Hẹn gặp nhiều lần, cuối cùng anh Chương cũng đồng ý tiếp chuyện, song lại bảo: "Hôm nay chúng ta chỉ uống cà phê, nói chuyện phiếm thôi. Thú thật, tôi ngại xuất hiện trên truyền thông". Nhưng dường như khi chúng tôi khơi đúng dòng chảy bị chặn lâu ngày, thì anh tuôn trào cảm xúc.
Hành trình lập nghiệp và nghị lực vượt khó của anh Chương góp thêm câu chuyện tích cực về những người đang sinh sống, làm ăn ở thành phố năng động nhất nước này. Dù con đường khởi nghiệp thường lắm gian nan, nhưng họ không ngừng nỗ lực, dám nghĩ, dám làm để thành công và quay lại giúp đỡ cộng đồng.

Anh Chương (bìa trái) giới thiệu với đối tác người Mỹ về sản phẩm găng tay sản xuất tại xưởng của mình
ẢNH: QUANG VIÊN
Từ cậu bé "ăn khoai cõng cơm" ở xứ Nghệ
"Tôi sinh ra ở nơi mà người ta vẫn gọi là vùng đất chó ăn đá, gà ăn sỏi. Đó là xứ Nghệ", anh Chương mở đầu câu chuyện. Gia đình anh Chương có truyền thống giáo dục, bố mẹ đều là giáo viên. Điều bất ngờ, anh còn tiết lộ mình là hậu duệ của nhà cách mạng danh tiếng Phan Đăng Lưu và Nguyễn Kiệm.
Bố mẹ anh sống thanh bạch, gắn bó với bục giảng, nhưng cũng vì thế mà những ngày tháng cơ hàn như đóng đinh vào trí nhớ của anh Chương. "Thời đó, giáo viên không được chia ruộng, mỗi người chỉ được cấp 13 ký gạo một tháng. Nhà tôi đói thường xuyên", anh kể.

Anh Phan Đăng Chương và con trai đầu đi viếng mộ cụ Phan Đăng Lưu
ẢNH: NVCC
Từ khi học cấp hai, Chương đã quen với công việc tay chân như mót khoai, xắt chuối, xắt rau nuôi heo, nuôi gà. "Việc gì của nhà nông tôi làm hết", anh nói và đưa tay chỉ những vết sẹo, dấu tích của những ngày cơ cực.
Anh nhớ nhất là hình ảnh hai mẹ con đạp chiếc xe cà tàng không phanh, vượt hơn 10 cây số để mua đậu, hoặc mua lúa về xay thành gạo đem bán. "Lời chẳng bao nhiêu, nhưng cũng có chút tiền chống đói", anh cười buồn. Mẹ con anh còn lên tận miền núi mua sắn, phân loại ra củ ngon để bán, củ xấu để nấu ăn sáng hoặc trộn với nhúm gạo để có cái gọi là "bữa cơm".
"Cả nhà làm việc quần quật mà vẫn đói cơm, thiếu áo. Ăn cơm độn khoai, sắn quanh năm. Giờ nhìn thấy củ lang, củ sắn, tôi vẫn ám ảnh", anh nói, mắt rưng rưng, như thể những quá khứ đói khổ vẫn còn nguyên vẹn đâu đó trong tâm khảm.

Năm 2023, dự án "Tủ sách Nhân ái - Ngôi nhà Trí tuệ" do anh Chương và một số cộng sự thực hiện, được Thư viện Quốc hội Mỹ vinh danh và trao giải thưởng Xóa mù chữ - Phổ biến tri thức
ẢNH: NVCC
Lớn lên giữa khốn khó, nhưng không vì thế mà Phan Đăng Chương mất đi ý chí học tập. Anh là một trong những hy vọng của dòng họ Phan ở Nghệ An. Chương từng đoạt giải học sinh giỏi toán cấp tỉnh. Tốt nghiệp PTTH, cậu học trò xứ Nghệ một mình khăn gói vào TP.HCM, thi đỗ vào ngành Cơ khí động lực, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM. Để được đi học đại học, Chương phải nỗ lực rất lớn.
"Thú thật là nhà chẳng có tiền. Tôi đi học nhờ con heo mẹ nuôi ở quê", anh bồi hồi kể. Mỗi khi đóng học phí, mẹ lại bán heo. Còn bản thân anh phải vừa học vừa làm. "Tôi chạy bàn đám cưới, dạy kèm, hàn cửa sắt, làm điện… Việc gì lương thiện và có thể kiếm tiền để bố mẹ bớt lo là tôi vui rồi", anh Chương bộc bạch.

Thương hiệu Găng tay Việt đã xuất đi Hàn Quốc và nhiều nước
ẢNH: QUANG VIÊN
Cuộc sống sinh viên thiếu thốn nhưng lại là quãng thời gian quý giá tôi luyện bản lĩnh anh Chương. Đó cũng là lý do khiến anh khi đã làm chủ, khá giả hơn vẫn luôn biết quý trọng từng đồng tiền làm ra, từng bữa cơm và luôn hướng về quê hương.
Vươn ra thế giới và chung tay phát triển văn hóa đọc
Ra trường, Chương nhất quyết bám trụ TP.HCM để lập nghiệp. Anh đầu quân cho một doanh nghiệp nhà nước, làm đúng chuyên ngành được một năm thì xin nghỉ việc. "Tôi muốn làm chủ, không muốn đi theo lối mòn", anh chia sẻ. Nhưng không tiền, không kinh nghiệm kinh doanh, nên khởi nghiệp làm chủ, anh chọn lĩnh vực đầu tư ít, rủi ro không cao, đó là mở công ty giao nhận.

