Doanh nghiệp

Loạt doanh nghiệp, lãnh đạo muốn đỡ giá cổ phiếu

Tóm tắt:
  • Nhiều công ty dự định mua cổ phiếu quỹ sau khi giá cổ phiếu lao dốc, nhằm ổn định thị trường.
  • VN-Index biến động mạnh, ảnh hưởng của thuế đối ứng từ Mỹ khiến nhiều cổ phiếu bị bán tháo.
  • PNJ và GMD công bố kế hoạch mua lại cổ phiếu để bảo vệ lợi ích cổ đông và giá trị doanh nghiệp.
  • Lãnh đạo nhiều công ty đã đăng ký mua cổ phiếu nhằm phục hồi giá trị cổ phiếu trong bối cảnh khó khăn.
  • Một số doanh nghiệp như Thế Giới Di Động và Hoa Sen lên kế hoạch mua lại lượng lớn cổ phiếu để tăng giá trị cho cổ đông.

Thị trường chứng khoán trong nước biến động dữ dội sau những thông tin liên quan đến vấn đề áp thuế đối ứng của Mỹ. VN-Index dao động như "tàu lượn" khi đẩy chỉ số lùi sau rồi hồi phục một phần. 

Hàng loạt cổ phiếu trên thị trường, bao gồm cả rổ chỉ số uy tín như VN30, đều có nhiều thời điểm bị bán tháo về giá sàn liên tiếp, qua đó tác động sâu rộng đến cổ đông và doanh nghiệp. 

Mạnh tay mua cổ phiếu quỹ 

Trước áp lực lớn từ thị trường tài chính, một số doanh nghiệp với nguồn tiền dự trữ hay lãnh đạo doanh nghiệp đã nhanh chóng có động thái hỗ trợ, nhất là đăng ký mua vào cổ phiếu để trấn an nhà đầu tư. 

Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (Mã: PNJ) mới bổ sung tờ trình về phương án mua lại cổ phiếu của chính mình để giảm vốn điều lệ vào tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2025.  

Hành động diễn ra sau khi cổ phiếu PNJ bị bán tháo do bị ảnh hưởng từ chính sách thuế đối ứng của Mỹ. Lãnh đạo công ty nói đây là biện pháp dự phòng để bảo vệ lợi ích cổ đông và giá trị doanh nghiệp trước các biến động mạnh của thị trường.  

PNJ trải qua 5 phiên đi xuống, trong đó có 3 phiên giảm sàn, mất tổng cộng 25% giá trị để về vùng giá thấp nhất 4 năm ở mức 62.800 đồng/cổ phiếu. Sau đó, mã chứng khoán này hồi phục trong 3 phiên gần nhất về quanh 73.700 đồng/cổ phiếu.   

Công ty trang sức dự kiến mua lại tối đa khoảng 8 triệu cổ phiếu, khoảng 2,5% tổng số cổ phiếu đang lưu hành. Số tiền tối đa công ty chi ra khoảng 590 tỷ đồng tính theo thị giá hiện nay. 

PNJ được xem là ít chịu tác động từ vấn đề thuế đối ứng khi thị trường tiêu thụ ở trong nước. Công ty vẫn đặt mục tiêu thận trọng với doanh thu giảm 17% về 31.607 tỷ và lợi nhuận giảm 7% so với mức nền kỷ lục còn gần 1.960 tỷ đồng.

Công ty cảng biển Gemadept (Mã: GMD) cũng mới công bố quyết định của Hội đồng quản trị về phương án công ty mua lại cổ phiếu của chính mình để đảm bảo quyền lợi cho công ty và cổ đông, nội dung này sẽ được thảo luận trong phiên họp ĐHĐCĐ gần nhất. 

Ban lãnh đạo cho biết động thái này xuất phát từ việc "thị giá cổ phiếu GMD đang ở mức thấp và không phản ánh đúng hiệu quả hoạt động kinh doanh và giá trị thực của công ty".

HĐQT đang giao Tổng giám đốc nghiên cứu và xây dựng phương án mua lại cổ phiếu chi tiết để trình ĐHĐCĐ thường niên phê duyệt, triển khai. 

Đánh giá nhanh về việc áp thuế đối ứng, CEO Gemadept Nguyễn Thanh Bình nhận định ban đầu rằng việc tăng thuế có thể dẫn đến các doanh nghiệp Mỹ tìm kiếm nguồn cung thay thế, gây gián đoạn chuỗi cung ứng và có khả năng tác động nhất định đến hoạt động công ty.

Hàng hóa đi Mỹ chỉ chiếm dưới 10% trong tổng sản lượng của cụm cảng Nam Đình Vũ, trong khi tỷ trọng tại cảng nước sâu chiến lược Gemalink hiện đã giảm xuống khoảng 25%.

Gemadept đang chủ động trao đổi với các hãng tàu và khách hàng xuất nhập khẩu để đẩy nhanh các đơn hàng sớm; phối hợp với cơ quan ban ngành để bảo vệ các doanh nghiệp xuất khẩu; tiếp cận nhóm khách hàng ít bị ảnh hưởng bởi thuế quan của Mỹ...

Đầu tư Thế Giới Di Động (Mã: MWG) mới đây cũng công bố kế hoạch mua lại tối đa 10 triệu cổ phiếu MWG (khoảng 0,68% lượng cổ phiếu đang lưu hành) nhằm mục đích giảm vốn điều lệ, qua đó gia tăng giá trị cho cổ đông.  

