Du lịch được xem là ngành công nghiệp không khói - một ngành kinh tế mũi nhọn và giàu tiềm năng trong xu hướng toàn cầu hoá. Tuy nhiên, năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 khiến du lịch Việt Nam chịu nhiều tổn thất nặng nề. Du lịch thất thu khoảng 23 tỷ USD do lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm khoảng 80% (so với năm 2019), lượng khách trong nước cũng giảm dần 50%.
Song các đợt giãn cách xã hội cũng là "thời gian nghỉ cần thiết" để ngành du lịch nhìn lại những hạn chế, tìm cơ hội trong thách thức và có các giải pháp phát triển bền vững trong giai đoạn mới.
Bước sang năm 2022, du lịch Việt Nam thực hiện mục tiêu kép "vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phát triển kinh tế xã hội", trong đó, mục tiêu trước mắt là tăng cường các giải pháp khả thi để nhanh chóng phục hồi du lịch nội địa và sẵn sàng mở cửa du lịch quốc tế. Đặc biệt năm 2022, Việt Nam sẽ tổ chức SEA Games 31 tại Hà Nội - đây là sự kiện nổi bật của thể thao, hứa hẹn đông đảo người dân theo dõi.
Với xu hướng đó, công tác tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng sẽ có nhiều tín hiệu vui. Công tác tuyển dụng nhân sự của các doanh nghiệp du lịch sẽ phục hồi và cơ hội cho sinh viên ra trường được mở rộng như trước. Theo nhiều chuyên gia dự báo, trong năm 2022, ngành du lịch vẫn là ngành học hot trong tuyển sinh. Trong đó, nghề hướng dẫn viên du lịch đang nhận được sự quan tâm từ nhiều phụ huynh và học sinh.
Hướng dẫn viên du lịch là gì?
Hướng dẫn viên du lịch là người hoạt động trong ngành dịch vụ du lịch và được xem như là người truyền tải thông tin. Họ sử dụng ngôn ngữ để thuyết minh, giới thiệu và giải đáp những thắc mắc cho khách tham quan về những địa điểm sẽ đến trong chuyến hành trình. Đó có thể là những di tích, di sản văn hoá, danh lam thắng cảnh,….
Về mặt lữ hành, người hướng dẫn du lịch còn có trọng trách hướng dẫn, giám sát chuyến đi để cả đoàn di chuyển đúng lộ trình, không bị lạc và đảm bảo an toàn cho đến khi chuyến đi kết thúc. Đồng thời, họ cũng là người thực hiện các điều khoản theo nội dung được ký kết trong hợp đồng nhằm mang lại doanh thu cho các doanh nghiệp lữ hành.
Hướng dẫn viên du lịch đang là ngành nghề hot bậc nhất ngày nay. (Ảnh minh hoạ)
Hướng dẫn viên du lịch – Công việc vất vả nhưng mức lương mơ ước
Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành, ngoài trở thành hướng dẫn viên du lịch, sinh viên có thể làm việc ở nhiều vị trí khác như:
- Hướng dẫn viên, điều hành du lịch, thiết kế tour, tổ chức sự kiện, hội nghị
- Chuyên viên kinh doanh, phát triển dịch vụ du lịch, khách sạn
- Giám đốc điều hành, tổ trưởng bộ phận, quản lý lập kế hoạch, điều phối nhân sự
- Giảng dạy về quản trị khách sạn, du lịch,… ở các trường công lập, tư thục.
Thông thường mức lương cứng của hướng dẫn viên du lịch nội địa từ 8 – 15 triệu đồng/tháng. Đây là mức lương khá tốt và ổn định so với các ngành nghề khác. Ngoài mức lương cứng thì họ còn có thêm thu nhập từ tiền hoa hồng, tiền típ của khách. Bên cạnh đó, mức lương được chi trả cao hay thấp còn tuỳ thuộc vào một số yếu tố như: Chính sách công ty, số lần dẫn tour, thời gian dẫn tour.
Đối với những hướng dẫn viên du lịch làm việc lâu năm, có nhiều kinh nghiệm và ở vị trí cao thường có thu nhập dao động từ 25 – 70 triệu đồng/tháng.
3 kỹ năng quan trọng nhất đối với hướng dẫn viên du lịch
1. Kỹ năng giao tiếp
Có nhiều yếu tố tạo nên một hướng dẫn viên xuất sắc và giao tiếp là một trong những kỹ năng quan trọng nhất. Công việc hàng ngày của họ là gặp gỡ, tiếp xúc và chào đón nhiều vị khách lạ, không chỉ là khách trong nước mà còn là khách quốc tế với nhiều nền văn hoá, phong tục tập quán khác nhau.
Về mặt cơ bản, hướng dẫn viên phải giỏi trong việc trình bày, giới thiệu địa điểm du lịch với khách và có thể thực hiện điều đó một cách rõ ràng và dễ hiểu.
2. Kỹ năng ngoại ngữ
Kỹ năng ngoại ngữ được coi như một yêu cầu bắt buộc đối với bất cứ một hướng dẫn viên nào mong muốn bước chân vào nghề. Tuy nhiên, nếu muốn trở thành một người làm nghề xuất sắc, bạn không thể chỉ dừng lại ở việc thành thạo các kỹ năng nghe để hiểu và nói để truyền đạt. Bạn phải rèn luyện cách "cảm thụ" để hiểu được những gì "nằm ngoài ngôn ngữ". Điều đó sẽ giúp việc giao tiếp với du khách trở nên dễ thấu hiểu, có chiều sâu hơn.
