Phố phường Hà Nội những ngày này tràn ngập hương sắc. Hoa sưa, hoa ban trắng, ban tím thay nhau bung nở dọc nhiều cung đường trung tâm, hàng cây bên hồ Gươm thay lá đỏ. Hương bưởi đầu mùa theo chân những gánh hàng rong len lỏi khắp ngóc ngách.
Những khoảnh khắc ấy mỗi năm chỉ có một lần, mà cảnh sắc thì chẳng năm nào giống với năm nào. Có lẽ bởi vậy mà cứ đến mùa hoa xuân là dòng người lại đổ xô về các cung đường, ai cũng muốn có được bức hình đẹp nhất.
“Năm nào chị cũng mặc áo dài ra chụp với dãy hoa ban ở cạnh Hoàng Thành Thăng Long, có hay chỉ đổi màu áo. Khi đặt những tấm hình cạnh nhau mới thấy ngoài bản thân trưởng thành hơn mà hoa ban mỗi năm mỗi khác, bức tường vàng thêm màu thời gian, hoa ban có năm hồng hơn, có năm lại trắng hơn”, chị Hà Nhung nói.
Bên cạnh những người “tự túc” về khoản chụp hình bằng việc sử dụng ngay chiếc điện thoại cá nhân thì vẫn có không ít chị em nhờ đến các “tay máy” chuyên nghiệp. Chẳng thế mà người ta thường nhắc đến một công việc thời vụ mang tên “chụp ảnh mùa hoa Hà Nội”.
Ai cũng có thể trở thành thợ ảnh?
Từ khi những bông hoa ban đầu tiên bung nở vào 2 tuần trước, anh Tuấn Anh đã có mặt ở đoạn đường Hoàng Diệu: “Mấy hôm đầu, khi chỉ có 2 cây nở, rồi đến 4 cây và cả dãy bắt đầu chúm chím, anh đều đến chụp demo các góc máy khác nhau, mục đích là để cân nhắc góc nào năm nay đẹp hơn, hai là gửi cho các khách xem ý kiến họ ra sao. Từ sau Tết âm lịch là đã có khoảng 10 khách đặt lịch chụp của anh rồi. Còn riêng 2 tuần qua, mỗi ngày anh nhận chụp 2 ca, chưa nghỉ ngày nào”.
Không dám nhận “chuyên nghiệp” bởi công việc chính là giáo viên dạy bơi, song, Thanh Bình vẫn được nhiều đồng nghiệp, bạn bè thân thiết thuê làm thợ ảnh thời vụ. “Mình sắm máy ảnh vốn chỉ để phục vụ sở thích cá nhân, chụp ảnh cho gia đình, thi thoảng hỗ trợ các hoạt động của trường. Ai ngờ các chị em gọi đâu cũng “cháy” thợ nên ngỏ lời thuê mình, người này giới thiệu cho người kia. Kết quả là 2 tuần vừa rồi, cứ hôm nào không có lịch dạy thì mình mang máy đi chụp, nguyên cả 2 ngày cuối tuần. Toàn chỗ quen biết nên hai bên đều thoải mái khoản chi phí và trao đổi các vấn đề hình ảnh. Các chị, các cô trả mình 500.000đ - 1.000.000đ - 2.000.000đ tùy vào lượng người và thời lượng chụp hình”.
Những ngày cuối tuần, con đường hoa ban bên cạnh Hoàng Thành Thăng Long luôn chật kín người.
Thậm chí, một nhóm sinh viên năm cuối trường Đại học Xây Dựng đã nhanh chân bắt kịp xu thế, thành lập ngay một ekip phục vụ công cuộc “sống ảo” của mọi người vào mùa hoa. Theo tiết lộ của Lê Quý Hiếu - đại diện nhóm: “Bọn mình đều là thành viên ban truyền thông của một câu lạc bộ, mình và một bạn nữa có sẵn máy ảnh, kết hợp với 1 bạn có thể trang điểm, 2 bạn hỗ trợ trang phục và hậu cần”.
Được biết, các “khách hàng” thuê nhóm của Hiếu chụp chủ yếu là sinh viên và cũng có một số người là phụ huynh của các bạn trong trường. Do chưa có nhiều kinh nghiệm nên cả ekip đưa ra mức giá tương đối phải chăng. Nếu trọn gói, bao gồm từ makeup, trang phục, hậu cần và chỉnh sửa ảnh thì rơi vào 800.000đ/người. Còn những ai đã có sẵn trang phục và tự makeup thì nhóm bạn lấy 300.000đ - 500.000/người.
