Phong cách sống

Lần đầu tiên: Sản xuất vải từ lá dứa quy mô lớn, cung cấp đại trà, biến 1 triệu tấn lá dứa thành 18 tấn tơ, vải sinh thái mỗi tháng, dự kiến sản lượng sẽ tăng lên 50 tấn/tháng vào cuối 2025

Lần đầu tiên: Sản xuất vải từ lá dứa quy mô lớn, cung cấp đại trà, biến 1 triệu tấn lá dứa thành 18 tấn tơ, vải sinh thái mỗi tháng, dự kiến sản lượng sẽ tăng lên 50 tấn/tháng vào cuối 2025- Ảnh 1.

Sau hơn 3 năm nghiên cứu, thử nghiệm và phát triển ý tưởng “Biến tài nguyên dứa tự nhiên chưa được tận thu sau canh tác thành sợi vải tự nhiên bằng phương thức sản xuất đại trà”, Bảo Lân Textile và Ecofa Việt Nam đồng chính thức giới thiệu tơ, sợi, vải sinh thái Ananas được sản xuất từ xơ lá dứa, một phế phẩm nông nghiệp phổ biến tại Việt Nam.

Được bảo hộ thương hiệu bởi Cục sở hữu Trí tuệ, Ananas (lấy theo tên khoa học của dứa) đánh dấu lần đầu Việt Nam thành công sản xuất quy mô lớn một chất liệu dệt may sinh thái gốc xơ thực vật. Đồng thời, cũng là lần đầu tiên, tơ, sợi, vải dứa eco xuất xứ Việt Nam có thể cung cấp đại trà đến các nhà sản xuất sợi - vải, nhãn hàng may mặc - thời trang - phụ kiện - nội thất… (Trước đó, sợi vải dứa hầu như chỉ được thực hiện thủ công với số lượng nhỏ).

Đây cũng là lần đầu tiên thị trường sợi vải eco made-in-Vietnam đảm bảo chuỗi cung ứng nguyên liệu dệt may minh bạch nguồn gốc Việt (originated-in-Vietnam), từ thu hoạch lá dứa, tách xuất xơ thô, đến sản xuất tơ, cung cấp sợi, phân phối vải dệt thành phẩm…

Lần đầu tiên: Sản xuất vải từ lá dứa quy mô lớn, cung cấp đại trà, biến 1 triệu tấn lá dứa thành 18 tấn tơ, vải sinh thái mỗi tháng, dự kiến sản lượng sẽ tăng lên 50 tấn/tháng vào cuối 2025- Ảnh 2.

Tách xuất xơ thô từ lá dứa bằng dây chuyền tự động.

Biến lá dứa thành tơ, vải - Bước ngoặt lớn cho sự kết nối giữa ngành nông nghiệp trồng dứa Việt Nam và xu thế thời trang xanh

Là cây ăn trái phổ biến ở Đông Nam Á, vải dứa được biết đến khoảng thế kỷ 17, nhiều nhất tại Philippines. Tuy nhiên, tất cả công đoạn làm vải phức tạp chỉ bằng công cụ thô sơ, không thể dệt ra nhiều thành phẩm; cộng thêm giá cả đắt đỏ khiến nó không được nhiều người sử dụng. “Chất liệu xa xỉ” dần bị lãng quên khi vải dệt công nghiệp giá rẻ lên ngôi sau thế kỷ 19.

Xu hướng Sống Xanh đã thúc đẩy làn sóng khởi nghiệp Đông Nam Á “tái sinh” vải dứa để ứng dụng rộng rãi vào đời sống đương đại. Gia nhập cuộc đua trở thành nhà sản xuất tiên phong cung cấp đại trà sợi vải dứa, Việt Nam đã cho ra đời Ananas.

