Tài chính

[LIVE] ĐHĐCĐ Sacombank: Hơn 1.000 cổ đông dự họp, dự thu 6.350 tỷ còn lại của khoản nợ KCN Phong Phú trong 2025

Tóm tắt:
  • Sacombank chờ phê duyệt của NHNN về xử lý cổ phiếu Trầm Bê.
  • Ngân hàng đã xử lý gần 10.000 tỷ nợ xấu trong năm 2024.
  • Khoản nợ liên quan KCN Phong Phú bán thành công với giá hơn 7.900 tỷ đồng.
  • Dự kiến thu hồi toàn bộ nợ còn lại trong năm 2025.
  • Kế hoạch kinh doanh năm 2025 bao gồm tăng tổng tài sản và lợi nhuận.

Hơn 1.000 cổ đông tham dự đại hội

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, Mã: STB) đã tiến hành ĐHĐCĐ thường niên 2025 vào sáng ngày 25/4. Chưa đến 8 giờ, cổ đông tập trung đông đúc ở khu vực làm thủ tục vào tham dự đại hội.

Tại ngày 10/3/2025, Sacombank có 72.199 cổ đông. Ban kiểm tra tư cách cổ đông cho biết đại hội có sự tham dự của 1.031 cổ đông (trực tiếp và ủy quyền), đại diện sở hữu hơn 1,2 tỷ cổ phần, tương đương 66,37% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

 

(Ảnh: Nguyên Ngọc).

Nút thắt cuối cùng của Sacombank

Trong năm 2024, ngân hàng đã thu hồi, xử lý gần 10.000 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng, nâng giá trị nợ xấu đã xử lý lũy kế lên 103.988 tỷ đồng, trong đó thuộc Đề án tái cơ cấu là 76.695 tỷ đồng.

Các khoản tồn đọng thuộc đề án giảm 80,5% về quy mô và giảm 25,7% về tỷ trọng so với thời điểm bắt đầu triển khai, hiện còn chiếm 2,4% tổng tài sản.

  • TIN LIÊN QUAN
  • Sacombank vẫn chưa ghi nhận thu nhập từ bán KCN Phong Phú 30/10/2024 - 12:49

  • KCN Phong Phú xuất hiện nhân tố mới 21/02/2024 - 18:45

  • Sacombank tiếp tục rao bán 18 khoản nợ liên quan KCN Phong Phú sau nhiều lần bất thành 14/02/2023 - 21:00

Trong đó, đối với các khoản nợ thuộc Khu công nghiệp Phong Phú, Sacombank đã bán đấu giá thành công khoản nợ sau 18 phiên đấu giá trong năm 2023, với giá bán là 7.934 tỷ đồng, cao hơn so nghĩa vụ nợ của khách hàng. Đến nay, Sacombank đã thực thu hồi 1.587 tỷ đồng và dự kiến sẽ thu hồi đầy đủ trong năm 2025.

Đối với các khoản nợ được bảo đảm bằng cổ phiếu STB của ông Trầm Bê và người có liên quan, Sacombank đã trình các phương án xử lý và đang chờ sự phê duyệt từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Ngân hàng đã trích lập dự phòng 100% đối với dư nợ gốc của khoản nợ xấu trên, cũng như đã thoái hoàn toàn lãi dự thu từ cuối quý II/2022. HĐQT cho biết việc xét duyệt để Sacombank xử lý cổ phiếu cũng như ghi nhận hoàn thành tái cơ cấu cần có thêm thời gian.

 

Cũng trong năm qua, Sacombank đã trích lập 2.623 tỷ đồng dự phòng rủi ro và sử dụng 2.061 tỷ đồng dự phòng để xử lý rủi ro (trong đó xử lý rủi ro tín dụng là 756 tỷ và xử lý trái phiếu VAMC là 1.305 tỷ).

Đồng thời, ngân hàng đã hoàn thành trích lập 100% dự phòng rủi ro cho các khoản nợ tồn đọng chưa xử lý, nâng quy mô bộ đệm dự phòng lên 25.689 tỷ đồng.

Theo Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Thạch Diễm, “tính đến thời điểm hiện tại, Sacombank chỉ còn nút thắt cuối cùng là chờ NHNN phê duyệt phương án xử lý lô cổ phiếu STB theo Đề án tái cơ cấu. Năm 2025, chúng tôi tự tin sẽ hoàn thành kế hoạch kinh doanh đề ra và quyết tâm đẩy mạnh tiến trình làm việc với NHNN để chính thức công bố hoàn tất Đề án tái cơ cấu sau sáp nhập”.

Các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh 2025 được công bố bao gồm: Tổng tài sản tăng 10% lên 819.800 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ tín dụng tăng 14% lên 614.400 tỷ đồng và sẽ được điều chỉnh phù hợp với hạn mức phân bổ. Nguồn vốn huy động dự kiến tăng 9% lên 736.300 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát dưới 2%. Lợi nhuận trước thuế kỳ vọng ở mức 14.650 tỷ đồng, tăng 15% so với kết quả đạt được trong năm 2024.

