Chiêu lừa đảo "Quà tặng Điện máy Xanh"
Một trong những trò lừa đảo phổ biến mà nhiều người dính bẫy thời gian qua là "Điện máy Xanh tặng quà tri ân khách hàng". Thủ đoạn chung của kẻ lừa đảo là giả danh nhân viên của Điện máy Xanh gọi điện đến chúc mừng người nghe đã nhận được phần thưởng đặc biệt của cửa hàng.
Trong thời gian qua, báo chí đã đưa tin về việc nhiều người vì tò mò và hứng thú đã mất cảnh giác trước món lợi trước mắt để rồi hệ lụy là bị lừa trăm triệu cho đến cả tỷ đồng,
Một trong những người từng gặp phải chiêu trò này đã chia sẻ cách thức lừa đảo của kẻ gian như sau:
Đầu tiên, đối tượng sẽ gọi điện chúc mừng đi kèm lời trấn an: "Anh chị chỉ cần làm theo các thao tác sau đây sẽ được nhận quà hoàn toàn miễn phí, không phải đóng tiền hay mất phí ship".
Chưa cần người nghe phản ứng, đầu dây bên kia sẽ lập tức xin phép được kết bạn trên Zalo và tắt máy. Ngay sau đó một lời mời kết bạn gửi đến. Người này sẽ đề nghị bạn vào một nhóm chung cùng với gần 100 người khác để cùng hướng dẫn nhận quà.
Sau khi vào nhóm chung, chủ phòng sẽ yêu cầu mọi người gửi số tài khoản ngân hàng để chương trình "tặng quà chào mừng".
Lúc này có thể sẽ nhiều người bán tín bán nghi, không rõ đây có phải lừa đảo hay gì không. Tuy nhiên, để lấy lòng tin, kẻ gian đã hào phóng chuyển tiền chào mừng trị giá 50 nghìn đồng cho tất cả mọi người trong nhóm thật sự.
Rất nhiều người khi nhận được tiền đã cời bỏ dần sự hoài nghi và háo hức chờ đón những món quà tiếp theo như hứa hẹn. Như để chứng minh sự "trong sạch", trưởng nhóm tiếp tục tặng thêm 20 nghìn đồng cho từng người khi điểm danh và liên tục bật mí sẽ còn nhiều món quà đặc biệt hơn nữa dành cho những ai tham gia tích cực nhất.
Dù số tiền quà tặng khá nhỏ bé nhưng nhiều thành viên bắt đầu tin tưởng vào việc đây là chương trình uy tín và họ là những người may mắn khi được tham gia.
Nhóm kẻ lừa đảo rất đầu tư khi bỏ ra vài triệu đồng tạm thời để lấy lòng tin của đối tượng. Sau khi nhận được 70 nghìn tiền chào mừng, trong số 80 người đã có lác đác vài người bỏ nhóm. Nhưng chỉ vài phút sau, lại có rất đông người mới tiếp tục tham gia.
Lúc này nhóm lừa đảo bắt đầu khởi động chương trình gọi là làm nhiệm vụ tặng quà. Mọi người sẽ vào các tài khoản chính thức của các thương hiệu lớn trên Zalo (Zalo Official Account - Zalo OA) để nhấn nút Quan tâm. Với mỗi lần Quan tâm sẽ được chuyển 10 nghìn đồng vào tài khoản.
Chủ phòng sẽ lần lượt gửi tên các tài khoản chính thức vào phòng và mỗi người sẽ có 1 phút để nhấn Quan tâm, chụp ảnh màn hình và gửi lên nhóm. Chủ phòng sẽ xác nhận và chuyển tiền ngay sau đó. Các trang tài khoản được Quan tâm đều là thương hiệu lớn, uy tín như Điện máy Xanh, Viettel, Vincom…
Chỉ mất vài giây để làm nhiệm vụ đơn giản nhưng có tiền ngay, đa số đều miệt mài tham gia liên tục vài giờ đồng hồ. Có thể nói, với hình thức như vậy, rất khó để ai nghi ngờ đây là trò lừa đảo.
