Trong mắt của nhiều người, Toán là một môn học "ám ảnh kinh hoàng" bởi sự rối rắm, khô khan và khó hiểu với những công thức dài dằng dặc của nó. Vậy nên, kết thúc cấp 3, nhiều người có tâm lý "hả hê" khi nghĩ rằng mình có thể thoát được môn Toán khi lên đại học. Nhưng "đời không như là mơ" bởi môn học này vẫn sẽ được tiếp diễn ở trình độ đại học với một phiên bản nâng cấp hơn như: Toán cao cấp, Toán cho các nhà kinh tế...
Rơi vào tình huống dở khóc dở cười này, nhiều người thắc mắc: "Ủa thế tác dụng của việc học Toán thời đại học là gì?”, "Sau khi học xong áp dụng được gì cho cuộc sống?", "Học này xong vẫn tính nhẩm thua bác bán rau mà?", "Môn Toán dừng lại ở cấp 3 là được rồi, học cao hơn chẳng có ích lợi gì"...
Trước những câu hỏi này, PGS.TS Nguyễn Phong Điền - Phó giám đốc Đại học Bách Khoa Hà Nội, đã có những chia sẻ trong Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2023 tổ chức sáng 19/3 tại Đại học Bách khoa Hà Nội, rằng: "Học toán ở bậc Đại học không vô dụng như mọi người nghĩ".
Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2023
Học Toán bậc đại học có vô dụng?
Theo PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Đại học Bách Khoa Hà Nội là một trong những trường giảng dạy nhiều môn liên quan đến Toán như: Giải tích, Đại số... thuộc hạng khó nhất Việt Nam. Tuy nhiên, khi xét rộng hơn thì những kiến thức Toán học tại Bách Khoa vẫn chưa là gì so với các trường kỹ thuật khác ở Đức, Pháp...
Làm việc trong lĩnh vực cơ điện tử, điều kiển robot và các hệ thống cơ học, nên vị Phó giám đốc này phải sử dụng Toán học vào trong công việc hàng ngày. Kiến thức Toán học đã giúp ông rất nhiều trong quá trình làm việc. Tuy nhiên, kiến thức được nói đến ở đây không phải ở trên sách vở thuần túy nữa, mà nó đã được "nâng cấp" thành các công cụ Toán học phức tạp hơn.
Thầy Điền nhấn mạnh, nếu không vượt qua được việc giải những bài Toán tích phân, vi phân... như trong phân phối chương trình tại Bách Khoa, hay các môn Toán tại các trường đại học khác, thì người học rất khó đạt được cấp độ cao về mặt tư duy nói chung đặc biệt trong các lĩnh vực nghiên cứu phát triển. Bởi tất cả các hệ thống kỹ thuật hiện nay đều được mô tả dưới dạng các phương trình vi phân. Vậy nên, để có được những công trình nghiên cứu về kỹ thuật, công nghệ thì Toán học, Vật lý vẫn là những nền tảng quan trọng mà chúng ta cần trau dồi.
Việc được đào tạo kỹ lưỡng về Toán học khiến sinh viên Bách khoa sau khi ra trường hết sức thành công với các lĩnh vực nghiên cứu phát triển và phát minh sáng chế.
PGS Nguyễn Phong Điền
Ở một diễn biến khác, Toán đang là môn học "hot" hiện nay khi nó ngày càng nhận được nhiều sự chú trọng đến từ phụ huynh và học sinh. Đặc biệt, đây cũng là môn học cơ bản không thể thiếu ở bất kỳ cuộc thi nào bởi nó đánh giá một cách toàn diện khả năng tính toán, suy luận logic cũng như quá trình tự rèn luyện của học sinh. Đặc biệt, các kỳ thi hiện nay như Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, Đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa... đều rất chú trọng vào phần này.
Tóm lại, không có môn học nào là vô dụng cả, chỉ là bạn chưa thấy hết sự diệu kỳ của nó mà thôi. Trong trường hợp này, học Toán không chỉ đơn giản là ngồi hàng giờ trong phòng để tính toán, giải các bài tập trên giấy nữa mà nhờ những kiến thức đó, ta có thể áp dụng vào trong cuộc sống và các công việc liên quan. Đặc biệt, đối với những ai học về kỹ thuật, công nghệ, kinh tế thì việc học Toán là điều không thể tránh khỏi.
Khi học tốt môn học này, nó giúp ta phát triển các kỹ năng khác như: Tư duy logic, khả năng nhạy bén, kỹ năng giải quyết vấn đề... Đây mới chính là nền tảng cốt lõi để thành công trong cuộc sống.
Vậy nên, thay vì kêu trời kêu đất vì suốt ngày phải học Toán, hay tìm mọi cách để né tránh không phải nghiên cứu sâu về môn này, thì chúng ta nên học cách chấp nhận. Ngay kể cả khi bạn không học tốt Toán thì cũng đừng quá lo lắng, hãy tập trung để lên kế hoạch chi tiết chinh phục môn học này, làm thật nhiều bài tập vì "chăm hay không bằng tay quen", tập trung chú ý nghe giảng trên lớp... thì kiểu gì bạn cũng sẽ vượt qua được mà thôi!