Kỹ năng sống

Lời nhắc nhở của Thiền sư: Bài học khó nhất đời người là ‘Sống trong hiện tại’, hãy học cách bình thản đón nhận mọi thứ

Tóm tắt:
  • Người thường lo lắng trong khi ăn và ngủ, điều này không phải tu hành.
  • Ba bệnh nhân mắc rối loạn lo âu biểu hiện rõ sự lo lắng về tương lai.
  • Như Aaron T. Beck và Winston Churchill đã chỉ ra, phần lớn nỗi lo không xảy ra.
  • Để đánh bại lo âu, hành động và sống trong hiện tại là giải pháp tốt nhất.
  • Hãy nhận ra rằng suy nghĩ tiêu cực không có gốc rễ và sẽ tự biến mất nếu không nuôi dưỡng.

01

Tiến sĩ tâm lý học nổi tiếng Aaron T. Beck từng kể về ba bệnh nhân mắc chứng rối loạn lo âu. Người đầu tiên – Todd, một sinh viên mới tốt nghiệp. Todd luôn cảm thấy bản thân không đủ giỏi. Mỗi lần chuẩn bị phỏng vấn, cậu lại tự nhủ mình chắc chắn sẽ thất bại.

Sau bao nỗ lực, cuối cùng Todd cũng tìm được công việc, nhưng nỗi sợ hãi không dừng lại. Cậu lo rằng đồng nghiệp quá xuất sắc, còn mình thì không đủ năng lực và sẽ sớm bị đào thải. Sếp giao cho Todd danh sách khách hàng tiềm năng, cậu còn chưa kịp vui mừng đã bắt đầu lo lắng: "Mình có giữ chân được họ không?". Sống trong lo lắng từng ngày, cuối cùng Todd bị căng thẳng cực độ và mắc chứng rối loạn lo âu cấp tính.

Người thứ hai – Rebecca, 38 tuổi, một bà mẹ đi làm. Kể từ khi được thăng chức quản lý, Rebecca bắt đầu mất ngủ triền miên. Những đêm trằn trọc, cô luôn bị những nỗi lo bủa vây: Con gái ở trường có an toàn không? Chồng có thể bị sa thải không? Khoản tiền tiết kiệm ít ỏi của gia đình liệu có đủ cho tương lai? Những nỗi sợ ấy luôn ám ảnh tâm trí cô, khiến Rebecca kiệt quệ về cả thể chất lẫn tinh thần. Cô bắt đầu mất kiểm soát, có những lúc khóc òa không lý do, tâm trạng luôn trong tình trạng căng thẳng cực độ.

Người thứ ba – Elizabeth, gần 50 tuổi. Đã nghỉ hưu, không còn lo cơm áo gạo tiền, nhưng Elizabeth vẫn sống trong sự bất an triền miên. Bà lo sợ tư duy của mình sẽ trở nên lỗi thời, không bắt kịp thời đại. Bà sợ tuổi tác ngày càng cao, sức khỏe suy giảm, trở thành gánh nặng cho người khác. Bà lo lắng rằng khoản lương hưu sẽ không đủ, thậm chí tưởng tượng ra những biến cố xã hội chưa từng xảy ra.

Ba con người này có bao nhiêu điểm giống với chúng ta? Chúng ta lo lắng cho những điều chưa xảy ra, khiến bản thân luôn trong trạng thái căng thẳng tột độ. Cuối cùng, không thay đổi được tương lai, nhưng lại hủy hoại hiện tại.

Thực tế, nỗi lo của ngày mai có hai khả năng:

Nó sẽ không xảy ra → Vậy thì những lo lắng của hôm nay hoàn toàn vô nghĩa.

Nó chắc chắn sẽ đến → Mà nếu đã không thể tránh, lo lắng cũng chẳng thay đổi được gì.

Thế nên, tôi luôn tin rằng điều ngu ngốc nhất chính là lo lắng cho những chuyện cách ta 2 tiếng đồng hồ hoặc 8 cây số.

Lời nhắc nhở của Thiền sư: Bài học khó nhất đời người là ‘Sống trong hiện tại’, hãy học cách bình thản đón nhận mọi thứ- Ảnh 1.

02

Một phóng viên trẻ tên Jones làm việc cho một tờ báo tại Mỹ. Một ngày nọ, cấp trên giao cho anh một nhiệm vụ: hẹn phỏng vấn thẩm phán Brandies. Jones sốc nặng, lập tức từ chối: "Không, không thể được! Ông ấy đâu có quen tôi." Anh liệt kê cả một danh sách lý do để không đi: Mình chỉ là kẻ vô danh, không đủ tư cách; Kinh nghiệm còn quá non nớt, không đủ năng lực; Vị thẩm phán ấy vô cùng bận rộn, chắc chắn không có thời gian tiếp mình.