Còn theo chúng tôi khảo sát trên “thị trường” chụp ảnh mùa hoa hiện giờ, hầu hết các studio đều đưa ra mức giá giao động từ 1.300.000đ - 1.600.000đ/bộ ảnh/người. Trong đó bao gồm đầy đủ từ make up, làm tóc, trang phục, ekip đi theo chỉnh dáng, photoshop và chỉnh ảnh chuyển nghiệp. Còn nếu số lượng người chụp một lần từ 2 trở lên thì sẽ có ưu đãi giảm giá từ 500.000đ - 700.000đ/bộ ảnh.
Nhiều chị em rủ nhau thuê áo dài, thả dáng ở đường hoa ban cạnh tượng đài Bắc Sơn.
Thử dừng lại, nhẩm tính một chút, nếu thợ ảnh chuyên nghiệp như anh Tuấn Anh nhận 2 ca/ngày, thì sẽ thu về khoảng 2.600.000đ - 3.200.000đ/ngày. Mà trong 2 tuần cao điểm, không nghỉ buổi nào, thu nhập của anh có thể lên tới gần 45 triệu đồng. Mà theo tình hình hiện giờ, hoa ban ở các cung đường Hà Nội sẽ còn tiếp tục nở rộ và duy trì tối thiểu thêm 7 - 10 ngày nữa.
Từ tần suất “nhận job” của các thợ ảnh trong thời gian vừa qua, có thể thấy rằng, cái nghề “bắt khoảnh khắc” vẫn còn nguyên vẹn giá trị. Thậm chí, dàn “máy ảnh” chưa bao giờ lép vế trước công nghệ chụp ảnh hiện đại bằng điện thoại. Lý giải về điều này, cô Thu Ngân - một thợ ảnh lâu năm cho biết: “Thật ra nhiều người có điện thoại xịn, chất lượng không thua kém gì máy ảnh đâu. Nhưng điều quan trọng là họ mất công nghiên cứu, căn góc chụp, trong khi đó cái này cần những người có kinh nghiệm, chuyên môn sẽ làm tốt hơn. Chưa kể, thợ ảnh và ekip sẽ chỉ bạn cách tạo dáng thế nào để khoe được ưu điểm, che đi nhược điểm. Riêng với quan điểm làm nghề của tôi thì thợ ảnh “lành nghề” vẫn chưa bao giờ mất đi giá trị, còn những ai cứ cầm máy lên rồi chụp ảnh nhận tiền thì còn cần suy xét thêm”.
Liệu có sống được dựa vào mười hai mùa hoa ở Hà Nội?
Nếu soi theo bài hát “Hà Nội mười hai mùa hoa” thì sau hoa ban, hoa sưa sẽ đến mùa hoa loa kèn, hoa phượng, rồi hoa sen, mùa nào, thủ đô cũng ngập sắc hoa. Thế nhưng, anh Tuấn Anh đã khẳng định rằng: “Thợ ảnh không thể sống dựa vào mùa hoa”.
Theo chia sẻ, công việc chụp ảnh mùa hoa chỉ là thời vụ và mọi người cũng chỉ đi chụp ảnh vào một số mùa hoa nhất định: “Sau đợt hoa xuân này thì cứ phải đợi đến giữa mùa hè, khi có hoa sen thì mọi người mới xúng xính chụp hình tiếp, rồi lại ngưng đến cuối năm, chờ các làng hoa vào vụ, hoặc là đến Tết năm sau”.
Những ngày hoa ban nở rộ cũng là những ngày các thợ ảnh được "săn đón" nhiệt tình nhất.
“Nhân đây tôi cũng muốn giải oan cho các anh chị em làm nghề chụp ảnh, cứ bị mọi người đồn rằng đi chụp 1 tháng mùa hoa ban rồi tận hưởng liền mấy tháng. Những ngày mọi người không chụp hình thì chúng tôi cũng phải chạy đôn đáo chụp hình cưới, hình concept phục vụ khách hàng thì mới đủ sống chứ. Con số xấp xỉ trăm triệu kia đã tính chi phí bỏ ra đâu”, anh Tuấn Anh nói.