩu lựa chọn phương án thay thế hình thức vận chuyển từ đường biển sang đường hàng không cũng có thể khiến giá cước vận chuyển bằng đường hàng không tăng theo.
Theo Statista, khối lượng vận chuyển hàng hoá bằng đường biển chiếm khoảng 61% tổng khối lượng hàng hoá xuất nhập khẩu, vận chuyển bằng đường hàng không chiếm 31% và đường bộ chiếm 7%.
Cơ cấu này cũng phản ánh về mặt tổng thể, mức độ tác động của cuộc khủng hoảng tại Biển Đỏ đối với xuất khẩu Việt Nam sẽ tập trung ở nhóm hàng có tỷ trọng thấp trong tổng kim ngạch xuất khẩu.
Tuy nhiên, sự kéo dài và leo thang của khủng hoảng vẫn sẽ tạo ra tác động tiêu cực lên triển vọng thương mại tổng thể.
Liên quan đến cuộc khủng hoảng tại Biển Đỏ, sự gián đoạn trong việc vận chuyển hàng hoá qua kênh đào Suez đã kéo dài gần một tháng rưỡi.
Theo Everstream Analytics, kênh đào Suez vốn chịu trách nhiệm vận chuyển khoảng 12% thương mại toàn cầu và 30% lưu lượng container. Hiện tại, các hãng vận chuyển lớn đều đã chuyển hướng tàu hàng của họ ra khỏi khu vực Biển Đỏ và đi vòng qua Mũi Hảo Vọng.
Việc thay đổi lộ trình này dự kiến sẽ kéo dài hải trình thêm khoảng 6.000 km trong lộ trình hàng hải từ Châu Á đến Châu Âu, cùng với đó, thời gian vận chuyển sẽ tăng thêm khoảng 10-15 ngày.
Giá cước vận chuyển container toàn cầu đã tăng 122% kể từ mức thấp ngày 30/11/2023, dựa trên mức tăng giá cước vận chuyển này có thể nhìn nhận rằng cuộc khủng hoảng tại Biển Đỏ hiện chưa gây ra tác động như giai đoạn COVID-19.
Tuy nhiên, vấn đề căng thẳng leo thang, kéo dài và khả năng lan sang các khu vực khác (ví dụ như eo biển Hormuz – huyết mạch của dầu mỏ thế giới) có thể sẽ khiến cục diện thương mại toàn cầu trở nên đáng lo hơn.