Nguồn vốn từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên báo cáo tài chính kiểm toán gần nhất. Thời điểm thực hiện sau khi có sự chấp thuận của UBCKNN và HĐQT sẽ quyết định thời điểm cụ thể phù hợp với tình hình thị trường.  

Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG) đã thống nhất phương án mua lại cổ phiếu quỹ với khối lượng 50 - 100 triệu đơn vị, nhằm "   

Lãnh đạo tập đoàn nói không thiếu tiền và đang sử dụng vốn với chi phí lãi rất thấp, nếu không can thiệp thì khi có điều kiện khách quan của thị trường sẽ ảnh hưởng tâm lý nhà đầu tư, công ty sẽ thực hiện khi cần thiết. 

Nhựa Tân Đại Hưng (Mã: TPC) mới thông qua kế hoạch mua lại tối đa 30% tổng số cổ phần đang lưu hành, tương đương 6,75 triệu cổ phiếu TPC. Hành động giúp nâng cao thu nhập trên mỗi cổ phần và tăng khả năng chi trả cổ tức.  

Chi hàng trăm tỷ đồng đỡ giá 

Không chỉ từ phía chính doanh nghiệp, một số lãnh đạo công ty cũng ra tay "giải cứu" khi cổ phiếu rớt mạnh. Hàng loạt nhân sự cấp cao Gemadept đã đăng ký mua vào cổ phiếu công ty trong thời gian tới. 

Chủ tịch HĐQT Đỗ Văn Nhân, Phó Chủ tịch Chu Đức Khang, CEO Nguyễn Thanh Bình, Thành viên HĐQT Vũ Ninh, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Dũng,  Phó Tổng Giám đốc Đỗ Công Khanh và ông Đỗ Nhật Tân (con trai ông Nhân) đều đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu/người. 

Trong khi đó, Phó Tổng Giám đốc Phạm Quốc Long, hai thành viên HĐQT Nguyễn Minh Nguyệt và Bùi Thị Thu Hương muốn có thêm 500.000 cổ phiếu/người. Thành viên độc lập Lâm Đình Dụ đăng ký mua 200.000 cổ phiếu. 

Tổng số lượng các lãnh đạo cấp cao và người liên quan đăng ký mua đợt này lên đến 8,7 triệu cổ phiếu GMD, chiếm khoảng 2% số cổ phần đang lưu hành, giá thị trường đang khoảng 400 tỷ đồng. 

Ông Doãn Tới, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Thủy sản Nam Việt (Mã: ANV) đăng ký mua vào 3 triệu cổ phiếu từ ngày 9/4 đến 10/5, nhằm nâng sở hữu lên đến 54,98% vốn.    

Ông Tới khẳng định đây là hành động “xuất trận” để cứu cổ phiếu khỏi tâm lý tiêu cực trên thị trường, đồng thời tiếp tục mua thêm cho đến khi giá cổ phiếu ổn định trở lại. 

Đối ngược với hành động trên, Chứng khoán Mirae Asset thông báo có thể bán giải chấp 2,9 triệu cổ phiếu ANV thuộc sở hữu của ông Doãn Chí Thanh (con trai ông Tới) nhằm đảm bảo tỷ lệ ký quỹ theo quy định.

Ông Trương Anh Tuấn - Chủ tịch Công ty Tư vấn Thương mại Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân (Mã: HQC) đăng ký mua 23 triệu cổ phiếu HQC để nâng sở hữu lên 25 triệu cổ phần (4,34% vốn điều lệ). Giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 15/4 đến 12/5.    

Sau nhịp giảm sàn 4 phiên liên tiếp thì cổ phiếu HQC đang hồi phục lại trong 3 phiên gần đây về sát mốc 3.000 đồng. Tạm tính theo thị giá trên, ông Tuấn sẽ chi ra số tiền khoảng 69 tỷ đồng. 

Bà Đoàn Hoàng Anh, con gái Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai (Mã: HAG) Đoàn Nguyên Đức, đăng ký mua 4 triệu cổ phiếu từ ngày 14/4, nhằm tăng sở hữu lên 18 triệu đơn vị (tỷ lệ 1,7% vốn công ty). 

Hay Chủ tịch TDG Global (Mã: TDG) Võ Anh Thái mới đăng ký mua 2 triệu cổ phiếu công ty từ ngày 17/4 để tăng tỷ lệ sở hữu lên 13,56% vốn; tương tự Tổng giám đốc Lê Minh Hiếu muốn mua 1 triệu đơn vị sau khi cổ phiếu bị bán tháo vừa qua. 

Các tin khác

Bất động sản Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ diễn ra đợt “định giá lại” khi sáp nhập với Tp.HCM?

Mới đây, Thông tin Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu dự kiến sáp nhập với Tp.HCM theo Nghị Quyết 60- NQ/TW gây chú ý cho thị trường bất động sản khu vực. Khi sáp nhập vào Tp.HCM, người mua bất động sản nơi đây sẽ giải toả được tâm lý “nhà ở tỉnh”, đồng thời các khu vực này được các chuyên gia dự báo có đợt “định giá lại” về mặt bằng giá bất động sản.

Digiworld ước lãi hơn trăm tỷ đồng quý I

Trong quý đầu năm, hầu hết các ngành kinh doanh của Digiworld đều tăng trưởng 2 chữ số về mặt doanh thu, riêng mảng thiết bị gia dụng tăng tới 90% nhờ đóng góp chính từ nhãn hàng Philips mới được phân phối.