Kênh gửi tiền tiết kiệm lấy lại sức hấp dẫn
Sau thời gian dài liên tục "dò đáy", lãi suất huy động tiền gửi từ người dân tại nhiều ngân hàng, bao gồm cả các ngân hàng lớn đã đảo chiều nhích tăng.
Cụ thể, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cuối tuần qua đã tăng lãi suất ở mức 0,2%/năm cho các kỳ hạn dưới 12 tháng. Đây là lần đầu tiên trong suốt hơn 1 năm qua, BIDV điều chỉnh lãi suất đi lên.
Lãi suất huy động trực tuyến tại BIDV kỳ hạn từ 1-3 tháng lên mức từ 2-2,3%/năm, kỳ hạn 6-11 tháng lên 3,3%/năm. Các kỳ hạn còn lại giữ nguyên mức cũ, lãi suất cao nhất tại BIDV là 4,8%/năm.
Trước đó, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) cũng tăng nhẹ 0,2%/năm lãi suất đối với khách hàng gửi tiền từ 300 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng và tăng 0,4%/năm đối với khách hàng gửi tiền trên 1 tỷ đồng, áp dụng cho kỳ hạn dưới 11 tháng.
Thêm vào đó, lãi suất cao nhất tại VietinBank quay trở lại mốc 5%/năm dành cho khách hàng gửi từ 300 triệu đồng trở lên, kỳ hạn từ 11 - 36 tháng.
Không riêng BIDV hay VietinBank, xu hướng tăng lãi suất huy động còn được ghi nhận tại một loạt các ngân hàng như: Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVBank), Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB), Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB), Ngân hàng TMCP Phát triển Tp. Hồ Chí Minh (HDBank)...
Thậm chí, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) và Ngân hàng TMCP Kiên Long (KienLongBank) còn tăng lãi suất tới 2 lần trong tháng tại một số kỳ hạn. Bước tăng lãi suất phổ biến từ 0,1-0,4%/năm tùy từng kỳ hạn.
Đáng chú ý, bước tăng lãi suất mạnh nhất trong vòng 1 tháng qua được ghi nhận tại Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Đại Dương (OceanBank) khi ngân hàng này tăng mạnh tới 0,9%/năm lãi suất kỳ hạn 36 tháng lên niêm yết ở mức 6,1%/năm. Đây là mức lãi suất đánh dấu sự trở lại của mốc huy động 6%/năm trong hệ thống ngân hàng và cũng là mức cao nhất được áp dụng dành cho khách hàng gửi tiền thông thường.
Còn đối với các khoản tiền gửi lớn hơn, từ vài trăm đến hàng nghìn tỷ đồng, lãi suất đặc biệt tại một số ngân hàng sẽ cao hơn. Đơn cử tại Ngân hàng TMCP Đông Á (Dong A Bank), khách hàng gửi tiền từ 200 tỷ đồng trở lên kỳ hạn 13 tháng sẽ được nhận lãi suất 7,5%/năm. Hay tại Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB), khách hàng gửi tiền từ 500 tỷ đồng trở lên kỳ hạn 13 tháng, lãi suất là 8%/năm
Mức cao hơn nữa còn có Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) áp dụng lãi suất 9,5%/năm cho khách hàng mở mới từ 2.000 tỷ đồng trở lên kỳ hạn 12 và 13 tháng.
Lãi suất cao nhất hệ thống hiện tại là 9,65%/năm tại Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) dành cho các trường hợp gửi tiết kiệm từ 1.500 tỷ đồng trở lên, kỳ hạn 13 tháng, lãi cuối kỳ và phải có phê duyệt của tổng giám đốc.
Lãnh đạo một số ngân hàng dự báo lãi suất huy động từ nay đến cuối năm có thể nhích tăng nhưng không nhiều, thậm chí chỉ đi ngang so với quý đầu năm.
Theo TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính, Học viện Tài chính, việc một số ngân hàng thương mại tăng lãi suất gần đây có thể đến từ một vài lý do. Thứ nhất, trong bối cảnh thị trường vàng và tỷ giá nóng lên, lượng tiền gửi ngân hàng của người dân có thể chuyển hướng và sụt giảm khiến các ngân hàng phải tăng lãi suất để tăng hấp dẫn cho kênh đầu tư này.
