Tại phiên toàn thể - Toạ đàm cấp cao thuộc khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 tổ chức ngày 18/9, TS.Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia Việt Nam có những khuyến nghị về vấn đề lãi suất trong bối cảnh hiện nay.
Có nhiều nhận định, đánh giá khác nhau về vấn đề này nhưng theo ông có ba mục tiêu chính. Thông thường khi lãi suất tăng lên, thì cầu giảm, đó là điều mong muốn để hạ bớt cầu về tín dụng ở các quốc gia đang có lạm phát cao, làm dịu bớt thị trường lao động nóng.
Sau đại dịch COVID-19, các nước sử dụng biện pháp tăng tiền lương để kéo lao động thì lại rơi vào một hiệu ứng nan giải: Giá tăng khiến tiền lương tăng, tiền lương tăng làm cho giá tăng.
Bên cạnh đó, tăng lãi suất suy cho cùng là làm cho đồng nội tệ tăng lên, hễ lãi suất tăng lên thì tỷ giá sẽ giảm xuống. Việt Nam cũng như vậy, muốn cho VND tăng giá, NHNN chỉ cần tăng lãi suất lên là VND sẽ tăng giá, USD sẽ giảm giá. Chính vì vậy, việc sử dụng lãi suất là điều quan trọng. Ông cũng khuyến nghị lãi suất Việt Nam cố gắng ổn định là tốt nhất.
"Ngày trước khi lạm phát thấp, chính sách tiền tệ của Việt Nam là phải hạ lãi suất, giờ lạm phát tăng cao không thể hạ lãi suất được, nhưng nếu tăng lãi suất thì chúng ta đều biết rằng lãi suất danh nghĩa trừ lạm phát kỳ vọng bằng lãi suất thực dương vẫn còn cao", ông nói thêm.
Vấn đề thứ hai là về tỷ giá, TS.Trương Văn Phước nhấn mạnh, Việt Nam phải giữ cho bằng được ổn định tỷ giá. Đây là “phòng tuyến sông Cầu”, nếu vỡ phòng tuyến này thì lạm phát sẽ tràn vào.
Thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã làm tốt việc này giữ tỷ giá trung tâm khoảng 0,6 và cho thị trường dao động trong biên độ cộng trừ 3%. Như vậy là sự lan truyền của lạm phát vào Việt Nam sẽ bị ngưng lại bởi phòng tuyến tỷ giá.
Cũng theoTS.Trương Văn Phước, Ngân hàng Nhà nước đứng trước hai khó khăn, nếu ổn định tỷ giá thì phải can thiệp, mà can thiệp trong bối cảnh xuất khẩu cũng không dễ dàng.
"Ngân hàng Nhà nước nên nghiên cứu để mở rộng đối tượng cho vay ngoại tệ xem như là cầu về ngoại hối hiện nay sẽ dịch chuyển vào trong tương lai. Đây là vấn đề cân nhắc và sự đánh đổi đó là hết sức cần thiết cho Việt Nam", ông Phước nói.
Ông cho biết thêm hiện Việt Nam không tăng lãi suất mà vẫn kiểm soát được cung tiền vì chúng ta có hạn mức tín dụng. Theo ông cần duy trì hạn mức tín dụng trong một thời gian nữa, cho đến khi Việt Nam và thế giới kiểm soát được lạm phát.
Cũng thảo luận về vấn đề lãi suất, GS.Andreas Hauskrecht - Đại học Indiana, Mỹ kiến nghị Việt Nam không nên giảm giá tiền đồng bởi điều này có thể gây bất ổn tài chính. GS.Andreas Hauskrecht cũng đề xuất Việt Nam không nên tăng lãi suất hay sử dụng các công cụ tài chính mà nên sử dụng các chính sách tài khóa an toàn.