Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao vừa hoàn tất cáo trạng, truy tố các bị can: Phạm Thị Hằng; Lê Văn Cương; Trịnh Hữu Nghĩa; Nguyễn Văn Phụng; Bùi Trí Thức; Lê Thế Sơn; Vũ Thị Ninh; Nguyễn Quốc Việt; Hồ Thị Sáu; Nguyễn Duy Linh; Bùi Việt Long; Đặng Xuân Minh về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại khoản 3, Điều 222, Bộ luật Hình sự năm 2015.
Phạm Thị Hằng, cựu Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hoá ưu ái cho nhà thầu, nhận “lại quả” 3 tỷ đồng
Cụ thể, sau khi biết Sở GD&ĐT Thanh Hoá có chủ trương đấu thầu gói thầu số 1, khoảng đầu tháng 9/2019, Lê Thế Sơn, Giám đốc Công ty sách Thanh Hoá đến gặp Phạm Thị Hằng xin tạo điều kiện trúng thầu. Ngay sau đó, Phạm Thị Hằng đã chỉ đạo Lê Văn Cương, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính; Nguyễn Văn Phụng, chuyên viên Phòng Kế hoạch tài chính bằng mọi cách để Công ty sách Thanh Hoá trúng thầu.
Theo đó, Cương, Phụng và Sơn thống nhất lập danh mục thiết bị, giá từng loại thiết bị dạy học lớp 1. Tiếp đó, Sơn liên hệ với Bùi Việt Long, Phó Trưởng phòng kinh doanh Công ty Hoàng Đạo lấy thông số kỹ thuật, cấu hình, giá máy chiếu… Sau đó, Long chủ động làm file thông số kỹ thuật, cấu hình của máy chiếu dựa trên Catalog máy chiếu Optoma JXA511 của hãng Optoma, thêm các tiêu chuẩn khác rồi bôi đỏ những yêu cầu thông số đặc trưng trên để hướng dẫn Sơn “cài thầu” với mục đích làm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu khác.
Từ trái sang, các đối tượng: Trịnh Hữu Nghĩa, Nguyễn Văn Phụng, Bùi Trí Thức
Tiếp đó, Long gửi email cho Sơn file cấu hình, thông số kỹ thuật của máy chiếu Optoma JXA 511 có ghi giá 9,4 triệu đồng/chiếc và bôi đỏ để Sơn biết về các yêu cầu về thông số kỹ thuật, cấu hình chi tiết đặc trưng của máy chiếu Optoma JXA 511. Long cũng cho Sơn biết giá bán thực tế cho Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa phải từ 26.000.000 đồng đến 28.000.000 đồng.
Sơn chỉ đạo Vũ Thị Ninh, Kế toán trưởng Công ty Sách Thanh Hóa làm danh mục thiết bị chi tiết, giả các loại thiết bị của 1 bộ đồ dùng dạy học lớp 1 liên quan đến gói thầu. Ngày 2/10/2019, Sơn chuyển danh mục, thông số kỹ thuật, cấu hình chi tiết, giá các loại thiết bị đồ dùng dạy học lớp 1 cho Phụng qua email. Sau nhiều lần trao đổi, Phụng, Sơn thống nhất, giá 1 bộ thiết bị 149.560.000 đồng/bộ, tổng giá trị 222 bộ thiết bị là 33.202.320.000 đồng.
Ngày 14/11/2019, Phạm Thị Hằng ký Hợp đồng thuê Công ty thẩm định giá BTC VALUE thẩm định giá thiết bị gói thầu số 1 với Hồ Thị Sáu, Giám đốc Khối thẩm định III, Công ty thẩm định giá BTC VALUE làm đại diện.
Để thực hiện thẩm định giá, Công ty BTC VALUE sử dụng danh mục, giá thiết bị do Phụng, Sơn thống nhất từ trước rồi sửa dự thảo Chứng thư thẩm định giả theo yêu cầu của Sơn và Phụng. Sau đó, Sáu chuyển email cho Phụng và Sơn kiểm tra, điều chỉnh và gửi lại cho Nguyễn Thị Ngọc Yến, Chuyên viên để làm thủ tục phát hành. Trước khi ký báo cáo kết quả thẩm định giá, Chứng thư thẩm định giá, Yến đã báo cáo với Nguyễn Quốc Việt, Thẩm định viên về việc điều chỉnh giá một số thiết bị theo yêu cầu của khách hàng và được Việt đồng ý.
