Tại sự kiện 5G Day ở TP HCM tuần này, các chuyên gia đánh giá mạng 5G đã qua giai đoạn chuẩn bị và bước vào giai đoạn phát triển bùng nổ với nhiều mô hình kinh doanh mới có thể được tạo ra.
Dẫn báo cáo của hãng nghiên cứu thị trường Omdia, ông Phạm Văn Minh, Giám đốc Giải pháp di động của Nokia, cho biết trong năm 2024, lưu lượng dữ liệu qua mạng di động khoảng 1.394 Exabytes, trong đó mạng 5G chiếm 40%. Đến 2025, tỷ lệ này được dự báo tăng lên 55%.
"5G là công nghệ di động phát triển nhanh nhất hiện nay và sẽ chiếm hơn một nửa tổng lượng dữ liệu toàn cầu năm 2025. Các doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội từ sự chuyển mình này", ông Minh nhấn mạnh.
Riêng tại Việt Nam, mạng 5G sau khi thương mại hóa từ tháng 10 được đánh giá mang tới những thay đổi về thói quen người dùng. Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ di động Viettel Telecom, cho biết tại các khu vực đã triển khai, lưu lượng truy cập qua mạng 5G chiếm 30% lưu lượng chung.
Điều này nhờ mạng 5G đang được sử dụng phổ biến bởi nhóm người dùng trẻ tại Việt Nam, trong đó 80% tập trung ở các khu vực thành thị, khu công nghiệp và khu du lịch. Nhóm này thường sử dụng 2-3 mạng xã hội, trong đó có những nền tảng video như TikTok, YouTube, Facebook, kéo theo nhu cầu sử dụng dữ liệu gia tăng.
Ngoài ra, khảo sát của Viettel sau hai tháng triển khai 5G cho thấy 20% người dùng có xu hướng sử dụng di động thay cho wifi và tăng thời gian sử dụng kết nối dữ liệu di động.
Thống kê của nhà mạng cũng cho thấy hiện chỉ khoảng 21% thuê bao sở hữu điện thoại hỗ trợ 5G, tập trung ở khu vực thành thị. Đây cũng là lý do nhà mạng phủ sóng tại các khu vực này trước, trong khi người dùng khu vực nông thôn dùng chủ yếu 4G. Khoảng 70% thuê bao đủ điều kiện đã trải nghiệm thế hệ mạng mới. Điều này cho thấy thị trường 5G có sức hút lớn và còn nhiều dư địa phát triển. Viettel hiện có khoảng 4 triệu người dùng 5G và dự báo tăng lên 10 triệu sau một năm triển khai.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đánh giá sức mạnh của 5G không chỉ ở việc tăng tốc độ truy cập, mà còn mở ra những ứng dụng mới. Nhờ các đặc tính kỹ thuật, đặc biệt khả năng phân chia mạng logic (Network Slicing), 5G có thể được cá nhân hóa, tối ưu cho riêng nhu cầu sử dụng, ví dụ người chơi game hoặc livestream có thể yêu cầu băng thông cao; các ứng dụng về y tế, IoT yêu cầu độ trễ thấp hoặc khả năng kết nối số lượng thiết bị lớn, đều có thể thực hiện được.
Tuy nhiên, Network Slicing chỉ khả dụng với mạng 5G SA, tức mạng độc lập. Trong khi tại phần lớn thị trường mới triển khai như Việt Nam, các nhà mạng ban đầu sử dụng mạng 5G NSA, tận dụng hạ tầng 4G cũ, trước khi chuyển hoàn toàn sang mạng 5G độc lập.
Theo dự báo của Qualcomm, số lượng kết nối di động toàn cầu đang gia tăng nhanh chóng, với 2,1 tỷ điện thoại 5G được bán ra và hơn 300 nhà mạng khai trương dịch vụ 5G. Công nghệ 5G được dự đoán đóng góp gần 900 tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu năm 2030.