Ngày 2/4, Sở Y tế TPHCM cho biết, Bệnh viện Nhân Dân 115 sẽ phối hợp hỗ trợ chuyên môn toàn diện cho Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn lập trung tâm điều trị đột quỵ chuyên sâu. Đây là giải pháp giảm tải cho các bệnh viện ở trung tâm thành phố.
Nhiều năm qua, Bệnh viện Nhân Dân 115 đã hỗ trợ đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, giúp thành lập nhiều đơn vị, trung tâm đột quỵ trên cả nước. Với sự hỗ trợ toàn diện về chuyên môn và kỹ thuật từ Bệnh viện Nhân Dân 115, Trung tâm Đột quỵ tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn sẽ được thành lập.
![]() |
Các bác sĩ đang hội chẩn cho một trường hợp bị đột quỵ mức độ nặng |
Đây là trung tâm được định hướng phát triển theo mô hình điều trị đột quỵ hiện đại. Khi đi vào hoạt động trung tâm sẽ giúp người bệnh tiếp cận điều trị chuyên sâu với khả năng đáp ứng tiếp nhận, điều trị hàng nghìn người bệnh mỗi năm.
Bệnh nhân sẽ được hưởng lợi rất lớn nhờ được cấp cứu và điều trị đột quỵ ngay tại địa phương mà không cần chuyển viện xa, rút ngắn thời gian điều trị. Bên cạnh đó, đội ngũ bác sĩ sẽ được đào tạo chuyên sâu tạo sự liên kết chặt chẽ giữa các chuyên gia qua hội chẩn liên viện, hội chẩn từ xa.
Trung tâm điều trị đột quỵ tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn sẽ được hỗ trợ sử dụng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong điều trị đột quỵ. Ứng dụng Qure.AI giúp hỗ trợ chẩn đoán nhanh chóng, chính xác tình trạng của người bệnh, cảnh báo sớm và hỗ trợ bác sĩ đưa ra quyết định điều trị tối ưu.
Sở Y tế cho biết, Trung tâm điều trị đột quỵ tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn sẽ là một mắt xích quan trọng trong việc xây dựng mạng lưới điều trị đột quỵ thông minh và liên kết toàn diện theo quy mô vùng. Đây là nhiệm vụ trọng tâm hướng tới mục tiêu phát triển trung tâm y tế chuyên sâu trên địa bàn thành phố.
Theo Sở Y tế, hiện nay người dân các huyện Hóc Môn, Củ Chi, quận 12 và các tỉnh lân cận như Long An, Tây Ninh và bệnh nhân từ nước bạn Campuchia thường phải di chuyển xa để đến các trung tâm điều trị đột quỵ tại khu vực trung tâm TPHCM. Việc di chuyển xa có thể làm nhiều người bệnh bỏ lỡ thời gian vàng (6 giờ đầu kể từ khi có biểu hiện đột quỵ) làm mất đi cơ hội hồi phục sức khỏe, để lại nhiều di chứng, thậm chí tử vong.