Khoảnh khắc thót tim được vô tình ghi lại khi cô gái có tên Yeshi Dema đang cùng một người bạn của mình tham quan Khu bảo tồn thiên nhiên Bukit Timah, Singapore.
Tại đây, Yeshi Dema đã đứng tạo dáng để bạn mình quay phim và chụp ảnh. Tuy nhiên, trong quá trình quay phim, cả Yeshi lẫn bạn của mình đã không hề nhận ra một con rắn hổ chúa cỡ lớn đang trườn từ bụi cây bên đường về phía cô.
Yeshi đã mở rộng chân để tạo dáng, suýt giẫm trúng đầu con rắn độc. Con vật sau đó trườn vào phía dưới chân cô mà không hề thể hiện ý định tấn công.
Mải mê tạo dáng chụp ảnh, cô gái suýt giẫm trúng rắn hổ chúa cỡ lớn (Video: Yeshi Dema).
Chỉ đến khi một du khách khác phát hiện con rắn cỡ lớn và cảnh báo Yeshi, cô mới hốt hoảng nhận ra con rắn độc và lập tức bỏ chạy.
"Khi tôi đang tạo dáng chụp ảnh, một người gần đó đã hét lên và chỉ xuống đất. Khi nhìn thấy con rắn, tôi đã hoảng sợ đến mức run lẩy bẩy và bật khóc. May mắn tôi vẫn có thể nhảy qua một bên và con rắn không tấn công tôi", Yeshi Dema chia sẻ về khoảnh khắc đáng sợ mình phải đối mặt.
Con rắn sau đó đã rời đi mà không tấn công bất cứ người nào.
Đoạn clip là minh chứng cho thấy không phải lúc nào rắn độc cũng chủ động tấn công con người, ngay cả khi tiếp xúc gần. Chúng chỉ tấn công khi cảm thấy bị đe dọa, cần tự vệ hoặc vô tình bị con người giẫm trúng.
Theo Ủy ban Công viên Quốc gia Singapore, hòn đảo này là nơi sinh sống của khoảng 67 loài rắn, trong đó có một số loài rắn độc như hổ chúa, hổ mang phun nọc Sumatra (loài hổ mang duy nhất được phân bố tại Singapore), rắn cạp nia, rắn san hô xanh Malaysia…
Hổ chúa là loài rắn độc lớn nhất thế giới, với chiều dài trung bình từ 3 đến 4m, có trường hợp ghi nhận cá thể rắn hổ chúa dài đến 6m. Loài rắn độc này sống chủ yếu ở các khu rừng mưa và đồng bằng của Ấn Độ, miền nam Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á.
Hổ chúa không phải là loài rắn sở hữu nọc độc mạnh nhất thế giới, nhưng lượng chất độc mà chúng sử dụng trong một cú cắn đủ để giết chết 20 người trưởng thành hoặc thậm chí một con voi.

Rắn hổ chúa là loài rắn độc dài và to lớn nhất thế giới, sở hữu nọc độc nguy hiểm chết người (Ảnh: IDS).
Nọc của rắn hổ chúa là nọc độc thần kinh, ảnh hưởng đến các trung tâm hô hấp ở não, gây ngừng hô hấp và suy tim, khiến nạn nhân tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Dù rắn hổ chúa có khả năng ngóc cao đầu và bành mang, loài rắn này không được xếp vào chi hổ mang thực sự (chi Naja), mà là loài thuộc chi Ophiophagus, với những điểm khác biệt so với các loài rắn hổ mang khác như kích thước to lớn hơn, phần mang bành ra nhỏ hơn…
Rắn hổ chúa là loài ăn thịt rắn, có vai trò hạn chế số lượng rắn trong phạm vi chúng sinh sống. Khi điều kiện thức ăn khan hiếm, rắn hổ chúa sẽ săn và ăn thịt chính đồng loại của chúng.