Linh dương sừng kiếm (tên khoa học: Oryx dammah) là loài linh dương lớn, thích nghi với môi trường sa mạc, khô hạn. Loài này có cặp sừng rất dài, uốn cong theo kiểu thanh kiếm. Chính bởi đặc điểm này nên chúng được gọi là linh dương sừng kiếm.
Trước đây, những con linh dương này phân bổ rộng rãi ở hầu hết khu vực Bắc Phi. Tuy nhiên, hạn hán kéo dài và nạn săn bắt tràn lan vào những năm 1980 đã khiến số lượng loài linh dương này giảm mạnh.
Trong đó, cặp sừng và thịt của loài linh dương này là những thứ được "săn lùng" hơn cả, vì mang lại giá trị kinh tế cao.
Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) từng tuyên bố linh dương sừng kiếm "tuyệt chủng trong tự nhiên" từ trước thế kỷ thứ 20 do nạn săn bắt.
Tuy nhiên giờ đây, giống loài này đã hồi sinh, và hiện chỉ còn nằm trong danh sách "Có nguy cơ tuyệt chủng", theo cập nhật mới nhất của IUCN. Đây được xem là một nỗ lực bảo tồn đáng khích lệ, đến từ một dự án do Quỹ bảo tồn Sahara khởi động từ năm 1985.
Theo đó, vào năm 1985, một dự án phục hồi đầy tham vọng đã được bắt đầu với các đối tác như Sở thú ZSL London và Quỹ bảo tồn Sahara (SCF). Dự án đã thực hiện một cách tiếp cận chuyên sâu để cố gắng tìm hiểu xem liệu một chương trình tái thả có tiềm năng thành công trong tương lai hay không.
Trong năm 2009 và 2013, các cuộc khảo sát đã được thực hiện cho thấy các khu vực tái thả thích hợp, cụ thể là Khu bảo tồn động vật hoang dã Ouadi Rimé-Ouadi Achim của Cộng hòa Tchad.
Tim Wacher, chuyên gia bảo tồn cấp cao của ZSL cho biết: "Sự trở lại của linh dương sừng kiếm là kết quả của nỗ lực bảo tồn lâu dài cho loài này sau quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng và được Cơ quan Môi trường Abu Dhabi ủng hộ và hỗ trợ… Tất cả các loài linh dương Sahara đều bị đe dọa nghiêm trọng, nhưng dự án này là bằng chứng cho thấy với ý chí và nguồn lực đúng đắn, chúng ta có thể đảm bảo tương lai cho tất cả chúng".
Vào năm 2016, 21 con linh dương sừng kiếm đã được trả về tự nhiên ở Chad trong một khu vực có hàng rào được bảo vệ, mỗi con đều được gắn vòng cổ vệ tinh GPS để cho phép các chuyên gia theo dõi chúng.
Nhóm nghiên cứu rất vui mừng khi khoảng 6 tháng sau khi được thả, con linh dương sừng kiếm đầu tiên đã được sinh ra trong tự nhiên sau hơn 30 năm. Năm sau, vào tháng 1/2017 có thêm 14 con linh dương được thả vào cùng khu vực.
Mục tiêu của dự án là tạo ra một đàn linh dương sừng kiếm khỏe mạnh và tự duy trì. Tính đến nay, có tổng cộng 510 linh dương con đã được sinh ra trong tự nhiên.
TS. Tania Gilbert, trưởng bộ phận Khoa học Bảo tồn tại Marwell Wildlife cho biết: "Sự thay đổi trạng thái của linh dương sừng kiếm từ tuyệt chủng trong tự nhiên sang có nguy cơ tuyệt chủng là một minh chứng cho sức mạnh của hành động hợp tác bảo tồn và mang đến cho tất cả chúng ta niềm hy vọng có thể tạo ra sự khác biệt thực sự và khôi phục thiên nhiên".
Nghiên cứu cho thấy rằng chỉ 1/4 số loài đã tuyệt chủng trong tự nhiên hiện nay là một phần của chương trình tái thiết lập, nhưng sự thành công của dự án cho thấy các chương trình tái thả có thể hoạt động với các nỗ lực hợp tác và bảo tồn quốc tế từ nhiều tổ chức.
Giáo sư John Ewen, nhà nghiên cứu tại Viện Động vật học của ZSL và là tác giả chính của nghiên cứu Tuyệt chủng trong tự nhiên của ZSL nhận định: "Các dự án như bảo tồn linh dương sừng kiếm cho thấy rằng việc đảo ngược số phận của những loài này là có thể. Với ý chí và nguồn lực đúng đắn, chúng ta có thể đảm bảo tương lai cho tất cả các giống loài bị đe dọa trên thế giới".