 

Bổ sung tờ trình chia cổ tức bằng cổ phiếu trước thềm đại hội

Tại tài liệu đại hội được công bố lần đầu, Sacombank dự kiến giữ lại toàn bộ lợi nhuận lũy kế hơn 25.350 tỷ đồng, nối dài 11 năm liên tiếp không chia cổ tức.

Tuy nhiên, ngân hàng sau đó đã bổ sung thêm một số tờ trình, bao gồm nội dung phát hành cổ phiếu để chia cổ tức cho cổ đông hiện hữu và phát hành cổ phiếu thưởng cho cán bộ nhân viên có lựa chọn của ngân hàng, qua đó tăng vốn điều lệ. Từ năm 2015 đến nay, ngân hàng duy trì vốn điều lệ ở mức 18.852 tỷ đồng.

Sau khi được NHNN chấp thuận, HĐQT sẽ xây dựng phương án chi tiết, sau đó sẽ lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản trước khi triển khai thực hiện các thủ tục xin phép cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Dự chi tối đa 1.500 tỷ đồng mua vốn công ty chứng khoán

Tài liệu bổ sung còn cho biết Sacombank có kế hoạch góp vốn hoặc mua cổ phần của công ty chứng khoán với giá trị đầu tư tối đa 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ sở hữu trên 50%, đồng nghĩa sau giao dịch công ty chứng khoán này là công ty con của Sacombank.

  • TIN LIÊN QUAN
  • SBS tăng gần 30% sau thông tin Sacombank muốn thâu tóm một CTCK 23/04/2025 - 19:54

Theo lý giải của HĐQT, động thái này nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng các sản phẩm tài chính toàn diện cho khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân cao cấp, gia tăng năng lực cạnh tranh cho Sacombank. Đồng thời, hoạt động ngân hàng đầu tư đang là xu thế tạo ra nguồn thu nhập lớn cho hệ thống ngân hàng.

Tính đến thời điểm hiện tại, chưa rõ mục tiêu Sacombank nhắm đến là công ty chứng khoán nào. Ngân hàng đang là cổ đông lớn nhất tại CTCP Chứng khoán SBS (Mã: SBS) với tỷ lệ sở hữu gần 13,8%.

Ngay sau khi Sacombank công bố thông tin, cổ phiếu SBS đã bất ngờ tăng trần ngay trong phiên. SBS tiền thân là Công ty TNHH MTV Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín, được thành lập ngày 29/9/2006.

Kể từ năm 2011, Sacombank không còn giữ vai trò công ty mẹ của công ty chứng khoán này và bắt đầu quá trình thoái vốn. Cuối tháng 7/2021, Sacombank công bố kế hoạch thoái hết vốn góp tại công ty chứng khoán nhằm tái cơ cấu các khoản đầu tư không mang lại hiệu quả cao và cải thiện nguồn thu. Năm 2022, công ty chứng khoán đổi tên thành SBS.

 

 

 

Các tin khác

Hệ tiêu hóa ảnh hưởng đề kháng thế nào?

TS.BS Phạm Lê Duy, Giảng viên bộ môn Sinh lý - Sinh lý bệnh - Miễn dịch, Đại học Y Dược TPHCM cho biết, hệ tiêu hóa khỏe góp phần xây dựng hệ miễn dịch, giúp cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh, trong đó có virus cúm.

Công nghệ tàng hình sẽ thống trị thế hệ máy bay chiến đấu mới nhất

Máy bay chiến đấu thế hệ mới có thể sẽ tích hợp AI cũng như công nghệ động cơ và công nghệ tàng hình tiên tiến.Hiện nay, các quốc gia đang tiến lên với thế hệ máy bay chiến đấu thứ sáu. Trong vài tháng qua, Trung Quốc đã bay thử máy bay phản lực nguyên mẫu J36 và J50. Trong khi đó, Mỹ đã chọn Boeing để chế tạo máy bay chiến đấu mới F-47.

Eximbank chuyển đổi số toàn diện, nâng tầm trải nghiệm khách hàng

Trong kỷ nguyên công nghệ, ngân hàng không chỉ là nơi cung cấp dịch vụ tài chính mà còn trở thành hệ sinh thái thông minh, cá nhân hóa và bền vững. Không nằm ngoài xu hướng đó, Eximbank đang tái định nghĩa vai trò của một ngân hàng hiện đại bằng chiến lược tập trung vào ba trụ cột cốt lõi: chuyển đổi số toàn diện, ứng dụng công nghệ hiện đại và hướng tới ngân hàng xanh vì cộng đồng.

Đặc công nước Hải quân tinh nhuệ, trung thành

Lãnh đạo Bộ Tham mưu Hải quân yêu cầu, trong bất luận hoàn cảnh nào, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Đặc công Hải quân 126 phải luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và Nhân dân, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Tân Chủ tịch PGBank là ai?

Chủ tịch và Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank) nhiệm kỳ 2020-2025 rút lui. Bà Cao Thị Thuý Nga được bầu làm chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ mới.