Thời sự

Kinh tế tăng trưởng tương phản với thực trạng toàn cầu, nhưng Việt Nam còn cần lưu ý điều gì?

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy bức tranh kinh tế 9 tháng đầu năm 2022 khá tích cực. Hai điểm nổi bật nhất là tăng trưởng quý III đạt 13,67% và tăng trưởng 9 tháng cao nhất trong 12 năm.

Giữa lúc lạm phát thế giới chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, mặt bằng giá trong nước nhìn chung được kiểm soát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng 3,94% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, CPI bình quân quý III và 9 tháng tăng lần lượt 3,32% và 2,73%. Lạm phát cơ bản tăng 1,88%.

“Nhìn tổng thể bức tranh kinh tế Việt Nam khá tươi sáng, tuy nhiên vẫn còn đó một số lo ngại. Xuất nhập khẩu tăng trưởng chậm dần và lạm phát vẫn tăng”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính bình luận.

"Tăng trưởng cao do cùng kỳ thấp chứ không phải do nội lực kinh tế mạnh"

 

 Tăng trưởng quý III/2022 và 9 tháng 2022 đều cao nhất kể từ 2011.

Trước khi Tổng cục Thống kê công bố số liệu chính thức, nhiều tổ chức, chuyên gia cùng chung nhận định quý III sẽ là quý tăng trưởng mạnh của kinh tế Việt Nam, do cùng kỳ năm ngoái nước ta đang trong thời gian giãn cách xã hội, kinh tế tăng trưởng âm 6,17%.

Ông Trần Ngọc Báu, CEO WiGroup nhấn mạnh tăng trưởng cao là do cùng kỳ thấp chứ không phải do nội lực kinh tế mạnh.

“Không phải cứ nhìn tăng trưởng GDP mạnh, sản xuất mạnh mà cho rằng sức khỏe nền kinh tế tốt. Vấn đề nằm ở độ trễ chính sách (thường là 1-1,5 năm). Tất cả những hành động thắt chặt của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) từ đầu năm đến giờ chưa thẩm thấm đủ lớn vào nền kinh tế. Quý IV và năm 2023 sẽ là một câu chuyện khác”, ông nói.

CEO WiGroup nhận định tăng trưởng quý IV sẽ tương đối tiêu cực. Việt Nam sẽ chứng kiến một quý IV tăng trưởng thấp hơn nhiều so với quý IV của các năm trước đó, dự báo khoảng 3,5- 5,4% (trong khi tăng trưởng quý IV bình quân khoảng gần 7%).

Về tăng trưởng năm 2023, ông cho rằng năm tới khi hiệu ứng mức nền thấp không còn, tăng trưởng toàn cầu chậm lại, kinh tế Việt Nam chỉ tăng khoảng 6,8%, thấp hơn trước dịch COVID-19.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây nhận định năm 2023 sẽ nhiều khó khăn và đưa ra kịch bản tăng trưởng khoảng 6,5%.

Trong báo cáo mới nhất, Ngân hàng Thế giới World Bank, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đều dự báo tăng trưởng năm tới của Việt Nam ở mức 6,7%. 

Lạm phát vẫn tăng, xuất nhập khẩu có dấu hiệu chậm lại

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, CPI tháng 9 tăng 3,94% so với cùng kỳ khiến mức CPI trung bình cả năm đạt 2,73% so với cùng kỳ.

Lạm phát tăng nhanh phần lớn do giáo dục (chiếm 6,2% trong rổ tính CPI) và nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng (chiếm 18,8% trong rổ tính CPI).

 

So với cùng kỳ, chi phí giáo dục trong tháng 9 tăng vọt 8,4% do học phí tăng vào đầu năm học mới và việc miễn giảm học phí do dịch hết hiệu lực.  

Chi phí nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 4,4%. Giao thông vận tải (chiếm 9,7% trong rổ tính CPI) tăng chậm lại còn 6,7% do giá nhiên liệu trong nước cùng với giá dầu thế giới hạ nhiệt.

Tổng cục Thống kê cho biết mặt bằng giá trong nước nhìn chung được kiểm soát dù lạm phát trên thế giới tiếp tục tăng cao. Tuy nhiên, cơ quan này đánh giá áp lực lạm phát trong những tháng tới vẫn còn hiện hữu.

"Diễn biến giá cả hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu trên thế giới đang có xu hướng giảm do tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại, nhưng rủi ro tăng trở lại khá cao do xung đột giữa Nga - Ukraine chưa chấm dứt", Tổng cục Thống kê cảnh báo.

Ngoài ra, theo cơ quan này, kinh tế Việt Nam có khả năng phục hồi mạnh hơn trong các tháng còn lại của năm do tác động của các gói hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng. Cùng với đó, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ tăng sẽ đẩy giá cả hàng hóa lên cao.

Ở góc độ chuyên gia, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cũng đồng tình cho rằng áp lực lạm phát trong các tháng cuối năm 2022 với nền kinh tế Việt Nam vẫn rất lớn, cần có các biện pháp quản lý phù hợp. Chuyên gia dự báo lạm phát năm nay trong khoảng 3,3 - 3,6%, thấp hơn mục tiêu của Chính phủ.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng cảnh báo một trong những rủi ro với kinh tế năm nay là lĩnh vực xuất nhập khẩu có thể bị ảnh hưởng từ những biến động quốc tế.