Thứ hai, bước sang quý II, cầu tín dụng cũng đã bắt đầu phục hồi đòi hỏi các ngân hàng phải tính đến việc huy động thêm vốn để chuẩn bị phục vụ nhu cầu tín dụng trong thời gian tới, nhất là khi hạn mức tín dụng cả năm đã được Ngân hàng Nhà nước phân bổ.
Lãi suất cho vay có đón đà tăng?
Về lý thuyết, việc tăng lãi suất huy động có thể kéo lãi suất cho vay tăng lên, làm tăng chi phí vốn cho các doanh nghiệp, tăng áp lực tài chính cho người vay.
Điều này có thể ảnh hưởng đến sức mua của người tiêu dùng và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, diễn biến thực tế hiện nay có thể không như vậy.
Kể từ đầu năm đến nay, các ngân hàng thương mại đã liên tục triển khai nhiều chương trình, gói tín dụng ưu đãi nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp. Hiện nay, lãi suất cho vay của một số gói tín dụng chỉ từ 2,5%-3%/năm cho vay ngắn hạn và 5%-6%/năm cho vay trung - dài hạn, thấp hơn so với chi phí vốn đầu vào của các ngân hàng thương mại.
Như tại Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVBank), lãi suất cho vay kinh doanh, mua nhà, mua xe hiện chỉ còn từ 5%/năm; Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) lãi suất từ 3%/năm cho nhu cầu vay của cá nhân và tổ chức đầu tư vào sản xuất kinh doanh ngắn hạn.
Còn tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), lãi suất cho vay 3%/năm với kỳ hạn 3 tháng áp dụng cho 5 lĩnh vực ưu tiên. Lãi suất cho vay thông thường áp dụng cho khoản vay ngắn hạn của Agribank hiện nay là 5%/năm và cho vay trung, dài hạn là 6%/năm, lãi suất cho vay thẻ tín dụng cao nhất là 13%/năm...
Chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định: Trong nửa sau của năm 2024, hoạt động tín dụng sẽ trở nên sôi động hơn khi các thành phần kinh tế vay vốn nhiều hơn phục vụ sản xuất kinh doanh và tiêu dùng.
Khi đó lãi suất cho vay có thể tăng trở lại, cùng nhịp tăng với lãi suất huy động. Còn tại thời điểm này, nhiều ngân hàng vẫn tiếp tục neo thấp lãi suất huy động và cho vay.
Dù vậy, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng lãi suất không phải "cây đũa thần" để vực dậy nền kinh tế.
Bởi lẽ dù thực tế lãi suất trong quý đầu năm ở mức rất thấp, giúp giảm gánh nặng về chi phí vốn cho doanh nghiệp nhưng số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động, phá sản trong 3 tháng đầu năm vẫn rất cao.
"Do đó, lãi suất tăng trong chừng mực kiểm soát được cũng có thể là một dấu hiệu tốt, là chiếc "van" điều hòa cân bằng cung cầu vốn trên thị trường. Vì khi lãi suất cao, người đi vay tiền sẽ cẩn trọng hơn và tính toán kỹ lưỡng, hiệu quả hơn trong vấn đề sử dụng vốn, tránh dùng vốn vay sai mục đích", ông Hiếu nhấn mạnh.
Đánh giá về khả năng điều chỉnh lãi suất của cơ quan quản lý, TS. Nguyễn Đức Độ cho rằng, kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn phục hồi nhưng tốc độ phục hồi còn tương đối chậm. Do vậy, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ chưa tăng lãi suất điều hành, còn việc có giảm hay không cũng khó dự bảo bởi lãi suất hiện tại cũng đang ở mức khá thấp.
Ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước trong cuộc họp gần đây cho biết: Điều hành lãi suất đòi hỏi phải hợp lý bởi có liên quan tới chính sách tỷ giá. Quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là hạ lãi suất nhưng phải phù hợp bối cảnh kinh tế vĩ mô và áp lực lạm phát.
Ngân hàng Nhà nước khẳng định chưa đặt vấn đề điều chỉnh lãi suất, dù tăng hay giảm mà duy trì lãi suất điều hành hiện nay và khuyến khích các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay nhất là ở các lĩnh vực ưu tiên.