Sếp chỉ liếc nhìn anh một cái, rồi trực tiếp gọi điện đến văn phòng thẩm phán: "Xin chào, tôi là phóng viên của tờ Star News, tên là Jones. Tôi được giao nhiệm vụ phỏng vấn ngài thẩm phán Brandies. Không biết ngài có thể dành vài phút tiếp tôi trong hôm nay không?"

Jones hoảng hốt: "Sao ông ấy lại nhắc tên mình? Sao ngài thẩm phán có thể đồng ý chứ?"

Nhưng ngay sau đó, điện thoại vang lên một giọng nói trầm ổn: "1 giờ 15 phút. Hãy đến đúng giờ."

Jones đứng sững tại chỗ. Cái việc mà anh cứ lưỡng lự, sợ hãi, lại được giải quyết trong vài giây một cách đơn giản như vậy. Về sau, khi đã thành danh, trong một bài phát biểu, Jones thổ lộ: "Khoảnh khắc ấy là bài học quan trọng nhất trong 20 năm cuộc đời tôi."

Thủ tướng Anh Winston Churchill cũng từng nói: "Khi tôi nhìn lại cuộc đời mình, tôi nhớ đến một ông lão. Trước lúc lâm chung, ông thở dài: 'Suốt đời ta đã lo lắng quá nhiều, nhưng hầu hết những điều ta lo sợ... chẳng bao giờ xảy ra cả'."

Câu này không phải chỉ là một câu nói truyền động lực sáo rỗng.

Một nhà tâm lý học đã thực hiện một thí nghiệm. Ông yêu cầu người tham gia viết ra tất cả những lo lắng mà họ nghĩ sẽ xảy ra trong 1 tuần tới rồi bỏ vào một chiếc "hộp lo lắng".

Sau 3 tuần, ông mở hộp và kiểm tra từng mục. Kết quả: 90% những lo lắng… không hề xảy ra. Với 10% còn lại, ông tiếp tục yêu cầu họ bỏ vào hộp một lần nữa. Sau 3 tuần tiếp theo, ông kiểm tra lại. Và lần này, chúng đã không còn là vấn đề đáng lo ngại nữa.

Nỗi lo lắng vốn không có gốc rễ. Không nhặt lên, nó sẽ tự biến mất. Phiền não không có nguồn cơn. Không đào sâu, nó sẽ tự tiêu tan. Thứ thực sự khiến chúng ta kiệt quệ không phải là những điều đã xảy ra, mà là những suy nghĩ bi quan trong đầu. Vậy nên, đừng lo lắng về những chuyện cách ta 2 giờ hoặc 8 cây số. Và nếu một ngày nào đó, bạn cảm thấy hoang mang, do dự, lo lắng về tương lai, hãy nhắc nhở bản thân: " Những gì tôi lo sợ, phần lớn… sẽ chẳng bao giờ xảy ra."

Lời nhắc nhở của Thiền sư: Bài học khó nhất đời người là ‘Sống trong hiện tại’, hãy học cách bình thản đón nhận mọi thứ- Ảnh 2.

03

Nhà văn người Trung Quốc, Lý Tiểu Duệ từng chia sẻ một trải nghiệm cá nhân. Trước đây, cuộc sống của cô luôn trong trạng thái căng thẳng, ngày nào cũng chìm trong lo lắng. Ngày mai có cuộc họp cần phát biểu, cô lo ngay từ đêm trước, mất ngủ vì sợ mình thể hiện không tốt. Tuần sau phải đi công tác, cô bắt đầu lo lắng từ lúc nhận được thông báo, tưởng tượng đủ mọi khó khăn có thể xảy ra trên đường. Nhiều khi, sự việc còn chưa diễn ra, cô đã tự làm khổ mình vì những suy nghĩ tiêu cực. Nhưng dần dần, cô nhận ra một điều: Phần lớn những điều cô lo sợ… không bao giờ xảy ra. Nếu có xảy ra, cũng chẳng hề đáng sợ như cô nghĩ. Từ những rắc rối trong công việc, mâu thuẫn trong hôn nhân, đến sự ra đi của những người thân yêu… Lúc mới đối diện, cô từng nghĩ đó là chuyện động trời, tưởng chừng như mình sẽ không thể vượt qua. Nhưng cuối cùng, mọi chuyện đều có cách giải quyết. Ngoảnh đầu nhìn lại, thì ra, không có chuyện gì thực sự đánh gục được cô cả.