Anh Chương nhớ những công việc gắn bó với nhà nông thời nghèo khó, vất vả ở quê
ẢNH: QUANG VIÊN
Văn phòng công ty giao nhận ban đầu đặt ngay trong căn nhà thuê với vài chiếc máy tính, máy in và một nhóm nhân viên nhỏ. Không ngờ công ty ăn nên làm ra, đơn hàng nhiều, có thời điểm đội ngũ giao nhận lên đến 30 người. Nhưng cũng chính từ đó, một hiện thực "phũ phàng" xảy ra khi các nhân viên lần lượt tách ra mở công ty riêng, thành đối thủ cạnh tranh.
"Tôi chứng kiến 30 nhân viên của mình thành… 30 giám đốc giao nhận", anh kể lại. Lúc này, thị trường cũng bắt đầu bão hòa. Biết không thể duy trì lâu dài, anh quyết định chuyển hướng thành lập công ty thương mại chuyên nhập khẩu gạch, gỗ và xuất khẩu gạo.
Lĩnh vực thương mại cần vốn lớn. Không ngần ngại, anh thế chấp nhà, gom toàn bộ vốn liếng dành dụm để đầu tư. Nhờ mối quan hệ và kinh nghiệm từ dịch vụ giao nhận, anh nhanh chóng ký được hợp đồng cung cấp gạch, gỗ cho nhiều dự án bất động sản lớn. Xuất khẩu gạo cũng thuận lợi. Nhưng anh Chương ấp ủ một dự tính khác. Dự tính đó nằm trong lộ trình mà anh đã vạch ra từ đầu là dịch vụ - thương mại - sản xuất.

Anh Chương diễn tả lại thời anh và mẹ đạp xe đi mua gạo rồi sau đó đem về xay để lấy gạo đem bán kiếm chút tiền mưu sinh
ẢNH: QUANG VIÊN
Năm 2020, giữa thời điểm kinh tế thế giới, trong đó có VN, chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, anh vẫn quyết tâm thành lập Công ty TNHH Găng tay Việt (Viet Gloves) chuyên sản xuất găng tay. "Lúc ấy ai cũng hỏi tôi có điên không. Dịch bệnh, doanh nghiệp phá sản đầy rẫy. Nhưng tôi tin vào thị trường, vào tầm nhìn và vào chính mình", anh nói.
Nhà máy sản xuất găng tay của anh Chương có công suất lên tới 1 triệu đôi/tháng. Hơn 95% sản lượng găng tay xuất khẩu sang Mỹ, Hàn Quốc và nhiều nước khác. Tôi hỏi anh vì sao không phát triển thị trường nội địa vốn vẫn còn rất rộng mở, anh cười: "Ở VN, găng tay được xem là phụ kiện chống nắng khi đi xe máy. Còn việc đeo găng tay vì lý do vệ sinh hay bảo hộ lao động thì rất ít người quan tâm".

Anh Phan Đăng Chương đến Mỹ để tìm hiểu thị trường găng tay
ẢNH: NVCC
Ở các nước phát triển, găng tay là vật dụng cơ bản trong nhiều ngành nghề như y tế, thực phẩm, dịch vụ, vệ sinh công cộng… Còn tại VN, theo anh Chương, việc dùng găng tay "rất lạ", người cần thì không mua, còn người mua thì không cần. "Người Việt cần thay đổi thói quen sử dụng găng tay để an toàn trong lao động và bảo vệ sức khỏe cho chính mình và cộng đồng", anh nhắn nhủ.
Từ cậu bé "ăn khoai cõng cơm" ở xứ Nghệ đến ông chủ doanh nghiệp xuất khẩu găng tay đi khắp thế giới, hành trình ấy không chỉ đo bằng lợi nhuận, mà còn ở sự dấn thân, ý chí vượt khó và tinh thần không bỏ cuộc của người con dòng họ Phan danh tiếng.
Anh Phan Đăng Chương trầm lặng thổ lộ: "Tôi không tài giỏi, nhưng tôi chưa bao giờ lùi bước trước khó khăn". Ít ai biết, anh Chương là một trong những thành viên chủ chốt sáng lập "Tủ sách Nhân ái - Ngôi nhà Trí tuệ". Đây được coi là một chương trình phát triển văn hóa đọc lớn nhất nước hiện nay, được cả Thư viện Quốc hội Mỹ vinh danh. (còn tiếp)
"Với tôi, sự bền bỉ là kim chỉ nam, sự học là con đường thoát nghèo, và mỗi thất bại đều là một bài học quý giá để đi tiếp, mạnh mẽ hơn".
Anh Phan Đăng Chương, Giám đốc Công ty TNHH Găng tay Việt