Thời sự

Luật sư của cựu Giám đốc CDC Bình Dương: "Sự hy sinh không thể bị trả giá"

Kết thúc phiên xét sử sơ thẩm 38 bị cáo vụ Việt Á , TAND TP Hà Nội tuyên ông Nguyễn Thành Danh (nguyên Giám đốc CDC Bình Dương) được miễn trách nhiệm hình sự.

Trả lời PV VTC News , luật sư Nguyễn Thành Công (Công ty Đông Phương Luật, Đoàn luật sư TP.HCM, bào chữa cho ông Danh) cho biết, ông tham gia nhiều đại án nhưng Việt Á là một đại án đặc biệt bởi gắn trực tiếp với đại dịch COVID-19, với sự sống, cái chết của hàng triệu người trên toàn thế giới.

"Vụ án này xét xử các sai phạm, tiêu cực trong quá trình chống dịch nên tôi đã nghĩ đến áp lực rất lớn từ dư luận. Áp lực này, tất nhiên là tiêu cực. Tuy nhiên, với thân chủ của mình là ông Nguyễn Thành Danh, tôi tự tin về tính chính nghĩa, trung trực và sự liêm khiết của ông nên an tâm về áp lực tiêu cực kia không thể tác động đến mình", luật sư Nguyễn Thành Công chia sẻ.

Luật sư của cựu Giám đốc CDC Bình Dương: 'Sự hy sinh không thể bị trả giá' - Ảnh 1.

Luật sư Nguyễn Thành Công (đeo kính ngồi hàng đầu) cùng các luật sư bào chữa trong phiên toà Việt Á.

Tuy vậy, luật sư Công vẫn lo lắng quá trình chuẩn bị về sự trình bày, bố cục của phần bào chữa không đạt, không chuyển tải hết được điều mình muốn nói để giảm đi tính thuyết phục với HĐXX để có được kết quả tốt nhất cho thân chủ.

Hôm toà tuyên án, luật sư Công vắng mặt nhưng ông kể, ông không thể nào quên "phút giây lịch sử" khi thân chủ gọi điện thoại nghẹn ngào nói về sự vui mừng với bản án vừa tuyên.

"Tôi rất bất ngờ và không thể tin được về kết quả tốt đẹp như thể. Rõ ràng đã nhận được sự thông cảm, chia sẻ, đặc biệt là sự khoan hồng của Viện kiểm sát cũng như Tòa án", luật sư Công nói.

Theo luật sư Công, yếu tố giúp VKS và Tòa đều có chung quan điểm miễn trách nhiệm hình sự cho ông Danh là đều nhìn ra được bản chất của vấn đề, họ đã áp dụng công bằng về pháp luật và sâu sắc về tính nhân văn.

"Trong một màu xám, tối của tập thể sai phạm có tính vụ lợi thì bật lên nét sáng rất sắc, chứa đựng cả sự hy sinh bản thân khi chấp nhận sai, cảm nhận được cái sai nhưng vẫn dấn thân, không vụ lợi để cứu người dân đang bị đe dọa bởi đại dịch thì sự hy sinh đó không thể vô nghĩa càng không thể bị trả giá", luật sư Nguyễn Thành Công nêu quan điểm.

Luật sư của cựu Giám đốc CDC Bình Dương: 'Sự hy sinh không thể bị trả giá' - Ảnh 2.

Luật sư Nguyễn Thành Công và ông Nguyễn Thành Danh.

Luật sư Công cho rằng, hành động từ chối nhiều lần số tiền không hề nhỏ của ông Danh là chỉ dấu về sự quyết liệt liêm khiết và dũng cảm từ chối lợi ích cho bản thân. Như vậy, sai phạm của ông Danh chỉ có thể lý giải bằng một nguyên nhân duy nhất là nhằm cứu người nên không thể có một án phạt được. Đó là sự nhân văn và các cơ quan tiến hành tố tụng đã nhìn thấy.

