Công nghệ

Mark Zuckerberg tìm cách tránh công luận

Khi Nga thông báo "hạn chế một phần truy cập" vào Facebook tuần trước, đại diện mạng xã hội này đã phản hồi cứng rắn. Nhưng người đó không phải CEO Mark Zuckerberg, mà là Nick Clegg.

"Giới chức Nga yêu cầu chúng tôi ngừng dán nhãn nội dung đăng trên Facebook của bốn tổ chức truyền thông nhà nước Nga. Chúng tôi từ chối", Clegg, tân Chủ tịch quan hệ toàn cầu của Meta, công ty mẹ của Facebook, phát biểu.

Nick Clegg (trái) và Mark Zuckerberg trong một cuộc họp ở Paris, Pháp, năm 2019. Ảnh: AFP.

Nick Clegg (trái) và Mark Zuckerberg trong một cuộc họp ở Paris năm 2019. Ảnh: AFP

Những ngày tiếp theo, Clegg công bố hàng loạt tính năng an toàn cho người sử dụng Facebook tại Nga và Ukraine, đồng thời cho biết Meta đang áp dụng nhiều biện pháp để xử lý thông tin liên quan đến cuộc xung đột.

Trong khi đó, Mark Zuckerberg chưa bình luận công khai về chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.

Các phát biểu nhấn mạnh vai trò của Nick Clegg sau khi ông thăng chức tháng trước, nhưng cũng ngầm cho thấy khả năng Zuckerberg đang tìm cách biến mất khỏi truyền thông. Người sáng lập Facebook dường như đang tìm cách hạn chế hiện diện trước công chúng cũng như sự soi xét từ giới chức và công luận thế giới, dù ông đang điều hành những nền tảng với tổng số người dùng đông hơn bất kỳ quốc gia nào.

Clegg là cựu Phó thủ tướng Anh, từng đóng vai trò Phó chủ tịch phụ trách quan hệ toàn cầu và truyền thông của Meta từ năm 2018, đang tham gia nhiều vấn đề chính sách và thường là được coi là tiếng nói kiên quyết của công ty trước công chúng.

Trong khi đó, Mark Zuckerberg cho biết vai trò mới của Clegg sẽ giúp ông giải phóng thời gian biểu, từ đó có nhiều thời gian hơn cho những sản phẩm và công nghệ được Meta đầu tư cho tương lai, đồng thời giúp Giám đốc vận hành Sheryl Sandberg tập trung vào mảng kinh doanh đang đối mặt nhiều thách thức.

Trong bối cảnh Meta đặt cược vào canh bạc nhiều tỷ USD để tái cấu trúc, Zuckerberg sẽ tập trung vào tham vọng xây dựng metaverse, trong khi Clegg chịu trách nhiệm giải trình những hoạt động của công ty với giới lập pháp, quản lý và công chúng.

"Việc thăng chức cho Clegg không thay đổi vai trò của ông ấy, nhưng tôi nghĩ mục đích là trao cho ông ấy chức danh đủ lớn để Zuckerberg không phải ra điều trần trước chính phủ và quốc hội nữa. Tuy nhiên, rõ ràng là tầm nhìn của Mark Zuckerberg vẫn là động lực cho công ty lúc này", Roger McNamee, nhà đầu tư Facebook và thành viên nhóm Real Facebook Oversight Board, nhận xét.

Nhiều người ủng hộ cho rằng thay đổi này giống động thái từng được các nhà sáng lập Big Tech thực hiện, như Bill Gates, Jeff Bezos, Larry Page và Sergey Brin. Tất cả đều tránh xa vai trò đối diện với công chúng khi doanh nghiệp bị soi xét, trong khi vẫn duy trì quyền kiểm soát và sức ảnh hưởng lớn với công ty.

Zuckerberg hiện vẫn là cổ đông lớn nhất với tầm ảnh hưởng khổng lồ trong hoạt động kinh doanh của Meta. Khác những tỷ phú còn lại, ông vẫn là CEO công ty.

Quay trở lại giai đoạn đơn giản hơn

Trước năm 2016, cơ cấu lãnh đạo của Facebook khác nhiều với hiện nay. Mark Zuckerberg quản lý về mặt kỹ thuật và sản phẩm, còn Sandberg xử lý những thứ khác, theo Nu Wexler, phát ngôn viên công ty giai đoạn 2017-2018.

Điều đó thay đổi sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Facebook đối mặt với hàng loạt nghi vấn về vai trò với xã hội và các tiến trình dân chủ tại Mỹ, còn Zuckerberg cũng phải nhiều lần điều trần trước quốc hội Mỹ và Nghị viện châu Âu.

Clegg được thuê vào năm 2018 khi Facebook đang trải qua những sóng gió. Sự nghiệp chính trị của ông không kéo dài, nhưng kinh nghiệm và các mối quan hệ của Clegg được coi là tài sản quý báu với công ty. Cả Zuckberg và Sandberg đều tham gia chặt chẽ trong quá trình tuyển dụng.

Facebook và Meta tiếp tục đối mặt với hàng loạt khủng hoảng truyền thông và chính sách thời gian qua. Vai trò ngày càng nổi bật của Clegg cho thấy những thách thức với Meta đã vượt ra khỏi khuôn khổ quản lý của Sandberg. Phép thử quan trọng sẽ diễn ra vào tháng 1/2023 khi Meta phải quyết định có cho phép cựu tổng thống Donald Trump trở lại các nền tảng của họ trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tiếp theo hay không. Vai trò của Zuckerberg trong quá trình này sẽ gửi tín hiệu quan trọng, cho thấy ai đang thật sự nắm quyền.

"Tôi nghĩ họ đã nhận ra Zuckerberg không thể đại diện cho công ty trước công chúng, đặc biệt là trong lĩnh vực chính trị. Sự xuất hiện của ông ấy trước quốc hội có thể gây nhiều tổn hại hơn lợi ích. Việc đặt Clegg vào vai trò đó là lựa chọn tốt hơn nhiều", Katie Harbarth, cựu lãnh đạo Facebook, nhận xét.

Tuy nhiên, vấn đề là liệu các chính phủ có chấp nhận Clegg trong vai trò đại diện lãnh đạo Meta hay họ sẽ tiếp tục yêu cầu Zuckerberg hiện diện. "Mark có thể chạy, nhưng không thể trốn khỏi áp lực từ giới quản lý. Nick là người tuyệt vời khi đối thoại với các nhà lập pháp, nhưng tôi không nghĩ điều này sẽ ngăn được họ yêu cầu Mark ra mặt", Harbarth nói thêm.

(theo CNN)

Cùng chuyên mục

Đọc thêm