Thị trường đang bước vào một giai đoạn phục hồi khá, các ngành dẫn dắt thị trường đã bị giảm mạnh trong những đợt biến động vừa qua cũng đã bước vào giai đoạn phục hồi mạnh mẽ hơn, có những cổ phiếu đã tăng mạnh được vài chục %.
Tuy nhiên có nhiều ý kiến nhận định rằng đây chỉ là đợt phục hồi ngắn hạn bởi kinh tế toàn cầu vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức.
Theo ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng Công ty CP Chứng khoán MB (MBS), nếu như chúng ta nhìn nhận một cách sâu sắc, chính xác nền kinh tế đang trải qua một đợt suy thoái nhẹ. Đối với kinh tế Mỹ đã có 2 quý liên tiếp GDP tăng trưởng âm, tuy nhiên áp lực chủ yếu từ câu chuyện lạm phát cao.
Còn khu vực Châu Âu lại mang tính phân hóa cao khi một số nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề trước cuộc chiến tranh giữa Nga Và Ukraina như nền kinh tế Đức hay Hungary sẽ có thể có cuộc suy thoái khá sâu, trong khi một số nền kinh tế tự chủ hơn về năng lượng ví dụ như Pháp có thể suy giảm chậm hơn.
Còn về Châu Á, nhìn vào kinh tế Trung Quốc hiện nay đang chịu những áp lực liên quan đến thị trường bất động sản khó khăn cũng như việc chính sách Zero-Covid gây nên những khó khăn rất lớn trong việc phục hồi kinh tế.
Với góc nhìn tích cực, áp lực lạm phát tại một số thị trường đã có xu hướng giảm xuống, trong thời gian tới rất khó để giá cả hàng hóa cơ bản tăng trở lại. Yếu tố này sẽ khiến cho các ngân hàng trung ương trên thế giới có thêm dư địa để giảm bớt áp lực việc tăng lãi suất, qua đó giảm áp lực cho cả nền kinh tế toàn cầu.
Tại Việt Nam, nhìn chung nền kinh tế tăng trưởng rất ấn tượng, trong 6 tháng đầu năm tăng 6,42%. Bên cạnh đó hiện tại Ngân hàng Nhà nước cũng không có quá nhiều áp lực trong việc tăng mức lãi suất điều hành, do đó nền kinh tế Việt Nam có một mức phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19.
Thị trường chứng khoán Việt Nam sau khi tạo đáy ở vùng 1.147 điểm đã có mức phục hồi khá mạnh trong một vài tuần qua và mức phục hồi cũng đã trên 100 điểm.
Thực tế chỉ ra trong các đợt suy thoái, sau khi giảm mạnh thị trường bao giờ cũng có một nhịp phục hồi mạnh trước khi quay đầu giảm thêm rồi mới chính thức bước vào giai đoạn phục hồi dài hơi hơn. Câu hỏi đặt ra là liệu lần này có giống như vậy không?
Kinh tế trưởng Công ty CP Chứng khoán MB đánh giá mốc điểm xung quanh mức 1.150 điểm của VN-Index là chỉ số đã test 3 lần. Như vậy nếu như giả thuyết nêu trên là đúng thì thực tế thị trường đã kiểm nghiệm đáy lên đến 3 lần rồi thì mức đáy này là tương đối vững, cho nên ông Tuấn cho rằng thị trường cũng có thể có một nhịp điều chỉnh nhưng khả năng quay trở lại đáy cũ là rất thấp.
Về mặt tổng thể với môi trường lãi suất đang có xu hướng tăng lên và câu chuyện của COVID-19 sẽ không thể lặp lại được nữa, thị trường lạc quan về yếu tố phục hồi nhưng quá trình phục hồi đó sẽ diễn ra rất chậm chạp và mang tính phân hóa cao, xen lẫn quá trình đi lên đó là những nhịp điều chỉnh.