Theo tổng hợp mới đây của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), lãi suất huy động (LSHĐ) 12 tháng trung bình tại các ngân hàng trong tháng 1 tiếp tục tăng thêm 0,07 điểm % so với tháng 12/2022, lên mức 8,49%/năm. Như vậy, LSHĐ 12 tháng đã tăng 2,68 điểm % so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, kỳ hạn 6 tháng trung bình đạt 7,92% tăng thêm 0,11 điểm % so với mức trung bình của tháng 12 và tăng 2,92 điểm % so với cùng kỳ 2022.
Theo BVSC, áp lực tăng của cả 2 loại kỳ hạn trên chủ yếu tới từ nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần, trong khi các ngân hàng có gốc quốc doanh không thực hiện tăng lãi suất đối với kỳ hạn 12 tháng, và chỉ tăng nhẹ đối với kỳ hạn 6 tháng.
Nhóm phân tích cho rằng, áp lực tăng lãi suất sẽ vẫn còn khi các NHTW trên thế giới vẫn còn có các kế hoạch tăng lãi suất, ít nhất trong đầu năm 2023, đặc biệt là Fed. Bên cạnh đó, khi dư nợ tín dụng trong hệ thống trong năm vừa rồi đã vượt mức huy động, các ngân hàng trong nước cũng có áp lực thu hút tiền gửi nhằm đảm bảo các chỉ tiêu an toàn vốn, do đó có thể phải thực hiện tăng lãi suất.
Ngoài ra, NHNN cũng còn nhiệm vụ ổn định giá cả, đặc biệt trong những tháng đầu năm nay khi áp lực lạm phát đã bắt đầu từ quý 4/2022 và vẫn đang còn rất lớn (BVSC dự báo có thể vượt mục tiêu lạm phát 4,5% trong các tháng đầu năm). Do đó, lãi suất khó có thể có diễn biến giảm ngay trong các tháng đầu năm 2023.
Không chỉ BVSC, nhiều tổ chức phân tích khác cũng dự báo lãi suất huy động sẽ tiếp tục tăng trong nửa đầu năm 2023.
Trong báo cáo phân tích mới phát hành, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định, lãi suất huy động vẫn còn dư địa tăng trong năm 2023. Cụ thể, áp lực lớn nhiều hơn vào thời điểm 6 tháng đầu năm, sau đó lãi suất huy động dự báo đi ngang hoặc thậm chí hạ nhiệt vào nửa cuối năm.
Theo VCBS, quá trình tăng lãi suất NHTW lớn trên thế giới tiếp diễn ít nhất cho tới tháng 6 năm 2023. Sau sự việc liên quan đến ngân hàng SCB, Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định ưu tiên cao nhất của là đảm bảo thanh khoản, giữ ổn định an toàn hệ thống. Tuy vậy, trong môi trường không thuận lợi, lãi suất còn dư địa tăng, NHTM cổ phần vừa và nhỏ sẽ buộc phải giữ mức lãi suất cao để đảm bảo nhu cầu huy động.
Trên cơ sở đó, VCBS dự báo, lãi suất huy động dự báo đạt đỉnh trong 6 tháng đầu năm 2023 với mức tăng 1 - 1,5 điểm %.
Tương tự, FiinGroup cũng đánh giá, lạm phát trên thế giới hiện vẫn khá cao so với mục tiêu và do đó, FED được dự báo sẽ tăng thêm lãi suất điều hành và duy trì ở mức 5% đến cuối năm 2023 (hiện tại là 4,33%) cũng như tiếp tục chính sách thắt chặt định lượng, làm tăng rủi ro suy thoái ở các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam.
Ở trong nước, hoạt động cho vay gặp khó, ách tắc về giải ngân vốn đầu tư công và thiếu vắng các biện pháp mang tính hỗ trợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản đang khiến tình trạng “nghẽn” thanh khoản chưa thể sớm cải thiện.
Như vậy, môi trường vĩ mô bên trong và bên ngoài đều chưa ủng hộ cho một xu hướng giảm về lãi suất trong ít nhất 6-12 tháng tới.
Trong khi đó, Chuyên gia kinh tế TS. Đinh Thế Hiển cho rằng dòng tiền sẽ tiếp tục tìm đến kênh tiền gửi ngân hàng trong thời gian tới, qua đó giúp kìm hãm đà tăng của lãi suất.
''Hiện nay, mặc dù các ngân hàng đã khống chế lãi suất không để vượt quá 9,5% song đây vẫn là mức tương đối cao trong nhiều năm trở lại đây. Đồng thời, các nhà băng lớn như nhóm Big 4 hiện cũng chỉ đang niêm yết mức lãi suất quanh mức 7-8%/năm. Thậm chí với các kỳ hạn dài, các ngân hàng này cũng để mức lãi suất không quá cao. Điều đó như một tín hiệu cho thấy lãi suất thời gian tới sẽ không tiếp tục tăng'', ông Hiển nhận định.
Theo dự báo của vị chuyên gia này, phổ lãi suất huy động trong quý 1/2023 sẽ ở mức 6,5-7% đối với các ngân hàng lớn, chất lượng tốt và 8-9% đối với các nhà băng nhỏ. Dự kiến hết quý 2 thì lãi suất sẽ trở lại bình thường quanh 7%.