Theo một thống kê gần đây của Bộ Công an, trong các vụ tai nạn giao thông đường bộ, tỷ lệ tai nạn do uống bia rượu chiếm từ 70 - 90%. Còn theo thống kê của Bộ Y tế, nước ta đứng thứ hai khu vực Đông Nam Á, thứ 10 châu Á và thứ 29 trên thế giới về tiêu thụ rượu, bia. Những dịp trước và sau Tết, hay vào các dịp lễ, tình trạng sử dụng rượu bia lại tăng vọt, kéo theo nguy cơ tai nạn giao thông. Rượu bia được cảnh báo là chất gây ảo giác nặng với hệ thần kinh, làm hệ thần kinh mất khả năng tự chủ, khả năng định hướng, khả năng điều khiển vận động. Do say xỉn không làm chủ được tay lái, khó xử lý tình huống, nhiều người đã vô tình gieo “án tử” không hẹn trước cho những người cùng tham gia giao thông hoặc có khi, họ tự gieo “án tử” cho cả chính mình.
Ảnh minh họa: KT
Luật sư Nguyễn Văn Hưng - Giám đốc Công ty luật Phúc Khánh Hưng cho biết: "Sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm. Nếu vi phạm thì tùy theo mức độ, người vi phạm sẽ bị xử lý theo các chế tài khác nhau từ xử phạt vi phạm hành chính đến xử lý hình sự."
Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định:
- Đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô:
+ Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở. Người điều khiển xe còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng.
+ Phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở. Người điều khiển xe còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng.
+ Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở; Hoặc không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ. Người điều khiển xe còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng.
- Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy:
+ Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở. Hình phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng Giấy phép lai xe từ 10 tháng đến 12 tháng.
+ Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người điều khiển xe không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma túy, nồng độ cồn của người thi hành công vụ; Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Hình phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng.
+ Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở; Hoặc không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ. Người điều khiển xe còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng./.