Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây đã công bố dữ liệu tiền gửi khách hàng vào hệ thống tổ chức tín dụng đến cuối tháng 10/2022.
Theo đó, sau khi các ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất huy động kể từ cuối tháng 9 đến nay, tiền gửi của khách hàng cá nhân tại hệ thống tổ chức tín dụng đã tăng mạnh trở lại.
Cụ thể, tổng tiền gửi tại hệ thống ngân hàng đã đạt hơn 11,42 triệu tỷ đồng, tăng 5.766 tỷ đồng so với cuối tháng 9. Trong đó, động lực tăng trưởng tín dụng chính đến từ nhóm khách hàng dân cư.
Theo Ngân hàng Nhà Nước, trong tháng 10 lượng tiền gửi của khách hàng doanh nghiệp ghi nhận sụt giảm 15.811 tỷ đồng xuống còn hơn 5,76 tỷ đồng. Trong khi đó, thống kê cho thấy, tiền gửi dân cư tăng thêm 21.577 tỷ đồng trong tháng 10 lên hơn 5,66 triệu tỷ đồng.
Đây cũng mức tăng hàng tháng cao nhất kể từ tháng 7. Tương đương mỗi ngày người dân mang gần 700 tỷ đồng đi gửi tiết kiệm.
Lượng tiền gửi tiết kiệm của người dân tăng mạnh trở lại trong tháng 10/2022
Trước đó, mặc dù vẫn có tăng trưởng trong các tháng của quý 3 nhưng mức tăng đã chậm lại rõ rệt so với đầu năm.
Cụ thể, trong tháng 7, lượng tiền gửi tiết kiệm của người dân tăng lên so với tháng 6 chỉ 9.601 tỷ đồng. Trong tháng 8 lượng tiền gửi ngân hàng khu vực dân cư cũng chỉ tăng thêm gần 8.000 tỷ đồng so với tháng 7. Thậm chí đến tháng 9, lượng tiền người dân gửi tiết kiệm tăng thêm so với tháng liền trước chỉ là hơn 1.400 tỷ đồng.
Việc người dân mang lượng tiền lớn gửi tiết kiệm trong tháng 10 diễn ra trong bối cảnh từ cuối tháng 9 tới nay các ngân hàng đã đồng loạt tăng mạnh lãi suất huy động dành cho khách hàng cá nhân, đưa lãi suất kỳ hạn dài lên mức 9-10%/năm. Thậm chí có ngân hàng đã đưa ra mức lãi suất tiết kiệm lên tới 11,5%/năm để huy động lượng tiền nhàn rỗi từ khách hàng.
Thậm chí, lãi suất huy động tiết kiệm tiền đồng tiếp tục không ngừng tăng lên vào những ngày đầu tháng 12. Ngày 10/12, Ngân hàng số Cake by VPBank tăng lãi suất huy động 6 tháng lên 9,8%/năm, từ 12 tháng trở lên 9,95%/năm.
Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) tăng lãi suất tiết kiệm online kỳ hạn 6 - 8 tháng lên 9%/năm; 9 - 11 tháng lên 9,1%/năm; 13 tháng trở lên 9,3%/năm. Ngoài ra, OCB còn áp dụng lãi suất đối với các khoản tiền gửi tiết kiệm điện tử giúp khách hàng có thể hưởng lãi tiết kiệm cao nhất lên tới 10,5%/năm.
Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) mới đây đã tăng lãi suất lên mức cao nhất 9,7%/năm ở kỳ hạn từ 10 tháng trở lên, từ 6 - 9 tháng có mức lãi 9,5%/năm; dưới 6 tháng đồng loạt ở mức 6%/năm…
Theo thống kê của các công ty chứng khoán, mặt bằng lãi suất huy động hiện nay đã tăng khoảng 3-4%/năm so với cuối năm 2021 và cao hơn so với trước dịch Covid-19. Lãi suất cao, trong khi các kênh đầu tư khác như chứng khoán và bất động sản kém hấp dẫn hơn trước đã khiến dòng tiền nhàn rỗi của người dân chảy mạnh vào ngân hàng.
So với cuối năm 2021, lãi suất huy động của hệ thống ngân hàng hiện nay đã tăng khoảng 3% - 4% ở các kỳ hạn trên 6 tháng và trên 12 tháng và vẫn chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”.
Tuy nhiên, trước việc một số đơn vị đẩy lãi suất huy động lên 11-12% một năm, trong một hội nghị mới tổ chức Hiệp hội ngân hàng đề xuất với các hội viên mức lãi (gồm cả phần khuyến mại) cao nhất chỉ 9,5%/năm, điều này nhằm ổn định mặt bằng huy động, đảm bảo an toàn thanh khoản hệ thống.
Trước lời kêu gọi này, đại diện các tổ chức tín dụng cho biết thống nhất quan điểm chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và ủng hộ đề xuất giới hạn trần lãi suất huy động ở mức 9,5%.
Phó thống đốc Đào Minh Tú cũng cho biết đã quán triệt các ngân hàng giảm lãi suất huy động, giảm lãi suất cho vay theo quy mô và tiềm lực của từng tổ chức tín dụng. Ông yêu cầu giảm lãi suất nhưng không để các ngân hàng suy yếu về năng lực tài chính. Đồng thời, các nhà băng cũng không thể để lãi suất tăng đến mức gây ra những khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.
"Giảm lãi suất quan trọng nhất là cắt giảm chi phí hoạt động và lợi nhuận, và cổ đông phải chia sẻ", ông Đào Minh Tú nói.