Ngày 13.5, TAND TP.Hà Nội tiếp tục xét xử 27 bị cáo trong vụ án sai phạm về khai thác đất hiếm, xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Thái Dương (gọi tắt là Công ty Thái Dương).
Theo cáo buộc, bị cáo Đoàn Văn Huấn, Chủ tịch Công ty Thái Dương, chỉ đạo nhân viên tổ chức khai thác trái phép hàng ngàn tấn quặng đất hiếm và quặng sắt tại mỏ Yên Phú (tỉnh Yên Bái), sau đó tiêu thụ số lượng với trị giá lên tới hơn 763 tỉ đồng.
Có 4 nguồn mua quặng của Công ty Thái Dương. Một trong số này là Công ty Đất hiếm Việt Nam, do bị cáo Lưu Anh Tuấn làm chủ tịch.

Bị cáo Lưu Anh Tuấn, Chủ tịch Công ty Đất hiếm Việt Nam
ẢNH: PHÚC BÌNH
"Tuồn" đất hiếm sang Trung Quốc, Nhật Bản…
Kết quả điều tra xác định, từ năm 2019 - 2023, Công ty Đất hiếm Việt Nam đã mua hơn 3.511 tấn quặng đất hiếm hàm lượng TREO 18 - 20% của Công ty Thái Dương.
Quá trình mua bán, hai bên thống nhất phía Công ty Thái Dương chỉ xuất 3 hóa đơn đối với hơn 765 tấn quặng, đơn giá bình quân 14.000 đồng/kg (thực tế là hơn 40.000 đồng/kg). Số quặng còn lại không có hợp đồng, không xuất hóa đơn, tiền thu được để ngoài sổ sách kế toán.
Có được quặng, bị cáo Lưu Anh Tuấn chỉ đạo nhân viên chế biến bằng việc đưa thêm một phần nguyên liệu muối carbonate nhập từ Trung Quốc để nâng cao hàm lượng TREO.
Công ty Đất hiếm Việt Nam đã chế biến tổng số 482 tấn tổng ô xít đất hiếm hàm lượng TREO trên 95%. Ông Tuấn chỉ đạo cấp dưới thực hiện thủ tục xuất khẩu cho các công ty tại Nhật Bản, Áo, Trung Quốc, với tổng trị giá hơn 379 tỉ đồng.
Vẫn theo hồ sơ vụ án, từ năm 2019 - 2021, theo quy định của Bộ Công thương, quặng đất hiếm được khai thác trong nước phải tinh luyện thành "bột ô xít đất hiếm riêng rẽ" đạt hàm lượng từ 99% trở lên mới được phép xuất khẩu. Thế nhưng, ông Tuấn chỉ đạo mở 47 tờ khai hải quan để xuất khẩu hơn 311 tấn "tổng ô xít đất hiếm" khi chưa tinh luyện thành "bột ô xít đất hiếm riêng rẽ".
Từ năm 2022, quy định mới của Bộ Công thương cho phép xuất khẩu "tổng các (ô xit, hydroxit, muối) đất hiếm" khi hàm lượng TREO đạt từ 95% trở lên, thuế suất 10%. Lần này, ông Tuấn chỉ đạo nhân viên mở 16 tờ khai hải quan để xuất khẩu hơn 162 tấn "tổng ô xít đất hiếm" hàm lượng TREO trên 95%, nhưng khai báo sai mã hàng hóa và được hưởng thuế suất 0%.
Quá trình thực hiện thủ tục hải quan để xuất khẩu, ông Tuấn còn chỉ đạo hợp thức nguồn nguyên liệu đầu vào là nguyên liệu nhập khẩu, lập báo cáo quyết toán hải quan không đúng nhằm che giấu số quặng đất hiếm đã mua của Công ty Thái Dương. Cùng với đó là chỉnh sửa số liệu các hợp đồng, hóa đơn nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc…
Với các hành vi nêu trên, ông Tuấn bị truy tố tội buôn lậu và vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.

Các bị cáo trong vụ án sai phạm về khai thác đất hiếm
ẢNH: PHÚC BÌNH
Đổ lỗi do quy định "mập mờ"
Khai tại tòa, bị cáo Lưu Anh Tuấn thừa nhận cáo buộc về việc mua quặng đất hiếm từ Công ty Thái Dương nhưng phần lớn không xuất hóa đơn. Song, bị cáo cho rằng việc này "buộc phải đồng ý" theo đề xuất của bên bán là Chủ tịch Công ty Thái Dương Đoàn Văn Huấn.
Riêng với hành vi buôn lậu, Chủ tịch Công ty Đất hiếm Việt Nam nói "có nhiều uẩn khúc" muốn được trình bày.
Bị cáo nói việc xuất khẩu hàng hóa của công ty đều đúng theo quy định, đồng thời dẫn chứng công văn của Tổng cục Hải quan cho thấy doanh nghiệp đã khai đúng các mã hàng, mô tả hàng hóa và xuất đúng chủng loại…
Trước lập luận này, chủ tọa hỏi: "Thế viện kiểm sát truy tố bị cáo sai à?". Ông Tuấn không trả lời trực tiếp mà cho rằng do quy định tại thông tư của Bộ Công thương "không rõ ràng, không hề logic tý nào".
Ví dụ, có chỗ nói chỉ được xuất khẩu hàng hóa nguyên liệu trong nước với hàm lượng 99%, nhưng thông tư lại cho xuất khẩu chất có hàm lượng đất hiếm 56%. "Thế là 56% được phép xuất khẩu, còn đến 99% lại không được xuất khẩu, rồi trên 99% lại được xuất khẩu sao?", bị cáo phân bua.
Dù cho rằng bản thân đã làm đúng, song ông Tuấn nói nếu không nhận tội thì coi như mất tình tiết giảm nhẹ thành khẩn khai báo, vì thế "tốt nhất là nhận".
Ngay lập tức, chủ tọa nhắc nhở: "Bị cáo nói thế là sai. Nếu bị cáo cho rằng mình không vi phạm, không có tội thì phải thể hiện quan điểm của mình chứ không phải nhận cho xong...".
Xin trả lại sổ tiết kiệm 40 tỉ
Hồ sơ vụ án cho thấy, trong số tài sản bị kê biên, ông Tuấn có 5 triệu cổ phần của Công ty Đất hiếm Việt Nam, tổng trị giá 50 tỉ đồng. Ngoài ra, còn có 20 sổ tiết kiệm tổng giá trị 40 tỉ đồng đứng tên phó giám đốc công ty này.
Theo lời khai bị cáo, đây là tiền một đối tác Hàn Quốc gửi để công ty đầu tư ngược sang Hàn Quốc. Ông Tuấn xin được trả lại.
Chủ tọa thẩm vấn: "Gửi cho công ty sao lại để tài khoản cá nhân và mang đi gửi tiết kiệm?". Chủ tịch Công ty Đất hiếm Việt Nam giải thích do thủ tục đầu tư vẫn chưa xong, nên tiền vẫn nằm ở công ty. Để tránh tiền không rõ ràng trong tài khoản của doanh nghiệp, bị cáo yêu cầu nhân viên mang gửi tiết kiệm, chứ "không có mục đích hưởng lãi lời gì cả".