James Coupland (28 tuổi) tạo tài khoản Instagram hơn 10 năm trước, thường xuyên chia sẻ những khoảnh khắc đời thường cùng bạn bè dù các bài đăng không nhận được nhiều tương tác.
Vào năm 2016, khi 21 tuổi, anh quyết định mua một ngôi nhà trị giá 53.000 bảng Anh ở Goole. Một năm sau, James bán được nó với giá gần gấp đôi, khoảng 92.500 bảng Anh. Thấy có duyên, anh chàng tiếp tục đầu tư vào ngôi nhà tiếp theo và tạo ra một danh mục bất động sản cho thuê. Tiếng tăm James Coupland lan rộng sau những clip chia sẻ viral trên TikTok.
“Tôi không nghĩ sẽ có người quan tâm đến thứ này. Video đầu tiên đạt 60.000 lượt xem chỉ sau 1 đêm. Nó đã tăng vượt khỏi tầm kiểm soát”, James nói với The Guardian.
Được biết James hiện là một trong những KOL (người có tầm ảnh hưởng) có tiếng trong mảng bất động sản cho thuê. Qua các ứng dụng truyền thông, anh tiết lộ một số tips giao dịch bằng hashtag #PropertyTok.
Với sự phát triển của mạng xã hội sáng tạo video ngắn, ngày càng nhiều KOL tự xưng là ‘bậc thầy’ thuyết giảng về thu nhập thụ động. Đầu tư bất động sản theo đó không chỉ dành riêng cho dân trung niên có tiền mà còn là cơ hội cho thế hệ trẻ hướng đến mục tiêu tự do tài chính. Tuy nhiên, điều này khiến nhiều người lo lắng rằng các chủ nhà có thể đẩy tăng tiền để kiếm lợi, với lý do đang bị siết bởi lãi suất tăng vọt.
Theo các chuyên gia, những tài khoản này đang phá vỡ thị trường nhà ở bằng cách phóng đại nhà là tài sản làm giàu nhanh chóng. “Người cho thuê cần có nghĩa vụ và trách nhiệm với việc kinh doanh của mình. Nếu coi mô hình này là cách kiếm tiền nhanh chóng, tôi e sẽ có rủi ro”, Dan Wilson Craw, phó Giám đốc của nhóm chiến dịch Generation Rent, nói.
James Coupland
Chris Norris, Giám đốc chính sách tại Hiệp hội nhà ở Quốc gia đã đề cập đến bê bối Inside Track - một công ty đã sử dụng quảng cáo và ảnh chụp dụ khách hàng mua bất động sản cho thuê ở Anh, Mỹ và Tây Ban Nha. Hàng nghìn người cả tin đã cạn túi khi nó sụp đổ vào năm 2008.
“Điểm khác biệt duy nhất là TikTok bây giờ đưa thông tin đến với nhiều người hơn. Những người thiếu kinh nghiệm và nhẹ dạ cả tin có thể bị sập bẫy”, Norris nhận xét.
KOL như James nhận thức sâu sắc những chỉ trích này, nhưng cho rằng chúng đang ảnh hưởng xấu tới anh và một số chủ nhà có tâm khác. Với anh, việc mở rộng phạm vi tiếp cận khách hàng qua mạng xã hội sẽ nâng cao tiêu chuẩn trong lĩnh vực bất động sản, đồng thời truyền cảm hứng đến với nhiều người.
Dĩ nhiên, vẫn có những ‘con sâu làm rầu nồi canh’. Samuel Leeds (31 tuổi), lớn lên trong một ngôi nhà khiêm tốn ở Walsall ở West Midlands, là một trong số đó.
Leeds bắt đầu tham gia YouTube vào năm 2016, sau đó tham gia TikTok vào năm 2020. Video của anh thu hút hàng triệu lượt xem, với những tiêu đề kiểu như “Giải thích cho người mới bắt đầu”, “Cuốn sách cuối cùng bạn cần đọc”...
Năm 2017, Leeds bán dịch vụ đào tạo thông qua công ty - nơi tổ chức các sự kiện trực tiếp trị giá 1 bảng Anh. Tham gia khóa huấn luyện 12 tháng sẽ bị tính phí 12.000 bảng Anh.
Ngoài những đánh giá tích cực, khóa học của Leeds bị tố phóng đại sự dễ dàng và lôi kéo những người chưa có nhiều kinh nghiệm.
“Nhiều bạn trẻ ngày nay cảm thấy chán nản và không được xã hội quan tâm đúng mức. Thế rồi, những KOL bắt đầu xuất hiện như người chiến thắng từ hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, đó chỉ là những video được dàn dựng mà thôi”, Youtuber nổi tiếng Jarvis Johnson nói với tờ Vox. “Chẳng ai có thể bắt chước cách làm giàu của ai khi thị trường đã bão hòa, trừ khi có công nghệ mới, ý tưởng mới cùng nguồn vốn dồi dào”.
Samuel Leeds bị tố cung cấp các khóa học kém chất lượng và phóng đại quá mức cách làm giàu dễ dàng.
Đồng quan điểm, youtuber kiêm nhà môi giới bất động sản Anthony Vicino cũng cho rằng nhiều KOL hiện nay đang dùng những chiến thuật tâm lý khiến mọi người tin rằng ai cũng có thể làm giàu dễ dàng.
Thực tế, không ai muốn giàu lên một cách chậm chạp. Đây được cho là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người không đi theo chiến lược đầu tư giá trị dài hạn như Warren Buffett - tỷ phú thuộc top những người giàu trên thế giới. Họ không biết rằng: “Một phần lao động sẽ cho ra một phần thu hoạch. Ngày dồn tháng chứa, từ ít tới nhiều, kỳ tích cứ như vậy mà được tạo ra. Nếu cứ ôm mộng phất lên sau một đêm, về căn bản sẽ không thể tĩnh tâm soi xét mọi thứ”.
Câu chuyện đầu cơ của một số nhà đầu tư nhỏ lẻ muốn góp sức thổi giá các cổ phiếu “meme’’ là ví dụ điển hình. Đây là khái niệm được nhắc đến khá nhiều trong giới tài chính chứng khoán nhằm ám chỉ những những công ty, doanh nghiệp không có gì nổi bật, thậm chí là bết bát, nhưng lại được một nhóm nhà đầu tư ra sức mua vào. Điểm chung là tính đầu cơ của chúng cực cao, có thể biến động vài chục phần trăm chỉ trong một phiên và thường được định giá lớn hơn rất nhiều so với giá trị thực. Công ty cho thuê ô tô Hertz, hãng bán lẻ trò chơi GameStop và chuỗi rạp chiếu phim AMC là 3 ví dụ điển hình.
Dẫu biết chúng chỉ là những quả bong bóng chực nổ, các nhà đầu cơ lại không mấy khi để tâm. Họ sức mua vào với hy vọng được bán ra với giá cao hơn, một cách nhanh nhất có thể. Tâm lý này dễ hiểu, bởi mọi người luôn muốn giàu nhanh. Bản chất con người chủ yếu do lòng tham thúc đẩy.
“Sự thật là không chỉ trong kinh doanh hay khoa học, cuộc sống thường ngày, việc học hỏi một thứ gì đó khó hơn nhiều so với việc chỉ xem trên Youtube”, tờ Vox kết luận.
Theo: The Guardian, Vox