Kỹ năng ngoại ngữ được coi như một yêu cầu bắt buộc đối với hướng dẫn viên du lịch. (Ảnh minh hoạ)
3. Kỹ năng tổ chức
Mỗi tour du lịch đều được lên kế hoạch chi tiết về: Thời gian, điểm đến, chỗ ăn uống và nghỉ ngơi,.. Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn cứ nhìn vào tờ kế hoạch và triển khai một cách máy móc. Trong mỗi chuyến đi thường phát sinh nhiều vấn đề, vì thế hướng dẫn viên phải linh hoạt giải quyết và biết cách tổ chức mọi chuyện hợp lý.
Muốn trở thành hướng dẫn viên du lịch học ở đâu?
1. Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội)
Trường được thành lập từ năm 1995. Đến nay, trường là cơ sở trọng điểm quốc gia đào tạo các ngành khoa học xã hội và nhân văn, trong đó có ngành Du lịch học. Khoa Du lịch học của trường có 2 chuyên ngành để sinh viên lựa chọn là: Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Quản trị khách sạn.
Chương trình học được thiết kế chuyên sâu gồm các môn học trong lĩnh vực du lịch và các môn học bổ trợ. Trường còn thường xuyên trao nhiều học bổng cho sinh viên, mở ra cơ hội hợp tác nước ngoài. Các tổ hợp xét tuyển và điểm chuẩn năm 2021 là: A01 (26 điểm); D01 (26,5 điểm); D78 (27 điểm).
2. Trường Đại học Đông Á
Trường được thành lập từ năm 2009, đào tạo đa ngành với mục tiêu phấn đấu trở thành trường đạt chất lượng quốc tế. Đến nay, trường có uy tín về đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, đóng góp các giá trị tích cực vào sự phát triển của quốc gia và khu vực.
Nhóm ngành Du lịch của trường với nhiều ngành nghề, trong đó có: Quản trị khách sạn, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống,… với các tổ hợp: A00, C00, C15, D01. Năm 2021, điểm chuẩn của các ngành trên đều là 15. Đây là số điểm không quá cao, thí sinh có thể cân nhắc lựa chọn.
3. Trường Đại học Hà Nội
Trường Đại học Hà Nội cũng là địa điểm uy tín trong danh sách các trường đào tạo ngành Du lịch tốt nhất. Chuyên ngành Quản trị Dịch vụ du lịch và Lữ hành của trường là một chương trình có tính thực tiễn cao, được đào tạo theo năng lực và tiêu chuẩn quốc tế.
Điểm mạnh của ngành Du lịch của trường Đại học Hà Nội là: Sinh viên được giảng dạy 100% bằng Tiếng Anh. Trên 80% giảng viên là các chuyên gia trong các công ty du lịch, khách sạn lớn; nhiều học bổng cho sinh viên; cơ hội việc làm cao,...
Ngành Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành sử dụng tổ hợp xét tuyển là D01, với mức điểm chuẩn từ 24,95 đến 33,27, môn Ngoại ngữ nhân 2. Đây là một số điểm tương đối cao nên các thí sinh cần cân nhắc kỹ.
Trường Đại học Hà Nội.
4. Trường Đại học Văn hoá Hà Nội
Trường được thành lập từ năm 1993 với mục tiêu trở thành cơ sở đào tạo chất lượng và cung cấp nguồn nhân lực trình độ cao cho ngành Du lịch. Các tổ hợp xét tuyển và điểm chuẩn năm 2021 là:
- Du lịch – Văn hoá du lịch: C00 – 26,2 điểm
- Du lịch – Văn hoá du lịch: A00, A16, D01, D78, D96 – 25,2 điểm
- Du lịch – Lữ hành, hướng dẫn du lịch: C00 – 26,7 điểm
- Du lịch – Lữ hành, hướng dẫn du lịch: A00, A16, D01, D78, D96 – 32,4 điểm (Tiếng Anh nhân 2)
- Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành: C00 – 27,3 điểm
- Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành: A00, A16, D01, D78, D96 – 26,3 điểm.
5. Trường Đại học Kinh tế Quốc dân
Khoa Du lịch và Khách sạn của trường có 3 chuyên ngành: Quản trị khách sạn, Quản trị du lịch, Quản trị lữ hành. Đại học Kinh tế Quốc dân là lựa chọn đầy tin tưởng của sinh viên khi tìm hiểu về các ngôi trường đào tạo ngành Du lịch tốt nhất để theo học.
Khoa Du lịch và Khách sạn của trường có hơn 20 năm hình thành và phát triển, là nơi uy tín về chất lượng đào tạo. Sinh viên có cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp khác cao. Môi trường học tập năng động và sáng tạo, có nhiều câu lạc bộ sinh viên để giao lưu và trao đổi kinh nghiệm học tập. Trường có đội ngũ giảng viên đầy tâm huyết và trình độ học vấn cao.
Các ngành và điểm chuẩn năm 2021 là:
- Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành: 27,20 điểm
- Quản trị khách sạn: 27,35 điểm
- Quản trị khách sạn quốc tế (Tiếng Anh nhân 2): 36,60 điểm.