"Sốt cỏ" đột ngột giữa đêm
Từ đầu tháng 3 đến nay, chị Trần Thanh Thảo (30 tuổi, quê tại tỉnh Thanh Hóa), lao động Việt tại Nhật Bản, hiếm khi có giấc ngủ ngon vì mắc căn bệnh sốt cỏ khô hay còn gọi là dị ứng phấn hoa.

Nhiều lao động Việt tại Nhật chịu ảnh hưởng không nhỏ về sức khỏe, công việc, cuộc sống vì căn bệnh sốt cỏ khô (Ảnh cắt từ clip: N.B).
2 năm đầu sang Nhật Bản, chị Thảo thỉnh thoảng vẫn nghe các cơ quan quản lý sở tại cảnh báo về căn bệnh này nhưng sức khỏe vẫn bình thường nên chị nghĩ mình không mắc bệnh. Khu vực TP Shizuoka nơi chị sinh sống nằm trong diện có độ che phủ phấn hoa của cây tuyết tùng ở mức khá cao.
Đến đầu tháng 3 năm nay, một hôm dậy đi làm như thường lệ thì chị Thảo bỗng dưng thấy ngứa, nóng rát ở mắt. Sau đó, chị liên tục bị hắt xì, chảy nước mũi và khó thở. Những tưởng bản thân bị cảm sốt thông thường, chị Thảo đến bệnh viện khám thì được chẩn đoán bị dị ứng phấn hoa.
Chi phí điều trị tốn kém, nữ lao động không đến bệnh viện nữa, sau đó toàn tự mua thuốc xịt mũi.
"Tôi cứ nghĩ chỉ cần dùng thuốc thì sẽ khỏi nhưng tình trạng ngày càng nặng hơn. Tôi bị khó thở nên hầu như đêm nào cũng mất ngủ. Sáng dậy lờ đờ, không còn tâm trí để làm việc. Công ty không tạo điều kiện cho lao động bị dị ứng phấn hoa nên tôi đành vật vờ đến chỗ làm mỗi ngày, cố chờ cho qua mùa phấn hoa", chị Thảo nói.
Những ngày gần đây, mặt sưng húp, hắt xì nhiều nên mũi chị Thảo lúc nào cũng đau nhức, thậm chí chảy máu. Nghĩ đến khoản lương 40 triệu đồng/tháng, chị Thảo tiếc lắm mà bất lực đến òa khóc khi không còn chút sức lực hay tinh thần để đi làm.
"Nếu tình trạng ngày càng diễn biến nặng và có khả năng nguy hiểm đến tính mạng, tôi buộc phải tính việc quay về Việt Nam lánh nạn một thời gian", chị Thảo than thở.
Anh Lê Thắng, lao động Việt sống tại Yokohama (Nhật Bản) cũng vô cùng khổ sở vì bị dị ứng phấn hoa. Gương mặt anh sưng phù vào buổi sáng khiến mắt híp lại, có lúc không thể mở nổi để nhìn xung quanh.

Nam lao động bị sưng mặt, mắt lúc nào cũng chảy nước ướt nhoèn (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
"Các triệu chứng thường thấy là hắt xì, ngứa mắt, khó thở. Mắt, mũi cứ chảy nước liên tục, tình trạng kéo dài cả mùa không khỏi. Gần 1 tháng qua, tôi mệt đến mức không thể làm gì. Công việc bị ảnh hưởng, sa sút nhưng tôi không còn cách nào khác ngoài việc chịu đựng", anh Thắng nói.
Nhật Bản cảnh báo sốt cỏ khô
Mùa dị ứng phấn hoa tại Nhật Bản, được gọi là "Kafunsho", khi các cây như tuyết tùng (Sugi) và bách (Hinoki) vào giai đoạn sinh trưởng xuân hè, phát tán phấn hoa. Tháng 3 năm nay, mức độ phát tán phấn hoa sẽ đạt đỉnh ở mức kỷ lục, ảnh hưởng đến hàng triệu người dân với tỷ lệ cứ 3 người Nhật thì có 1 người bị sốt cỏ khô.
Thành phố Hirado (tỉnh Nagasaki) đã cho xây dựng một tòa nhà trên đảo Azuchi - Oshima, nơi không bị ảnh hưởng bởi phấn hoa của cây tuyết tùng để lánh nạn. Đảo hiện có 870 người dân đang sinh sống, được trang bị đầy đủ về cơ sở hạ tầng, hệ thống kết nối Internet.
Chính quyền địa phương dự kiến sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp thuê tòa nhà này để làm văn phòng, cho nhân viên mắc sốt cỏ khô được làm việc từ xa.
Hiệp hội thời tiết Nhật Bản cho rằng nguyên nhân là do nhiệt độ cao và nắng kéo dài trong mùa hè năm 2024, tạo điều kiện lý tưởng cho sự hình thành nụ hoa từ sớm.
Dự kiến, số lượng người bị sốt cỏ khô sẽ tăng cao, đặc biệt là khi nhiệt độ đang ấm dần. Những người trong độ tuổi 10-19 là nhóm có nguy cơ dị ứng phấn hoa cao nhất.

Gần một nửa dân số tại Tokyo, Nhật Bản bị mắc sốt cỏ khô (Ảnh: AFP).
Chính phủ khuyến cáo người dân hạn chế ra khỏi nhà, tiêm ngừa, đeo khẩu trang hoặc sử dụng thiết bị y tế để bảo vệ bản thân.
Những khu vực như Kagoshima, Fukuoka, Kochi và Hiroshima đang có mức độ cảnh báo dị ứng phấn hoa rất cao. Trong khi đó, các thành phố như Osaka, Nagoya, Tokyo, Kanazawa, Niigata và Sendai được đánh giá ở mức độ cực kỳ cao.
Thủ tướng Fumio Kishida đã công bố các biện pháp nhằm giải quyết vấn đề này. Trước đó, tháng 5/2023, chứng kiến thiệt hại kinh tế từ căn bệnh sốt cỏ khô, Nhật Bản đề ra mục tiêu giảm một nửa lượng phấn hoa phát tán trong 30 năm.
Chính phủ đã tăng số lượng gỗ được khai thác từ 50.000ha lên 70.000ha, với mục tiêu giảm khoảng 20% diện tích của những khu rừng trồng cây tuyết tùng vào năm 2033.
Tuy nhiên đến nay, tiến độ thực hiện đang diễn ra khá chậm do tình trạng thiếu hụt lao động và thị trường khai thác gỗ tuyết tùng vẫn chưa có tín hiệu khả quan.