Bác sĩ Phạm Đình Đông, Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, lưu ý như trên trong bối cảnh các tỉnh phía Nam gồm TP HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Lâm Đồng... ghi nhận 12 ca não mô cầu, tăng 9 ca so với cùng kỳ năm 2024. Sở Y tế TP HCM dự báo thời gian tới có thể ghi nhận thêm ca bệnh trong cộng đồng.
Não mô cầu là loại vi khuẩn gây các bệnh viêm màng não mủ, nhiễm khuẩn huyết. Vi khuẩn này có khoảng 13 nhóm huyết thanh gây bệnh, trong đó có 5 nhóm phổ biến gồm: A, B, C, Y, W-135.
"Vi khuẩn não mô cầu sinh sống trong hầu họng của con người, không phân biệt tình trạng sức khỏe và lứa tuổi", bác sĩ Đông nói, thêm rằng mọi người đều cần phòng bệnh, đặc biệt người trẻ, khỏe mạnh.

Bệnh nhân trẻ tuổi trở nặng do não mô cầu. Ảnh minh họa: Vecteezy
Không phải ai mắc não mô cầu cũng biểu hiện triệu chứng. Ở người trẻ, khỏe mạnh, hệ miễn dịch có thể kiểm soát mầm bệnh khiến chúng không gây bệnh. Tuy nhiên, họ vẫn mang vi khuẩn não mô cầu trong hầu họng, trở thành nguồn lây cho người khác trong cộng đồng. Tỷ lệ người khỏe mang vi khuẩn có thể 5-25%, cao hơn trong các vụ dịch.
Vi khuẩn não mô cầu sẽ xâm nhập vào máu, gây bệnh khi gặp điều kiện thuận lợi như suy giảm sức đề kháng, mắc bệnh, căng thẳng tâm lý gây suy giảm miễn dịch, sử dụng thuốc ức chế miễn dịch, hút thuốc lá... Não mô cầu có thể gây hai thể bệnh nặng gồm viêm màng não và nhiễm khuẩn huyết hoặc kết hợp cả hai. Các bệnh này có thể gây tử vong chỉ trong 24 giờ, tỷ lệ tử vong lên đến 50% nếu không được điều trị kịp thời. Trường hợp được điều trị tích cực, vẫn có đến 15% bệnh nhân tử vong và 20% gặp các biến chứng như cắt cụt chân tay, liệt, điếc, mù lòa, thiểu năng trí tuệ...
Bác sĩ Đông cho biết ngoài tỷ lệ tử vong cao và di chứng nặng, chi phí điều trị não mô cầu và theo dõi di chứng lâu dài cũng rất tốn kém. Người bệnh ảnh hưởng khả năng học tập, hòa nhập và ổn định cuộc sống.
Một nghiên cứu tại Pháp từ tháng 2/2013 đến tháng 7/2015, dựa trên dữ liệu của 71 bệnh nhân sống sót sau khi nhiễm não mô cầu trong vòng 12 tháng, cho thấy người bệnh trẻ, khỏe gặp nhiều di chứng dai dẳng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống sau đó. Hơn 30% người bị đau đầu kéo dài, hơn 40% không ngủ ngon, 10% khó tập trung và khoảng 13% bệnh nhân không thể tiếp tục công việc chuyên môn của mình.
Tại Anh, chi phí chăm sóc một bệnh nhân nhiễm não mô cầu trọn đời lên đến 1,72 triệu bảng Anh (khoảng 56 tỷ đồng). Tại Đức, chi phí cho một ca bệnh não mô cầu từ 57.000 euro đến 171.000 euro (hơn 1 tỷ - 4,5 tỷ đồng). Còn tại Việt Nam, chi phí điều trị một ca não mô cầu chiếm hơn 80% tổng chi tiêu hàng tháng của mỗi gia đình.
Vì vậy, bác sĩ Đông khuyến cáo mọi người dân, bao gồm người khỏe mạnh nên chủ động phòng bệnh do vi khuẩn não mô cầu. Hiện nay, chiến lược phòng bệnh được Bộ Y tế khuyến cáo gồm thực hiện tốt vệ sinh cá nhân như rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn. Mỗi người nâng cao sức khỏe tổng thể thông qua ăn uống đủ chất dinh dưỡng, luyện tập nâng cao thể trạng. Nơi ở, nơi làm việc cần thông thoáng, sạch sẽ.
Người dân chủ động tiêm vaccine tại các cơ sở y tế và đi khám, thông báo cho cơ quan y tế gần nhất khi có dấu hiệu nghi mắc bệnh. Những người tiếp xúc gần bệnh nhân trong thời gian từ 7 ngày trước khởi phát đến 24 giờ sau khi bệnh nhân được dùng kháng sinh, cần theo dõi sức khỏe trong vòng 10 ngày kể từ khi tiếp xúc lần cuối.

Nam thanh niên tiêm vaccine tại Trung tâm tiêm chủng VNVC. Ảnh: Diệu Thuần
Về biện pháp vaccine, hiện đã có mũi tiêm giúp phòng ngừa 5 nhóm huyết thanh não mô cầu phổ biến. Các vaccine này chỉ có trong chương trình tiêm chủng dịch vụ, cụ thể:
Bexsero (Italy): loại thế hệ mới giúp phòng các chủng não mô cầu nhóm B, tiêm cho trẻ từ 2 tháng và người lớn đến 50 tuổi.
VA-Mengoc BC (Cuba): giúp phòng các chủng não mô cầu nhóm B và C, tiêm cho trẻ từ 6 tháng và người lớn đến 45 tuổi.
Menactra (Mỹ): loại thế hệ mới giúp phòng các chủng não mô cầu các nhóm A, C, Y, W-135, tiêm cho trẻ từ 9 tháng đến người lớn 55 tuổi.
Vaccine não mô cầu không tạo miễn dịch chéo giữa các nhóm huyết thanh gây bệnh. Vì vậy, mọi người cần tiêm sớm và đầy đủ vaccine phòng 5 nhóm huyết thanh. Người đã tiêm xong vaccine phòng não mô cầu nhóm B thế hệ mới, cần tiếp tục tiêm vaccine phòng nhóm A, C, Y, W-135.
Trường hợp đã tiêm vaccine phòng nhóm B-C, có thể tiêm thêm mũi phòng nhóm B thế hệ mới, giúp phòng ngừa đầy đủ với hiệu quả bảo vệ cao hơn trước các chủng vi khuẩn não mô cầu nhóm B.
Ngoài vaccine phòng bệnh do não mô cầu, mọi người nên tiêm thêm các vaccine khác như phế cầu, cúm, ho gà... nhằm bảo vệ đường hô hấp, tránh tạo điều kiện cho vi khuẩn não mô cầu xâm nhập, tấn công.