Đây là thành quả hợp tác chiến lược giữa Ecofa Việt Nam - đơn vị Sản Xuất Tơ Dứa (cottonized fiber) và Bảo Lân Textile - đơn vị Phát triển & Cung cấp các giải pháp R&D sợi vải theo yêu cầu cho các doanh nghiệp dệt may, thương hiệu thời trang.

Lần đầu tiên: Sản xuất vải từ lá dứa quy mô lớn, cung cấp đại trà, biến 1 triệu tấn lá dứa thành 18 tấn tơ, vải sinh thái mỗi tháng, dự kiến sản lượng sẽ tăng lên 50 tấn/tháng vào cuối 2025- Ảnh 3.

Tơ được sản xuất ra từ lá dứa.

Xuất hiện bằng phương thức phi-truyền-thống, câu chuyện Ananas minh chứng cho tư duy “làm chủ khái niệm đến sản xuất”. Thử nghiệm và cải tiến Ananas suốt 3 năm đỉnh điểm dịch bệnh Covid-19 toàn cầu, Bảo Lân & Ecofa không chỉ bổ sung thêm sản phẩm mới cho thị trường sợi vải sinh thái made-in-Vietnam, mà còn làm giàu hơn giá trị thụ hưởng khách hàng có thể nhận, nhằm cải thiện nhận thức, niềm tin về nguyên liệu Việt, đó là chuỗi cung ứng nguyên liệu dệt may minh bạch nguồn gốc – một trong các tiêu chí chọn nhà cung cấp của các nhãn hàng thời trang toàn cầu.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng thư ký Hiệp Hội Dệt may Việt Nam (VITAS) chia sẻ: “Trong bối cảnh ngành dệt may trong nước và thế giới vẫn còn đang thiếu nguyên liệu sản xuất hướng đến Thời Trang Xanh, việc Bảo Lân Textile cùng Ecofa Việt Nam thành công nghiên cứu & sản xuất đại trà, khép kín tơ sợi dứa đủ chất lượng làm vải may mặc, có tác động rất tích cực đến nhu cầu & sự phát triển ngành dệt may, không chỉ trong biên giới Việt Nam”.

“Thành quả đánh dấu bước ngoặt lớn cho sự kết nối giữa ngành nông nghiệp trồng dứa Việt Nam và xu thế Thời Trang Xanh toàn cầu”, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai nói thêm.

Như vậy, lần đầu tiên, chất liệu từng chỉ phục vụ số ít người “có điều kiện” ở những thế kỷ trước, nay đã có thể dễ dàng tiếp cận người dùng đại chúng; càng ý nghĩa hơn khi nhu cầu về sợi vải sinh thái không ngừng tăng với cả xu hướng thời trang thương mại và thời trang ứng dụng đương đại.

“Bắt tay” với nông dân, hợp tác xã để tái chế lá dứa thành nguyên liệu dệt sinh thái

“Biến phế phẩm trồng dứa thành sợi vải may mặc” không phải là khái niệm mới. Quy trình được hiểu đơn giản là tách xuất xơ dứa thô (cùng màu & độ dài) từ lá, rồi “bông” xơ thô thành tơ (đảm bảo đồng đều màu, độ ẩm, dài & mảnh). Lúc này, tơ dứa mới được dùng kéo sợi, dệt vải.

Sản xuất được tơ dứa “bông” ở quy mô lớn là yếu tố quyết định thành công của ý tưởng “sản xuất đại trà sợi vải dứa cho người dùng đại chúng”. Vì các phương thức kéo sợi bằng xơ dài thủ công không thể tạo ra sản lượng tơ đủ tiêu chuẩn vào nhà máy sợi, dệt. Thực tế, nhiều đơn vị khởi nghiệp trong khu vực đã thất bại ở bước này. Nhưng Ecofa Việt Nam, dựa vào thế mạnh kỹ thuật đã làm được thành công.