Dụ dỗ tinh vi
Sau một buổi chiều làm nhiệm vụ, những người chăm chỉ có thể kiếm được số tiền lên tới 500 nghìn đồng. Ai cũng tỏ ra vui vẻ khi nhận quà mà không tốn nhiều công sức nào. Nhưng thay vì "ngả bài" vào phút cuối khi con mồi đã say đòn, kẻ lừa đảo lại câu kéo một cách hết sức tinh vi.
Chúng tuyên bố chương trình buổi chiều kết thúc và hẹn mọi người tiếp tục nhiệm vụ vào sáng ngày mai. Vẫn cách thức quen thuộc, kẻ gian tuyên bố ai điểm danh vào đúng 8h sáng sẽ nhận phần quà 100 nghìn vào tài khoản.
Sáng hôm sau, gần như tất cả những người tham gia trước đó đều có mặt. Trong đầu họ lúc này không còn một chút nghi ngờ nào mà chỉ còn lại sự ngóng trông vào số tiền hôm nay nhận được là bao nhiêu.
Biết rằng thời cơ chín muồi đã tới, chủ phòng mời gọi mọi người đăng ký thành viên để nhận được nhiều ưu đãi hơn, kiếm tiền nhiều hơn.
Lệ phí đăng ký sẽ có các mốc 150 nghìn để nhận về hoa hồng 300 nghìn và 250 nghìn nhận hoa hồng 450 nghìn, đảm bảo thu nhập mỗi ngày từ 400-500 nghìn khi tham gia nhiệm vụ. Ngoài ra, thành viên còn có lương 7tr860 nghìn hàng tháng.
Đăng ký xong, chủ phòng yêu cầu mọi người tải ứng dụng để đăng nhập và được thưởng 50 nghìn nữa. Đây là lúc trò lừa đảo bắt đầu.
Kẻ gian đã tốn tiền bạc, công sức trong suốt hai ngày chỉ để dẫn dắt người dùng mất cảnh giác và tải xuống ứng dụng độc hại để qua đó chiếm đoạt tài sản bằng những phương thức quen thuộc.
Sau khi nhận được tiền tươi thóc thật, gần như tất cả những người tham gia trong phòng đều tin tưởng hoàn toàn vào lời hứa hẹn nói trên. Thậm chí nhiều người không nhận ra rằng lệ phí thành viên chẳng khác gì trả lại số tiền mà họ nhận về khi làm nhiệm vụ hôm qua.
Ứng dụng mà kẻ gian kêu gọi tải xuống được thiết kế sơ sài, không có tên rõ ràng, không hề có trên cửa hàng ứng dụng chính thức của Google hay Apple mà được tải thông qua đường link bên ngoài.
Chúng sẽ hướng dẫn chi tiết cách vượt qua các phương thức bảo mật trên điện thoại để có thể cài ứng dụng. Những người tham gia không hề biết rằng họ đang tự mình rước thảm họa về nhà.
Lừa tải xuống ứng dụng độc hại, qua đó chiếm quyền kiểm soát điện thoại, đánh cắp thông tin cá nhân và tài khoản ngân hàng là kiểu lừa phổ biến nhất thời gian qua.
Sau khi tất cả thành viên đều cài ứng dụng, đăng nhập và chụp ảnh màn hình báo cáo lại, những kẻ lừa đảo rút lui một cách nhanh chóng. Chúng ngay lập tức xóa phòng như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Tài khoản mời người dùng vào phòng lúc ban đầu cũng biến mất không tăm hơi.
Trong số 80 người trong nhóm, chắc hẳn đã có rất nhiều người bị lừa mất tiền.
Chỉ cần đầu tư vài triệu đồng làm mồi nhử, nhóm kẻ lừa đảo có thể thu hồi vốn, thậm chí là "lãi lớn" một cách dễ dàng từ những nạn nhân cả tin.