Xã hội

Siết quy định để "trị" sữa giả, thực phẩm chức năng giả

Lỗ hổng quản lý an toàn thực phẩm?

Hồi tháng 4, Bộ Công an triệt phá đường dây sản xuất, phân phối 573 nhãn hiệu sữa bột giả. Theo lãnh đạo Văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an, các đối tượng sản xuất thực phẩm giả thường lợi dụng chính sách doanh nghiệp (DN) được tự công bố sản phẩm, tự công bố các chỉ tiêu chất lượng, hàm lượng, thành phần dinh dưỡng, tính năng, tác dụng sản phẩm. Trong khi đó, việc này không chịu sự quản lý, kiểm tra, kiểm nghiệm, cấp phép trước khi lưu hành.

Siết quy định để 'trị' sữa giả, thực phẩm chức năng giả - Ảnh 1.

Công an triệt phá đường dây sản xuất 573 nhãn hiệu sữa bột giả hồi tháng 4.2025

ẢNH: CACC

Hay như vụ án kẹo Kera được quảng cáo là kẹo rau sạch, hỗ trợ tiêu hóa, nhưng thực tế có đến 35% thành phần là chất chứa sorbitol, bột rau thật chỉ đạt dưới 1% (so với mức công bố là 28%). Sorbitol không phải chất cấm, dù vậy nếu dùng liều cao có thể gây tiêu chảy. Việc cho sorbitol vào sản phẩm mà không công bố bị xem là hành vi vi phạm quảng cáo, lừa dối người tiêu dùng.

Theo quy định tại Nghị định 15/2018, với thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi hoặc một số loại phụ gia thực phẩm, DN phải đăng ký bản công bố sản phẩm. Tức là, DN nộp hồ sơ kèm theo các giấy tờ, chứng nhận cần thiết đến cơ quan quản lý. Cơ quan quản lý thẩm định, cấp giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, rồi thông báo công khai tên, sản phẩm của DN trên trang thông tin điện tử của mình và cơ sở dữ liệu về an toàn thực phẩm.

Ngược lại, với thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm…, DN được tự công bố sản phẩm trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc trang thông tin điện tử của mình và nộp 1 bản đến cơ quan có thẩm quyền. Cơ quan tiếp nhận sẽ lưu hồ sơ và đăng tải tên DN và tên các sản phẩm trên trang thông tin điện tử. Ngay sau khi tự công bố, DN được quyền sản xuất, kinh doanh sản phẩm và chịu trách nhiệm về an toàn của sản phẩm đó.

Một số chuyên gia cho rằng cơ chế tự công bố sản phẩm một mặt giúp giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho DN khi tham gia sản xuất, kinh doanh; nhưng lại dễ bị lợi dụng như "tấm vé thông hành" để tuồn hàng giả, hàng kém chất lượng ra thị trường. Đây là một "kẽ hở", cần phải bịt kín.

Siết chặt quy trình công bố

Bộ Y tế đang chủ trì xây dựng dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 15/2018. Cơ quan này cho rằng, hiện chưa có quy định về việc kiểm soát hồ sơ tự công bố sản phẩm, dẫn đến DN tự công bố, tự xếp nhóm sản phẩm không đúng bản chất, thổi phồng công dụng hoặc không tuân thủ về chất lượng sản phẩm. Đến khi phát hiện, kiểm tra, sản phẩm đã được lưu thông, tiêu thụ.

Để khắc phục, Bộ Y tế đề xuất trong thời hạn 21 ngày kể từ khi tiếp nhận bản tự công bố, nếu không có ý kiến bằng văn bản thì cơ quan tiếp nhận đăng tải hồ sơ tự công bố trên trang thông tin điện tử hoặc hệ thống dịch vụ công trực tuyến; DN được quyền sản xuất, kinh doanh sản phẩm. Hằng năm, cơ quan tiếp nhận sẽ xây dựng kế hoạch, lấy mẫu giám sát các chỉ tiêu chất lượng và an toàn đối với sản phẩm công bố lưu thông trên thị trường nhằm kịp thời phát hiện vi phạm.

Bộ Y tế còn đề xuất đưa thực phẩm bổ sung (một phân nhóm trong thực phẩm chức năng) vào diện phải đăng ký bản công bố sản phẩm, thay vì được tự công bố như hiện nay. Thực tế cho thấy, rất nhiều thực phẩm bảo vệ sức khỏe (thuộc nhóm phải đăng ký bản công bố) được tổ chức, cá nhân tự xác định thành thực phẩm bổ sung và tự công bố. Cộng với việc không phải đăng ký nội dung quảng cáo, nhiều DN cố tình phóng đại tính năng, công dụng sản phẩm.

Vẫn theo Bộ Y tế, Nghị định 15/2018 quy định thành phần hồ sơ đăng ký bản công bố sản phẩm theo hướng đơn giản hóa để tạo thuận lợi cho DN. Thế nhưng, một số DN lại lợi dụng chính ưu đãi này để sử dụng các thành phần không có tính năng, công dụng quảng cáo sản phẩm. Do đó, cơ quan soạn thảo đề xuất quy định cụ thể về hồ sơ đăng ký bản công bố sản phẩm, nhằm kiểm soát việc phối hợp thành phần, các chỉ tiêu, tính năng, công dụng của sản phẩm.

Chưa hết, DN sẽ phải công bố các chỉ tiêu chất lượng sản phẩm, thay vì chỉ kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn như hiện nay. Cơ quan soạn thảo nhận định quy định này sẽ góp phần dẹp bỏ tình trạng không tuân thủ về chất lượng sản phẩm như hồ sơ công bố.