Hợp tác với nông dân và hợp tác xã Điện Biên, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Tiền Giang để thu hoạch lá dứa, Ecofa Việt Nam tiến hành sản xuất “bông” tơ dứa bằng máy do nhà sáng lập, kỹ sư trẻ Đậu Văn Nam sáng chế.

Lần đầu tiên: Sản xuất vải từ lá dứa quy mô lớn, cung cấp đại trà, biến 1 triệu tấn lá dứa thành 18 tấn tơ, vải sinh thái mỗi tháng, dự kiến sản lượng sẽ tăng lên 50 tấn/tháng vào cuối 2025- Ảnh 4.

Thử nghiệm bắt đầu vào giữa năm 2021. Đầu năm 2024, Ecofa đã có thể cung cấp 18 tấn Tơ Dứa (pineapple cottonized fiber) từ hơn 1 triệu tấn lá dứa thu hoạch mỗi tháng. Dự kiến sản lượng sẽ tăng lên 50 tấn/ tháng vào cuối năm 2025.

“Sở dĩ trước đó, việc tái chế tài nguyên dứa tự nhiên sau canh tác thành tơ sợi hữu ích cho dệt may chưa hiện thực hóa tại Việt Nam là bởi những hạn chế về máy móc, thiết bị, công nghệ. Ecofa Việt Nam có thế mạnh này; và chúng tôi không muốn bỏ lỡ cơ hội là người đầu tiên. Quy trình sản xuất Tơ Dứa quy mô lớn bằng máy được hoàn thiện dần qua nhiều năm thử nghiệm thất bại”. Nhà sáng lập Đậu Văn Nam chia sẻ. Trên hành trình này, họ đã tìm được đối tác cùng chí hướng là Bảo Lân Textile, một đơn vị có chuyên môn trong lĩnh vực R&D sợi vải sinh thái.

Lần đầu tiên: Sản xuất vải từ lá dứa quy mô lớn, cung cấp đại trà, biến 1 triệu tấn lá dứa thành 18 tấn tơ, vải sinh thái mỗi tháng, dự kiến sản lượng sẽ tăng lên 50 tấn/tháng vào cuối 2025- Ảnh 5.

Sợi được sản xuất từ lá dứa.

Công ty cho biết quy mô sản xuất càng lớn sẽ giúp thúc đẩy càng nhiều chỉ số tích cực, như: tạo sinh kế & tăng nguồn thu nhập cho người nông dân, kiểm soát & giảm thiểu những tác động xấu đến môi trường do phế phẩm nông nghiệp Việt Nam, cải thiện sức khỏe đất trồng trọt, bảo vệ hệ vi sinh vật dưới tầng canh tác, và đặc biệt, góp phần xây dựng mạng lưới kinh tế tuần hoàn địa phương…

Theo đó, Ecofa sẽ cung cấp tơ dứa cho Bảo Lân Textile để dệt thành vải phục vụ ngành dệt, may mặc, thời trang, nội thất, với thương hiệu là Ananas. Tùy mục đích sử dụng, tơ lá quả dứa pha có thể pha trộn tùy chỉnh với các sợi sinh thái khác như bông hữu cơ (organic cotton), bamboo biocell, lụa, len,...

“Sợi vải dứa là một chất liệu đã tồn tại nhưng chúng tôi đã cùng nhau phát triển như một thương hiệu mới mang tinh thần khởi nghiệp. Câu chuyện hấp dẫn của nó chắc chắn sẽ được đại chúng đón nhận”, ông Dave Quách - nhà sáng lập Bảo Lân Textile nói.

Sản phẩm được Viện Nghiên cứu Dệt may TP.HCM (VTRSI-TTC) và Tổ chức Kiểm tra & phân tích kỹ thuật Nissenken (Nhật Bản) cấp chứng nhận cho 4 tính năng vượt trội, gồm: Độ bền vải, Khử mùi tự nhiên trên sợi, Kháng khuẩn tự nhiên trên sợi, Chống UV tự nhiên trên tơ lên đến 50+UPF.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm