3 năm chinh chiến ở thị trường bất động sản tỉnh, anh Ngọc (34 tuổi, nhà đầu tư có hơn 10 năm kinh nghiệm) thừa nhận đã thu được khoản tiền lời lớn từ việc nhanh nhạy xuống vốn, đón đầu làn sóng đất quê tăng giá. Năm 2018, khi thị trường bất động sản Hà Nội có phần chững lại, anh Ngọc cùng đội ngũ bắt đầu lên chiến lược "đánh bắt xa bờ".
Anh lựa chọn các tỉnh vùng ven Hà Nội như Hưng Yên, Hải Dương là địa bàn trọng điểm. Ngoài ra, anh cũng bỏ vốn vào các tỉnh khác như Quảng Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc. Nhà đầu tư này tiết lộ, anh và đội nhóm tập trung vào lô đất thổ cư xung quanh dự án bất động sản lớn hoặc theo quy hoạch khu công nghiệp. Chỉ tính từ năm 2018-2020, anh Ngọc cho biết: Có lô đất trước khoảng 500 triệu đồng, hiện đã lên 1,5 tỷ hoặc 2 tỷ. Mức giá tăng trung bình thấp nhất là 50-100%, còn đa phần tăng gấp 2, gấp 3 thậm chí có lô đất tăng gấp 5 lần.
Nhà đầu tư lựa chọn chuyển hướng về vùng ven Hà Nội.
"Đây là mức so sánh giá ở mốc 2018 và 2020. Thực tế, tôi và đội nhóm đầu tư theo dạng ngắn hạn nên trung bình 3-1 năm là đã đẩy hàng. Tỷ suất lợi nhuận khoảng 30-100%", anh Ngọc chia sẻ.
Đến năm 2020, nhà đầu tư này đã bắt đầu xả dần hàng ở tỉnh. Tính đến hiện tại, anh chỉ còn giữ khoảng 3 lô đất đẹp tại Quảng Ninh, Hải Dương và Bắc Giang. Đến năm 2021, anh Ngọc đổi hướng hoàn toàn. Dù dày dặn kinh nghiệm trong làm thị trường tỉnh nhưng nhà đầu tư này vẫn chuyển hướng về vùng ven Hà Nội, tập trung vào vùng ven như Sóc Sơn, Thanh Oai, Ba Vì, Chương Mỹ".
Lý giải về quyết định chuyển hướng đầu tư, anh Ngọc cho biết: "Đất quê đã tăng quá cao nên giờ đầu tư khó kiếm lợi nhuận. Điều ngại nhất là đất quê tăng ảo, mà nhu cầu mua để ở thực tế cũng rất thấp. Đa phần những lô đất quê trước tôi đầu tư chủ yếu là giữa các nhà đầu tư với nhau. Trong khi đó, nếu đầu tư đất vùng ven thì vừa tiết kiệm chi phí, vừa dễ thanh khoản".
Thừa nhận đầu tư đất vùng ven khó tạo ra mức tăng giá lợi nhuận tốt như đất vùng ven trước đây, anh Ngọc nhận định, ở thời điểm biến động như hiện tại thì phải xác định, an toàn là đầu tiên. Nếu để 5-10 năm thì việc sinh lời là điều chắc chắn.
Tương tự như anh Ngọc, nhà đầu tư Trịnh Hưng (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, sau thời gian bươn chải thị trường, anh nhận thấy, bất động sản Hà Nội vẫn là thị trường truyền thống, ít rủi ro.
Lý giải điều này, anh Hưng phân tích: "Một là nhu cầu người dân về nhà ở tại Hà Nội ngày càng cao. Trung tâm Hà Nội ngày càng chật và quỹ đất xây nhà cao tầng dần sẽ cạn kiệt. Những thế hệ trẻ mới buộc phải di chuyển về vùng ven để mua đất. Nhu cầu về vùng ven Hà Nội đã và đang xảy ra. Nên đầu tư đất vùng ven, phục vụ cho nhu cầu ở thực thì không phải lo không có người mua trong tương lai".
Mặt khác, anh Hưng chia sẻ quan điểm khá thú vị về đầu tư. Theo đó, nhà đầu tư này cho rằng, trước đây, anh từng lăn lộn tại nhiều tỉnh thành, mua đi – bán lại liên tục. Mức lợi nhuận chỉ dao động 20-30%. Nhưng xác định, đầu tư 5 năm, chỉ cần lãi 1-2 lô đất với tỷ suất lợi nhuận 100-500% thì rõ ràng cũng bằng mức lợi nhuận thu được từ đầu tư ngắn hạn. trong khi đó, không phải bỏ quá nhiều chi phí, công sức mà có thể vẫn thời gian làm việc khác. Đó là lý do tôi chọn về Hà Nội đầu tư.
Theo các chuyên gia, dịch chuyển về vùng ven Hà Nội trở thành xu hướng tất yếu khi quỹ đất nội đô đã chật hẹp. Với việc đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, thu hẹp khoảng thời gian di chuyển khiến cho nhiều nhà đầu tư nhanh nhạy xuống tiền vào đất vùng ven và chờ đợi. Mặt khác, các chuyên gia cho rằng, giá đất vùng ven sẽ còn có khả năng kéo dãn cao bằng đất nội đô trong khoảng thời gian tới. Tuy nhiên, việc lựa chọn xuống tiền vào sản phẩm bất động sản đầy đủ pháp lý, với mức giá tăng ổn định là khuyến nghị mà giới chuyên gia đưa ra.