 

Xuất khẩu tháng 9 chỉ tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu toàn cầu suy yếu bởi chi phí sinh hoạt tăng, rủi ro suy thoái gia tăng ở các nền kinh tế phát triển và điều kiện tài chính thắt chặt hơn. Tính theo tháng, xuất khẩu giảm 14,3%. 

Nhập khẩu hàng hóa giảm tốc, chỉ tăng 6,4% so với cùng kỳ, giảm 7,3% so với tháng trước. Mức giảm này đến từ máy tính, sản phẩm điện và linh kiện (giảm 3,4% so với mức tăng 2,3% trong tháng 8), máy móc, thiết bị, công cụ và dụng cụ (tăng 0,5% so với mức tăng 3,3% trong tháng 8) và điện thoại và linh kiện (giảm 18,7% so với mức giảm 5,1% trong tháng 8).

Điều này cho thấy các công ty điện tử và điện thoại thông minh tại Việt Nam có thể cắt giảm nhu cầu đối với các linh kiện trung gian do giảm đơn đặt hàng xuất khẩu.

Mới đây, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng dự báo tăng trưởng sản xuất công nghiệp và xuất khẩu sẽ chậm lại trong quý IV nhưng mức độ suy giảm sẽ ở mức vừa phải.

Các chuyên gia tại đây đề cập đến mối lo ngại trong quý IV đến từ việc Fed tiếp tục thắt chặt hơn nữa chính sách tiền tệ dẫn đến sự thảo luận tăng lên về rủi ro suy thoái tại Mỹ. Trong khi đó, thị trường châu Âu nhiều khả năng sẽ xấu đi khi cuộc khủng hoảng năng lượng leo thang vào mùa đông. 

Doanh nghiệp chịu thêm sức ép về tỷ giá và lãi suất

Với khối doanh nghiệp, ngoài vấn đề chi phí nguyên nhiên vật liệu cho sản xuất tăng như Tổng cục Thống kê đã cảnh báo trong họp báo công bố báo cáo kinh tế quý III và 9 tháng 2022, doanh nghiệp còn chịu thêm sức ép về tỷ giá và lãi suất. 

 

Các chuyên gia của VNDirect mới đây nhấn mạnh biến động bất lợi của tỷ giá hối đoái và lãi suất USD tăng cao làm gia tăng chi phí đối với những doanh nghiệp có cơ cấu nợ lớn bằng đồng USD.

Đối với hình thức trả lãi, VNDirect cho rằng những doanh nghiệp có khoản vay bằng USD với lãi suất thả nổi sẽ chịu áp lực lớn hơn với những khoản vay bằng đồng USD với lãi suất cố định.

Đối với thời hạn trả lãi, các chuyên gia tại đây cho rằng những doanh nghiệp có tỷ trọng nợ vay ngắn hạn lớn sẽ bị tác động tiêu cực hơn những doanh nghiệp có tỷ trọng nợ vay dài hạn lớn. 

Trong khi đó, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Khối Khách hàng cá nhân của Công ty Chứng Khoán Yuanta Việt Nam cho rằng trong bối cảnh hiện nay, nếu doanh nghiệp có chiến thuật phân tán rủi ro, như vừa vay nợ bằng USD, yen, Euro sẽ chịu ảnh hưởng ít hơn, nếu vay hoàn toàn bằng USD sẽ khó khăn hơn.  

Ở góc độ chuyên gia, TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia nhận định tỷ giá hối đoái tăng sẽ đẩy lạm phát tại Việt Nam đi lên vì giá hàng hóa nhập khẩu cũng lên theo.

Ngoài ra, nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ cũng gia tăng khi quy đổi theo VND, đồng thời nhà đầu tư nước ngoài sẽ thấy gia tăng rủi ro vào Việt Nam dù đầu tư trực tiếp hay gián tiếp. Từ đó có thể khiến họ lo ngại và làm giảm dòng vốn đầu tư nước ngoài vào nước ta.

Trong Nghị quyết 126/NQ-CP về nội dung Phiên họp Chính phủ chuyên đề tháng 9 mới ban hành, Chính phủ đã đề ra một loạt nhiệm vụ cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong việc điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất và tỷ giá nhằm ổn định thị trường trong bối cảnh hiện nay.

Trong nhiều nhiệm vụ, Chính phủ yêu cầu NHNN sẵn sàng bán can thiệp ngoại tệ khi cần thiết để ổn định thị trường này, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Trên kênh ngân hàng thương mại, giá bán đồng bạc xanh đã tăng vượt mốc 24.000 đồng/USD, cao hơn gần 5% so với đầu năm. Mới nhất, NHNN đã phải nâng tỷ giá bán USD tại Sở giao dịch lên mức 23.925 đồng/USD (từ mức 23.700 đồng/USD).  

Các chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán SSI cho rằng với việc bán ra hàng chục tỷ USD từ đầu năm, khả năng tiếp tục sử dụng công cụ Dự trữ ngoại hối để hỗ trợ thanh khoản USD cho thị trường ngoại hối là khá hạn chế. Nguyên nhân do khoản dự trữ này hiện đã giảm xuống dưới mức khuyến nghị của IMF.

Trong khi đó, về cuối năm, sức ép lên tỷ giá vẫn còn khá cao, SSI cho rằng không loại trừ trường hợp NHNN sẽ tiếp tục tăng lãi suất điều hành để giảm áp lực lên tỷ giá.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm