"Cao, đẹp trai, hài hước, tốt bụng, yêu trẻ nhỏ, lương sáu con số... danh sách những điều mọi người muốn từ vợ/chồng đã tăng lên đáng kể trong những thập kỷ gần đây", Eli Finkel, giáo sư tâm lý xã hội tại Đại học Northwestern, tác giả sách The All-Of-Nothing Marriage, nói.
Tỷ lệ ly hôn ở một số quốc gia đã lên đến mức 50%. Theo giáo sư Finkel, lý do là do chúng ta quá lý tưởng hóa. "Nhận thức của chúng ta về hôn nhân đã thay đổi trong những năm gần đây, khiến chúng ta đòi hỏi nhiều hơn từ đối tác so với các cặp vợ chồng thế kỷ trước", Finkel nói.
Điều này thường khiến mọi người dựa vào bạn đời, để giúp họ cảm thấy có năng lực, tham vọng và hấp dẫn. Cuối cùng chúng ta sẽ đặt quá nhiều áp lực lên mối quan hệ, đó là lúc nó có thể tan vỡ.
Nhưng thay vì giải quyết, Finkel đề nghị vợ chồng nên thực tế hơn về những gì họ có thể nhận được từ đối tác của mình, tức hạ tiêu chuẩn và bớt đòi hỏi. Đồng thời nỗ lực biến những phẩm chất cụ thể đó trở nên tốt nhất có thể. Ví dụ, hãy dành thời gian chất lượng với đối tác và lên lịch cho các hoạt động để đảm bảo cả hai đều thống nhất về những gì mong đợi từ mối quan hệ.
Các lý thuyết của Finkel trùng khớp với một nghiên cứu của Sarah A. Vannier, Đại học Dalhousie (Canada), xem xét hậu quả của những kỳ vọng về mối quan hệ không được đáp ứng ở 300 thanh niên. Dù hầu hết những người tham gia đều ở độ tuổi 20 và chưa kết hôn, các nhà nghiên cứu nhận thấy nhiều kỳ vọng và thực tế về mối quan hệ của họ không khớp với nhau, khiến họ không hài lòng về mặt tình cảm.
Blogger Cathy Reisenwitz, Mỹ đồng ý với quan điểm này. Lý giải về việc cuộc hôn nhân của mình kết thúc, cô nhận ra vợ chồng không nên "trông đợi vào bất cứ ai".
"Hôn nhân, đối với hầu hết mọi người, có nghĩa là mong đợi một người khác đáp ứng tất cả các nhu cầu thực tế, tình cảm và tình dục, cả bây giờ và mãi mãi. Có thể tôi không lãng mạn, nhưng sự thật là mức độ kỳ vọng tỷ lệ thuận với mức độ thất vọng", cô nói.
(Theo Independent)