Bạn đã từng có cảm giác này chưa? Khi còn bé, quên làm bài tập là chuyện động trời. Khi học cấp 3, trượt đại học là chuyện động trời. Khi yêu, chia tay người mình thương là chuyện động trời. Nhưng sau này bạn mới hiểu:

18 tuổi không đậu đại học, cuộc đời không vì thế mà chấm dứt.

35 tuổi mất đi người yêu, không có nghĩa bạn sẽ cô đơn cả đời.

40 tuổi bị sa thải, không có nghĩa bạn không thể làm lại từ đầu.

Giữa "chuyện động trời" và "chuyện cỏn con", đôi khi chỉ cách nhau một chút thời gian.

Cuộc đời là một vùng trời rộng lớn, không phải đường ray chỉ có một hướng đi. Tỷ lệ sai số của cuộc sống, lớn hơn chúng ta nghĩ rất nhiều. Cửa ải nào cũng sẽ qua, ngày tháng nào cũng rực rỡ. Đừng lo lắng về những chuyện cách ta 2 giờ hoặc 8 cây số. Cuộc sống, cờ tới tay ai, người đó phất.

Lời nhắc nhở của Thiền sư: Bài học khó nhất đời người là ‘Sống trong hiện tại’, hãy học cách bình thản đón nhận mọi thứ- Ảnh 3.

04

Một nghiên cứu của Đại học Stanford chỉ ra rằng: Não bộ của con người có xu hướng biến nỗi sợ hãi thành hình ảnh, rồi liên tục lặp đi lặp lại trong đầu.

Kết quả là ta như bị một lực hút vô hình kéo về hướng đó. Có những khó khăn thực sự rất lớn, nhưng điều khó vượt qua nhất không phải là bản thân thử thách, mà chính là cảm giác hoang mang khi đối diện với nó. Cựu lính SEAL Hoa Kỳ Marcus Luttrell, trong hồi ký Lone Survivor (Người sống sót duy nhất), đã ghi lại một chi tiết thú vị. Lính SEAL phải trải qua những khóa huấn luyện vô cùng khắc nghiệt. Ở góc doanh trại luôn có một chiếc chuông – bất kỳ ai cảm thấy không thể chịu đựng nổi, chỉ cần gõ chuông, họ sẽ được phép rời đi.

Nhưng có một điều kỳ lạ: Hầu hết những người bỏ cuộc đều gõ chuông vào ban đêm, chứ không phải vào ban ngày – khi họ đang phải chịu đựng cường độ huấn luyện khủng khiếp nhất.

Tại sao vậy?

Các nhà tâm lý học phân tích: Khi đang huấn luyện, họ không có thời gian để nghĩ ngợi, chỉ tập trung vào nhiệm vụ trước mắt, nên có thể chịu đựng được. Nhưng khi màn đêm buông xuống, sự yên tĩnh và bóng tối khuếch đại cảm giác đau đớn. Họ bắt đầu lo lắng cho ngày mai – sợ rằng mình sẽ lại phải chịu đựng như hôm nay. Chính cảm giác lo sợ này khiến họ bỏ cuộc, chứ không phải nỗi đau thực sự.

Rất nhiều người trong chúng ta cũng như vậy.

Trước một cuộc đàm phán quan trọng, ta chưa kịp chuẩn bị đã nghĩ: "Nhỡ đâu mình nói sai thì sao?". Kết quả là ta nói sai thật.

Trước một cuộc gặp gỡ quan trọng, ta chưa kịp tiếp xúc đã lo: "Nhỡ người này khó tính thì sao?". Cuối cùng buổi gặp diễn ra không suôn sẻ.

Tại sao vậy? Vì dù chưa làm gì, nhưng mỗi lần lo lắng, do dự, sợ hãi… bạn đều đang tiêu hao năng lượng tinh thần. Càng lo xa, bạn càng mất đi sự tập trung và tỉnh táo để xử lý vấn đề thực sự. Cách tốt nhất để đánh bại lo âu… không phải là nghĩ ngợi lung tung, mà là hành động ngay lập tức!

Bạn sợ đàm phán? → Chuẩn bị tài liệu thật kỹ.

Bạn lo gặp khách hàng? → Nghiên cứu kỹ nhu cầu và sở thích của họ.

Mỗi phút bạn dành để do dự, là một phút ít hơn để giải quyết vấn đề.

Nhưng khi bạn bắt tay vào hành động, những nỗi sợ do chính bạn tưởng tượng ra… sẽ tự động tan biến.

Lời nhắc nhở của Thiền sư: Bài học khó nhất đời người là ‘Sống trong hiện tại’, hãy học cách bình thản đón nhận mọi thứ- Ảnh 4.

