Hoạt động sản xuất tại Trung Quốc tăng trong tháng 6, chấm dứt chuỗi giảm trong 3 tháng trước đó, sau khi lệnh phong tỏa được gỡ bỏ hoàn toàn tại đầu tàu kinh tế Thượng Hải, tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp quay trở lại sản xuất kinh doanh trong khi số lượng đơn đặt hàng mới đang trong xu hướng tăng.
Theo đó, chỉ số quản lý thu mua (PMI) lĩnh vực sản xuất tháng 6 tại quốc gia này tăng từ 49,6 điểm trong tháng 5 lên 50,2 điểm trong tháng 6, theo Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS)
Dữ liệu tháng 6 vượt lên trên ngưỡng ranh giới 50 điểm, phân định giữa xu hướng tăng và giảm.
Hoạt động sản xuất tại Trung Quốc đi lên sau khi nhiều hạn chế phòng dịch được gỡ bỏ. Ảnh: FT.
Hoạt động sản xuất tại Trung Quốc “tăng tốc” sau một thời gian dài ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, tuy nhiên, nền kinh tế số 2 thế giới vẫn phải đối mặt với một loạt cơn gió chướng, trong đó có thị trường bất động sản yếu kém, chi tiêu tiêu dùng thấp và rủi ro dịch bệnh bùng phát trở lại.
Thượng Hải, thành phố lớn nhất Trung Quốc, gỡ bỏ lệnh phong tỏa trên diện rộng từ ngày 1/6, cho phép các nhà máy nhỏ trên địa bàn quay trở lại hoạt động. Tuy nhiên, các quy định giãn cách cách xã hội như không cho phép người dân ăn tại nhà hàng vẫn được áp dụng trong phần lớn thời gian của tháng 6.
“Dù lĩnh vực sản xuất hồi phục trong tháng này, 49,3% số doanh nghiệp được hỏi cho biết số lượng đơn đặt hàng có tăng lên nhưng chưa quá đột biến”, theo Zhu Hong, Chuyên gia thống kê tại NBS. “Nhu cầu thị trường yếu vẫn là vấn đề nan giải nhất mà lĩnh vực sản xuất phải đối diện”.
Sau hai năm xuất khẩu tăng mạnh, các nhà sản xuất Trung Quốc đang phải đối mặt với tình trạng giá nguyên liệu thô cao, biên lợi nhuận giảm, sự cạnh tranh từ các đối thủ nước ngoài và nhu cầu tiêu dùng toàn cầu giảm.
Chỉ số PMI lĩnh vực dịch vụ trong tháng 6 tăng từ 47,8 điểm trong tháng 5 lên 54,7 điểm trong tháng 6, mức hồi phục nhanh nhất trong hơn 1 năm qua.
Để ổn định tăng trưởng và giảm tỷ lệ thất nghiệp, Quốc vụ viện Trung Quốc gần đây công bố một gói hỗ trợ kinh tế toàn diện mới.
Nhiều chuyên gia phân tích nhận định mục tiêu tăng trưởng 5,5% trong năm 2022 của Trung Quốc khó có thể hoàn thành nếu như họ vẫn quyết tâm theo đuổi chiến lược zero- Covid.
Thủ tướng Lý Khắc Cường tự tin Trung Quốc đạt mức tăng trưởng hợp lý trong quý II này dù một số nhà kinh tế dự báo nền kinh tế số 2 thế giới có thể “đi thụt lùi” trong giai đoạn 3 tháng vừa qua.
Chỉ số PMI tổng hợp tháng 6, bao gồm cả lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, đạt 54,1 điểm, tăng gần 6 điểm so với tháng trước đó.