Ế ẩm
Hơn 11 giờ trưa, quầy thịt của bà Lê Thị Xuân (chợ Vinh, phường Hồng Sơn, thành phố Vinh, Nghệ An) vẫn còn dư nhiều hàng.
“Những ngày qua sức mua thịt lợn giảm sút mạnh do trên địa bàn đang có dịch tả heo châu Phi. Trước khi chưa có dịch, mỗi ngày tôi mổ bán 3 con, bây giờ 1 con cũng không bán hết. Mặc dù giá thịt đã giảm khoảng 20% nhưng người dân vẫn rất e dè. Chúng tôi cũng cố gắng giải thích với người dân là thịt lợn sạch, an toàn nhưng người dân vẫn quay lưng không mua”, bà Xuân thở dài.
Tình trạng buôn bán ế ẩm diễn ra nhiều ngày nay, gây khó khăn cho bà con tiểu thương cũng như người chăn nuôi lợn. Khảo sát tại nhiều chợ dân sinh ở các địa phương đang có dịch tả heo châu Phi như Yên Thành, Diễn Châu, thành phố Vinh…, lượng khách hàng chọn mua thịt lợn giảm mạnh so với thời điểm chưa bùng phát dịch.
Bà Nguyễn Thị Lành, tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Si Nam (huyện Diễn Châu) chia sẻ: “Thịt lợn của tôi nhập ở lò mổ có kiểm dịch nhưng người dân đến mua rất ít vì lo ngại thịt mắc dịch tả lợn châu Phi . Mời người ta không mua, khách quen cũng ít lắm, mức tiêu thụ mỗi ngày chỉ 10kg cũng không hết. Không chỉ người dân, các quán ăn, nhà hàng cũng hạn chế nhập thịt lợn hơn”.
Sở Thông tin và Truyền thông Nghệ An tuyên truyền, vận động người dân không “quay lưng” với thịt lợn, tiếp tục tiêu thụ, sử dụng thịt lợn an toàn, góp phần tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi.
Trái ngược với sự chững lại của các sạp thịt lợn tại chợ truyền thống, quầy thực phẩm tươi sống ở hệ thống các siêu thị lại ghi nhận sức mua ổn định.
So với giá ở các chợ dân sinh, giá thịt lợn ở siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch cao hơn từ 10.000 đến 20.000 đồng/kg. Tuy giá cao hơn nhưng được người tiêu dùng chọn mua vì biết nguồn gốc, niêm yết rõ ràng.
Kêu gọi người dân không “quay lưng” với thịt lợn
Trước tâm lý lo ngại của người tiêu dùng, ngành chức năng ở Nghệ An khuyến cáo người dân cần tỉnh táo, không nên “quay lưng” với thịt lợn và các sản phẩm từ lợn. Khi có nhu cầu mua các sản phẩm thịt lợn thì người dân nên chọn những địa chỉ uy tín, an toàn như siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch, các quầy, sạp có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm.
Trên địa bàn tỉnh Nghệ An, thời gian gần đây, bệnh dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp và có nguy cơ lây lan ra diện rộng tại nhiều địa phương. Hiện, có 77 ổ dịch tả lợn châu Phi tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ của 12 huyện, thành phố chưa qua 21 ngày.
Nguyên nhân là nhiều địa phương chủ quan, lơ là, thiếu các biện pháp quyết liệt; không bố trí đủ nguồn kinh phí, nhân lực cho công tác phòng, chống dịch. Tiêu hủy lợn mắc bệnh chưa đảm bảo yêu cầu kỹ thuật; một số nơi không có chốt kiểm soát dịch bệnh. Còn hiện tượng giấu dịch, vứt xác vật nuôi ra ngoài môi trường làm lây lan dịch bệnh, gây ô nhiễm môi trường. Tỷ lệ tiêm phòng các loại vắc xin cho đàn vật nuôi đạt thấp. Việc tái đàn, tăng đàn và vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật chưa được kiểm soát triệt để theo quy định.
Mới đây, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Chỉ thị số 35/CT-UBND về việc tập trung chỉ đạo công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, trong tình hình bệnh dịch này đang diễn biến phức tạp tại các địa phương.
Theo đó, thành lập các tổ phản ứng nhanh, báo cáo, xử lý ổ dịch khi mới phát hiện, tiêu hủy triệt để lợn bệnh, lợn chết đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo an toàn sinh học, tránh làm lây lan dịch bệnh. Tuyên truyền người dân chủ động phòng bệnh, không giấu dịch, không bán chạy, giết mổ, vứt xác động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh ra môi trường; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Khẩn trương rà soát, tiêm bổ sung vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi, đảm bảo đạt trên 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm. Phân công lực lượng chuyên môn bám sát địa bàn, tăng cường giám sát đến tận thôn, bản, nhất là khu vực đã từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực nguy cơ cao để phát hiện và xử lý dịch kịp thời. Hướng dẫn người chăn nuôi thường xuyên theo dõi đàn vật nuôi, áp dụng các biện pháp chăn nuôi toàn sinh học; vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hoá chất khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh.
Đối với các địa phương đang có dịch cần tập trung mọi nguồn lực để xử lý dứt điểm các ổ dịch , không để dịch lây lan, kéo dài và phát sinh các ổ dịch mới. Địa phương nào chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, để dịch lây lan diện rộng, tỷ lệ tiêm phòng thấp, không chỉ đạo quyết liệt, không chấn chỉnh việc vứt xác động vật ra ngoài môi trường thì chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã đó phải chịu trách nhiệm.