05

Nhà văn Lâm Thanh Huyền từng kể một câu chuyện trong sách của ông: Hồi nhỏ, nhà ông có một khu vườn lớn trồng rất nhiều cây. Cha ông quy định rằng lũ trẻ phải quét sân xong mới được đi học, nhưng ai cũng thấy phiền.

Một hôm, cha ông dạy chúng một mẹo: Trước khi quét sân, hãy lắc cây để những chiếc lá sẽ rụng ngày mai rụng xuống trước, như vậy sẽ tiết kiệm công sức, hai ngày mới cần quét một lần.

Lũ trẻ hí hửng làm theo, nhưng phát hiện rằng lắc cây còn mệt hơn quét sân. Cuối cùng, chúng cũng quét xong cả đống lá – bao gồm cả lá của ngày mai. Nhưng đúng lúc đó, một cơn gió thổi đến… và lại có thêm lá rơi xuống. Lũ trẻ nghi ngờ rằng mình chưa lắc đủ mạnh, nên quyết định hôm sau sẽ lắc mạnh hơn nữa. Ngày hôm sau, chúng dốc hết sức lắc cây… mạnh đến mức làm chết cả mấy cái cây trong vườn.

Cuộc sống cũng giống như vậy. Bạn không thể tiết kiệm công sức bằng cách cố gắng giải quyết trước những vấn đề của ngày mai. Dù bạn có lo lắng đến đâu, những chuyện của tương lai cũng không xảy ra sớm hơn được. Một người sống trong hiện tại, chỉ cần làm tốt những gì hôm nay cần làm là đủ.

Nhà thơ La Mã Ovid từng nói: "Những ai không thể sống tốt hôm nay, ngày mai sẽ còn tệ hơn". Nếu lúc ngắm bình minh, bạn đã nghĩ về nỗi buồn của hoàng hôn, ánh mặt trời rực rỡ cũng trở nên ảm đạm. Nếu lúc ăn cơm, bạn cứ lo ngày mai không có gì ăn, món ngon đến mấy cũng mất đi hương vị.

Muốn chiến thắng lo âu, hãy học cách sống trong hiện tại. Gió lật đến trang nào, hãy đọc trang ấy. Chiếc ô hôm nay không chắn được cơn mưa ngày mai. Nắng hôm nay không phơi khô quần áo của ngày mai. Chỉ cần sống tốt từng khoảnh khắc, đã là một điều phi thường rồi.

Có người hỏi một thiền sư:

"Trong cuộc sống, tu hành nên như thế nào?"

Thiền sư đáp: "Đói thì ăn, buồn ngủ thì ngủ."

Người kia thắc mắc: "Ăn cơm, ngủ nghỉ cũng được coi là tu hành sao?"

Thiền sư mỉm cười: "Người thường khi ăn cơm, trong lòng lại nghĩ việc khác. Khi ngủ, trong đầu vẫn còn muộn phiền. Đó không phải tu hành. Nếu có thể ăn là ăn, ngủ là ngủ, thì đó chính là tu hành."

Bình thản đón nhận mọi thứ, sống một cuộc đời thuận theo tự nhiên.

"Sống trong hiện tại" mới là bài học khó nhất của đời người.

Các tin khác

Dự án khu công nghiệp lớn nhất Cần Thơ hiện ra sao?

Dự án Khu công nghiệp VSIP Cần Thơ đang bị chậm tiến độ do gặp nhiều vướng mắc, đặc biệt việc thiếu cát san lấp, chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thi công khu tái định cư và hai tuyến đường kết nối.

Chứng khoán lao dốc

Áp lực bán ngày càng mạnh khiến VN-Index mất hơn 10 điểm, nối dài mạch giảm phiên thứ tư liên tiếp và tiệm cận vùng tâm lý 1.300 điểm.

Thời tiết miền Bắc những ngày tới

Hôm nay (31/3), miền Bắc vẫn đang trong đỉnh điểm đợt rét lần này với nhiệt độ thấp nhất chỉ từ 12-15 độ, cao nhất 17-20 độ. Dự báo ngày mai, trời tiếp tục rét với nền nhiệt tương đương hôm nay. Từ 2/4, nhiệt độ cao nhất lên khoảng 23 độ. Từ 3/4, trời ấm dần, trưa chiều có nắng nhẹ.

Elon Musk “quá tải” khi đang làm một lúc 17 công việc

Elon Musk thừa nhận rằng ông đang “quá tải” với hàng loạt công việc, trong đó Tesla đang đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng. Khi dành nhiều thời gian cho chính trường và chính quyền Tổng thống Trump, liệu Musk có còn đủ tập trung để dẫn dắt Tesla trong thời điểm quan trọng này?