Ủy thác đầu tư và những kẽ hỡ trong vấn đề ủy thác không còn là vấn đề mới với các nhà đầu tư trên thị trường. Một năm trước đây khi thị trường chứng khoán thăng hoa, thị trường nở rộ những lời chào mời từ các môi giới, nhóm môi giới, nhóm cá nhân tới các nhà đầu tư về dịch vụ uỷ thác đầu tư chứng khoán.
Dưới sức nóng của thị trường khi đó, nhiều cổ phiếu tăng giá bằng lần và phần lớn nhà đầu tư được nhiều hơn mất. Nhưng khi bữa tiệc chứng khoán đến hồi tàn, VN-Index mất hơn 20% từ vùng đỉnh lịch sử, cổ phiếu rơi tự do khiến nhà đầu tư không nỡ cắt lỗ, lúc này những góc khuất mới dần được hé lộ.
Trong chương trình “Bí mật đồng tiền”, một khách mời đã chia sẻ câu chuyện bản thân cô đã bỏ ra tổng cộng 3,6 tỷ đồng để đầu tư chứng khoán. Tuy nhiên, nhân vật này đã phải cắt lỗ trong thời gian vừa qua với số lỗ là 1,7 tỷ đồng. Cô cho biết đã đầu tư theo sự hô hào của một người trong khu chung cư.
"Danh mục có một số mã mà mình chưa từng biết đến bao giờ. Thậm chí có những mã mà mình nghĩ trên thị trường nhiều người cũng không biết. Bản thân mình khi đầu tư vào cũng thấy tính thanh khoản của những mã này cũng rất thấp. Tuy nhiên, người "phím hàng" đó cũng đã có tên tuổi nhất định tại khu nhà của mình, thậm cam kết mức lãi là 60 - 100%/năm, thậm chí là 200% hay 300%. Thời gian đầu tư từ 6 tháng đến 1 năm và bao lỗ”.
Vị này cũng cho biết thêm người hô hào đầu tư này còn giới thiệu có quỹ lên đến 50.000 tỷ đồng, có quan hệ thân cận với các “nhà tạo lập” nên thị trường dù có xấu đến đâu thì những mã cổ phiếu đó cũng không bao giờ giảm.
Theo quan điểm của ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng Chứng khoán SSI, việc hô hào hay thậm chí là lừa đảo như câu chuyện trên hiện không chỉ diễn ra trên thị trường chứng khoán mà còn diễn ra ở nhiều ngành nghề khác trong xã hội. Với những thứ quá tốt để là sự thật, “too good to be true” thì việc cam kết lợi nhuận khi đầu tư gần như là bất khả thi.
"Những gì tốt đến mức không thể nào mà tin được đều là những thứ không đáng tin", ông Hưng khẳng định. Ông cho rằng khi đầu tư theo một người được ủy thác mà nhà đầu tư còn không hiểu tại sao lại mua mã cổ phiếu đó, không có thông tin gì về doanh nghiệp thì còn tệ hơn cả đánh bạc vì không biết bài mình đang cầm có những con gì.
Theo ông Hưng, câu chuyện quan hệ giữa nhà đầu tư và người đồng hành với họ trong quá trình đầu tư đã được nhắc đến rất nhiều. Nói về kinh nghiệm của bản thân để tránh “sa bẫy” vào những lời mật ngọt để rồi “giao chứng cho ác”, ông Hưng cho rằng điều đầu tiên khi gặp những người đến đề nghị ủy thác đầu tư là chúng ta không được “yêu từ cái nhìn đầu tiên”.
“Dù câu chuyện họ nói ra hay đến mức nào, bản thân phải luôn về suy nghĩ lại, không chốt bất cứ thứ gì ở buổi gặp đầu tiên và kiểm tra lại tất cả các thông tin. Thường họ sẽ cố gắng thuyết phục mình trong ngay buổi gặp đầu tiên, điều này đúng không chỉ ở trong phần ủy thác đầu tư mà còn trong rất nhiều câu chuyện khác mà tôi đã từng gặp”, Kinh tế trưởng Chứng khoán SSI nhấn mạnh.
Vấn đề thứ hai ông Hưng đề cập đến là “Halo Effect” còn gọi là hiệu ứng hào quang. Đây là một thiên kiến nhận thức xảy ra khi ấn tượng ban đầu về một người quá mạnh khiến bạn không có đánh giá đúng về họ.
“Đó là điều chúng ta phải cố tránh trong mọi mối quan hệ và không để nó lan tỏa sang các việc khác. Còn trong việc ủy thác tôi nghĩ nếu các nhà đầu tư mới không có nhiều kiến thức thực tế thì nên làm việc với các công ty lớn trước bởi khi ủy thác cho các quỹ đầu tư lớn như các công ty chứng khoán nếu có rủi ro xảy ra chắc chắn các bạn sẽ được bảo vệ.
Ví dụ tiền vẫn có ngân hàng riêng để giám sát chứ không phải hoàn toàn do công ty quản lý (giám sát ba bên), các quy định về đầu tư và quản trị rủi ro buộc các công ty chứng khoán phải thực hiện ví dụ như tỷ lệ đầu tư vào một mã bất kỳ không quá 30%. Họ có rất nhiều luật và khi muốn mua hay bán thì vẫn còn có cả một hội đồng đầu tư ở đằng sau để phê duyệt.
Nếu các bạn chưa quen với việc đầu tư thì nên bắt đầu từ một công việc dễ hơn là ủy thác đối với một quỹ đầu tư lớn, đừng bắt đầu bằng việc ủy thác với một người thậm chí còn không quen biết nhiều”.