Siết phải đi đôi với hậu kiểm

Việc bổ sung các quy định về công bố sản phẩm được kỳ vọng là "liều thuốc" để trị tình trạng thực phẩm giả. Trong lúc kỹ năng tự bảo vệ của người tiêu dùng còn hạn chế, cũng không thể trông chờ vào ý thức tự giác của mọi DN, một hàng rào kỹ thuật về mặt pháp lý ít nhiều sẽ tăng tính minh bạch, nghiêm ngặt đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Song cũng có băn khoăn về vấn đề thủ tục hành chính.

Nghị định 15/2018 được đánh giá là một bước tiến, khi chuyển nhiều thủ tục từ tiền kiểm sang hậu kiểm, giảm thủ tục hành chính và tạo cơ chế chủ động cho DN khi tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Nay với các đề xuất của Bộ Y tế, số lượng thủ tục, giấy tờ có thể tăng lên.

Từng có văn bản kiến nghị, Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM lo ngại việc bổ sung các thủ tục về công bố sản phẩm sẽ làm tăng chi phí tuân thủ của DN. Hay như quy định về việc rà soát thủ tục sau khi tiếp nhận hồ sơ tự công bố sản phẩm, phần lớn DN sẽ chờ cho hết khoảng thời gian này mới dám đi vào sản xuất, thay vì sản xuất ngay như hiện nay. Nếu quy định quá dài sẽ khiến mất cơ hội kinh doanh, thiệt hại nhân lên theo từng ngày.

Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, cho rằng "vấn đề chính" của Nghị định 15/2018 là chỉ mới tập trung giảm tiền kiểm chứ chưa có quy định cụ thể để tăng hậu kiểm. "Dù cơ quan chức năng có xét duyệt ngay hay không, tức là tự công bố hay phải đăng ký bản công bố, thì cũng chỉ là trên hồ sơ giấy tờ. Nếu không tăng cường hậu kiểm, việc kiểm soát sẽ là vô nghĩa", bà Lan nói.

Dẫn chứng các vụ việc sữa giả và thực phẩm chức năng giả bị phát hiện thời gian qua, bà Lan nhận thấy nếu chỉ siết chặt thủ tục là chưa đủ. Các sản phẩm này đều thuộc nhóm phải đăng ký bản công bố sản phẩm, quy định nghiêm ngặt hơn nhưng vẫn sai phạm; và sai phạm không nằm hoàn toàn ở khâu thủ tục công bố mà còn do công đoạn sản xuất, tiêu thụ ra thị trường.

Vì thế, bà Lan đề nghị cần đẩy mạnh công tác hậu kiểm, chú trọng đến thời hạn, tỷ lệ lấy mẫu, tăng cường nhân sự chuyên môn; đặc biệt là phải tăng cường kiểm tra thực tế tại nhà máy sản xuất. "Cần có quy định kiểm tra thực tế, lấy mẫu kiểm nghiệm sản phẩm định kỳ và đột xuất; đồng thời huy động sự tham gia của các tổ chức trung gian đánh giá chất lượng, không nhất thiết phải là cơ quan nhà nước", nữ đại biểu nói.

Luật sư (LS) Nguyễn Ngọc Hùng, Đoàn LS TP.Hà Nội, cũng nhận định việc thắt chặt quy định công bố sản phẩm cần đi đôi với ứng dụng công nghệ thông tin, giảm phiền hà cho DN. "Siết nhưng không có nghĩa là ngột ngạt, vừa đảm bảo mục tiêu quản lý nhà nước, bảo vệ người tiêu dùng, ngăn chặn hàng giả, hàng kém chất lượng, nhưng cũng phải đảm bảo điều kiện thông thoáng cho DN yên tâm sản xuất", LS Hùng góp ý.

Các tin khác

Chứng khoán tuần tới tăng hay giảm?

Tuần qua, thị trường chứng khoán trải qua nhiều phiên giao dịch tích cực, tuần tới, sự chú ý sẽ chuyển sang kết quả kinh doanh quý II của các doanh nghiệp niêm yết.

Khách nước nào đến Việt Nam đông nhất?

Theo số liệu vừa công bố của Cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm nay có 10,7 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam, tăng gần 21% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 26% so với năm 2019 - thời hoàng kim của du lịch Việt trước dịch Covid-19. Khách Trung Quốc đến nước ta đông nhất, với hơn 2,7 triệu lượt.

Triển khai thông báo thi hành án dân sự qua VNeID

Ngày 5.7, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh trao quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Hòa, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP.HCM, làm Trưởng Thi hành án dân sự TP.HCM.

Răng khôn "mọc dại": Khi nào thì bắt buộc phải nhổ?

Răng số 8, còn gọi là răng hàm số 8 (răng khôn) - là những chiếc răng mọc cuối cùng của mỗi người và thường mọc khi bước vào lứa tuổi trưởng thành, trong độ tuổi từ 17 tới 25 tuổi. Tuy nhiên có trường hợp phải nhổ răng số 8 mọc lệch để bảo vệ sức khỏe răng miệng và sự an toàn của những chiếc răng lân cận.

Những con "quái vật" trên bãi biển Mũi Né

Bờ biển Mũi Né chưa bao giờ 'nhếch nhác' như bây giờ. Biển xâm thực phá tan các bãi biển vốn rất đẹp. Và những con 'quái vật' được con người đưa xuống biển để chống xâm thực càng làm cho biển Mũi Né xấu đi.

6 cách cung cấp nước để thận khỏe mạnh trong mùa hè

Việc cung cấp đủ nước cho cơ thể là chìa khóa vàng để thận khỏe mạnh. Hydrat hóa đầy đủ giúp thận lọc sạch chất thải hiệu quả, đồng thời giảm gánh nặng và nguy cơ mắc các bệnh về thận.