Sau đó, Việt trực tiếp báo cáo với Đặng Xuân Minh, Tổng giám đốc về nội dung điều chỉnh trên và được Minh đồng ý mà không kiểm tra đối chiếu, không đi khảo sát thị trường, không thu thập thông tin giá tài sản. Ngày 19/11/2019, Việt và Minh ký ban hành Chứng thư thẩm định giá số 619701/CT-BTCVALUE xác định giá 1 bộ thiết bị 149.230.000 đồng/bộ; giá 222 bộ thiết bị là 33.129.060.000 đồng; chi phí vận chuyển, lắp đặt 202.500.000 đồng, tổng giá trị tài sản 33.331.860.000 đồng. Trên cơ sở kết quả thẩm định giá, Phụng đề xuất Phạm Thị Hằng ký văn bản số 3161/SGDĐT-KHTC ngày 19/11/2019, đề nghị Sở Tài chính thẩm định danh mục và dự toán chi tiết mua đồ dùng dạy học gói thầu số 1 với tổng dự toán kinh phí là 33.721.005.000 đồng.
Từ trái sang, các đối tượng: Nguyễn Quốc Việt, Lê Thế Sơn, Vũ Thị Ninh
Cáo trạng của Viện Kiểm sát còn chỉ rõ, việc thông thầu còn thể hiện, Phạm Thị Hằng ký Quyết định chỉ định Công ty Nam Anh do Nguyễn Duy Linh làm Giám đốc để tư vấn lập hồ sơ mời thầu và đánh giá hồ sơ dự thầu gói thầu số 1. Trong khi bản thân Linh không có chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu theo quy định.
Do vậy, Linh đã lấy bản photo chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu của bà Phạm Thị Thủy, ông Hoàng Anh Dũng và bà Đinh Thị Xuyến đưa vào hồ sơ năng lực của Công ty Nam Anh rồi chuyển cho Phụng làm thủ tục chỉ định thầu gói thầu trên. Tiếp đó, Linh soạn thảo biên bản thương thảo hợp đồng, hợp đồng tư vấn, quyết định chỉ định thầu gửi cho Bùi Trí Thức, chuyên viên Phòng Kế hoạch - Tài chính Sở GD&ĐT Thanh Hóa để “hợp thức hóa” trình Phạm Thị Hằng ký phê duyệt để lập hồ sơ mời thầu.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát, thực tế toàn bộ công việc lập hồ sơ mời thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu gói thầu số 1 đều do Linh thực hiện theo yêu cầu của Phụng, Cương và Sơn. Ngoài ra, Công ty sách Thanh Hoá của Sơn còn nhờ công ty khác cùng tham gia dự thầu với vai trò “quân xanh”. Kết quả, ngày 16/4/2020, Phạm Thị Hằng, ký Quyết định số 267/QĐ-SGDĐT, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu số 1: Liên danh Thanh - Hà trúng thầu trị với giá hơn 32,6 tỷ đồng.
Quá trình thực hiện gói thầu số 2 (gần 87 tỷ đồng), hành vi sai phạm của các bị can cũng tương tự như gói thầu số 1. Theo đó, Phạm Thị Hằng đã chỉ đạo Trịnh Hữu Nghĩa (lúc này là Phó phòng Kế hoạch - Tài chính phụ trách thay cho Lê Văn Cương đã nghỉ hưu); Nguyễn Văn Phụng tiếp tục tạo điều kiện cho Lê Thế Sơn tham gia thầu và trúng thầu. Tuy nhiên, do gói thầu số 2 có giá trị lớn (gần 87 tỷ đồng), Công ty Sách Thanh Hóa không đủ năng lực để tham gia, do vậy Sơn đã chủ động liên hệ với Công ty Hoàng Đạo, Công ty Khang An, Công ty Nam Hoa và Công ty Long Thành đề nghị cùng tham gia liên danh đấu thầu với tên gọi Liên danh Thanh Hà - Thanh Hóa.
Do đã thông đồng, sắp xếp từ trước nên Liên danh Thanh Hà (Công ty Sách Thanh Hóa, Công ty Hoàng Đạo) và Liên danh Thanh Hà - Thanh Hóa (tất cả đều do Sơn điều hành) đã đấu thầu và dễ dàng trúng 2 gói thầu trên có tổng giá trị 119,6 tỷ đồng (gói số 1 trị giá 32,6 tỷ đồng; gói số 2 gần 87 tỷ đồng).
Sau khi thực hiện trót lọt, thành công hai gói thầu trên với tổng giá trị 119,6 tỷ đồng, Phạm Thị Hằng và thuộc cấp nhận “lại quả” 6 tỷ đồng, trong số này, riêng cựu Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa nhận 3 tỷ đồng.
Cơ quan CSĐT, Bộ Công an xác định, quá trình tổ chức triển khai thực hiện 2 gói thầu mua đồ dùng dạy học lớp 1, các đối tượng đã thổi giá, gây thiệt hại ngân sách nhà nước 20,8 tỷ đồng. Cụ thể, tại gói thầu số 1 giá trị thực tế là 24,9 tỷ đồng nhưng đã được Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa nâng khống lên 32,6 tỷ đồng. Tại gói thầu số 2, giá trị thẩm định thực tế là 73,7 tỷ đồng, trong khi gói thầu do Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa thực hiện gần 87 tỷ đồng. Tổng giá trị 2 gói thầu do Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa nâng khống, gây thất thoát ngân sách nhà nước là trên 20,8 tỷ đồng.