Phân tích về bối cảnh sai phạm của thân chủ, luật sư Nguyễn Thành Công cho rằng, đại dịch COVID-19 có tốc độ lây lan nhanh, hậu quả là chết người, tính nguy hiểm đến mức nguy cấp ở diện rộng. Vì vậy người bác sĩ, đặc biệt lại công tác ở một đơn vị mũi nhọn của phòng chống dịch buộc phải vào cuộc ngay mà không chần chừ hay vì lý do riêng mà thoái thác trách nhiệm dù việc thoái thác này nếu xảy ra cũng không ai trách cứ.

Đến tuổi gần hưu nên ông Danh có thể xin ngừng công tác để chuẩn bị cho việc nghỉ ngơi. Nhưng ông Danh đã không chọn cách này mà xông thẳng vào hiểm nguy, xung phong vào tâm dịch để cứu người suốt 3 tháng (từ tháng 7 đến tháng 11/2021).

Ông Danh và nhiều thành viên CDC Bình Dương đã ăn ngủ tại cơ quan và các điểm dịch. Lệnh của cấp trên phải khoanh vùng, cách ly, dập dịch nhưng trong tay không có công cụ, phương tiện vì vậy khi có chủ trương và chỉ đạo trực tiếp từ cấp trên về việc mượn công cụ (kit test) của Việt Á thì ông Danh thực hiện ngay.

"Chống giặc không thể bằng tay không, vũ khí thứ tối cần lại không có chỗ khác để mượn nên ông Danh quyết định ký vào giấy mượn của Việt Á là điều tất yếu, bắt buộc. Hành động của ông Danh để cứu người chứ không vì lợi ích, không vì tiền bạc nên buộc tội ông Danh đã là sự nặng tay của pháp luật, việc miễn trách nhiệm hình sự là hoàn toàn phù hợp, đúng cả lý lẫn tình", luật sư Công phân tích.

Nói về phiên toà vụ Việt Á, luật sư Công cho biết, phiên tòa này là hoạt động triển khai và thi hành chủ trương của Đảng, cụ thể là Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực Trung ương.

"Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên kết luận tại cuộc họp nội chính chiều 16/8/2023 “đối với các trường hợp vi phạm, không vụ lợi nhưng xảy ra trong hoàn cảnh dịch bệnh nên ban chỉ đạo thống nhất chủ trương tha, miễn'", luật sư Công nêu dẫn chứng.

Theo luật sư Công, đó là các chủ trương, chính sách mang tính thời sự, còn quy định của pháp luật hình sự thì có chế định miễn truy cứu trách nhiệm hình sự quy định ở Điều 29 Bộ luật Hình sự. Các trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự cũng như chính sách hình sự đặc biệt căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi được đặt trong bối cảnh, hoàn cảnh để từ có cách xử lý khác vừa có lý, có tình để vừa răn đe nhưng cũng vừa giáo dục chung.

"Vụ án này, đặc biệt với trường hợp của ông Danh sẽ là điển hình cho hành vi sai phạm do bối cảnh, hoàn cảnh mà không có cơ hội để chọn lựa cách hành xử khác lại không vì vụ lợi hoặc để giảm thiệt hại lớn mà phải thực hiện sai phạm nhỏ thì được xem xét để miễn trách nhiệm hình sự" , luật sư Nguyễn Thành Công nhấn mạnh.

HĐXX đánh giá, mặc dù ông Danh có thể nghỉ chế độ trước thời hạn nhưng khi được yêu cầu, đề nghị bị cáo vẫn ở lại sát cánh cùng CDC Bình Dương trong chống dịch COVID-19.

Là lãnh đạo CDC Bình Dương, bị cáo nhận thức rõ hành vi của mình là vi phạm và có thể bị xử lý nhưng đã "dám nghĩ, dám làm" vì sức khỏe, tính mạng của đồng bào.

"Bị cáo không tư lợi cá nhân. Bị cáo đã nhiều lần từ chối nhận tiền, nhận quà cảm ơn của Công ty Việt Á và cũng đã cảnh tỉnh nhân viên cấp dưới khi tiếp xúc, nhận quà cảm ơn", HĐXX cho biết.

Nhận định trên của HĐXX tương đồng với đánh giá của VKS vào chiều cùng ngày khi đề nghị HĐXX xem xét miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo Nguyễn Thành Danh.


Cùng chuyên mục

Đọc thêm