Mua 1 tài sản lớn như nhà cửa ở độ tuổi còn trẻ khoảng 30 được cho là khá khó, tuy nhiên, vẫn có những người ở độ tuổi này đã có kinh nghiệm mua 2-3 căn nhà. Có người đổi nhà vì đã sinh lời, cũng có người cần nơi ở mới phù hợp với nhu cầu của bản thân hơn.
Bắt đầu chuẩn bị mua nhà từ sớm trong cả tài chính lẫn kiến thức bất động sản
Ở độ tuổi 29, Tuấn Đức đã có kinh nghiệm mua 2 căn nhà. Được biết, cậu bạn đã sở hữu căn nhà đầu tiên ở tuổi 25, sau 2 năm chuyển vào TP. Hồ Chí Minh. Nói về trải nghiệm lần đầu mua nhà, Tuấn Đức chia sẻ: “Hồi đó, mình mượn tiền bố mẹ cũng như vay từ bên ngoài để mua nhà. Nghĩ lại thấy cũng hơi liều, nhưng lúc đó còn đi làm văn phòng, thu nhập hàng tháng ổn định lại được gia đình ủng hộ nên mình thấy vẫn trong tầm kiểm soát. Lúc còn trẻ không liều thì biết chờ đến bao giờ”.
Tuấn Đức
Sau đó, do căn hộ đầu tiên đã sinh lời kha khá nên quyết định bán mua căn hộ tiếp theo. Sau 3 năm, trong quan điểm về nhà cửa, Tuấn Đức cũng đã có những thay đổi nhất định. Lúc trước mua nhà với mong muốn có nơi để ở, nhưng bây giờ cậu bạn nhận ra rằng đầu tư bất động sản là 1 việc đáng để cân nhắc.
Khi được hỏi bí kíp tài chính để mua nhà khi ở độ tuổi còn trẻ như vậy, Tuấn Đức nhấn mạnh rằng phải bắt đầu chuẩn bị càng sớm càng tốt. Không chỉ chuẩn bị về tài chính, mà còn là kiến thức về bất động sản, nắm được tình hình nhà ở từng khu vực hoặc ít nhất là những khu vực mình đã khoanh vùng.
“Nếu mua căn hộ chung cư, bạn nên tìm hiểu về các chủ đầu tư cũng như xác định rõ nhu cầu về nhà ở của bản thân. Khi đã có một danh sách thứ tự ưu tiên, mình sẽ dễ dàng phân loại các lựa chọn, nhanh chóng tìm ra phương án hợp lý mà không bị mông lung (hoặc tham lam) lựa chọn phương án nằm ngoài khả năng. Từ đó sớm đưa ra được bài toán tài chính tối ưu nhất”, Tuấn Đức chia sẻ.
Những góc xinh xắn được trình bày với bố cục độc đáo trong ngôi nhà mới của Tuấn Đức
"Vay nợ giúp mình có trách nhiệm và động lực nâng cao thu nhập"
Quỳnh Thư và chồng đã mua căn nhà đầu tiên khi cô 27 tuổi với mục đích chính là an cư lạc nghiệp. Tuy nhiên căn nhà ở vị trí khá xa, đi làm bất tiện, không còn phù hợp với nhu cầu sinh hoạt nên cô cùng chồng đã "mạnh tay" chi 2,7 tỷ đồng để mua căn nhà thứ 2 với diện tích 58m2, tại Quận 7, TP Hồ Chí Minh.
“Mình đã quyết định chuyển về gần công ty sống để tiện đi làm và cho thuê lại nhà của mình. Lấy tiền thuê đó bù lại chi phí mua nhà mới và đổi lại được vị trí tốt hơn. Như vậy mỗi ngày mình chỉ mất 5-10 phút đi làm, tiết kiệm rất nhiều thời gian di chuyển và cả xăng xe nữa. Sau gần 1 năm ở thuê thì nó không phù hợp với nhu cầu sử dụng nên bọn mình quyết định cố gắng và mua căn thứ 2”.
Quỳnh Thư
Theo Quỳnh Thư, bí quyết để mua 2 căn nhà là luôn tuân theo kế hoạch tiết kiệm và chi tiêu mỗi tháng. Ban đầu, vợ chồng cô quyết định trích ít nhất 10% - 20% thu nhập mỗi tháng vào tài khoản tiết kiệm và tuyệt đối tuân thủ tỷ lệ đó. Nếu có các khoản thu nhập khác, sẽ đưa vào tài khoản này. Ngoài ra, Quỳnh Thư và chồng luôn cố gắng nhận thêm các công việc khác để tăng thêm thu nhập như làm trợ giảng, hỗ trợ tư vấn về tài chính,...
Quan điểm của Quỳnh Thư là hãy mua nhà thay vì đi thuê dù có cần vay nợ. “Thay vì hàng tháng mình bỏ tiền ra để thuê nhà, mình sẽ sử dụng phần đó để trả lãi vay cho ngân hàng. Như vậy, sau 1 khoảng thời gian, mình sẽ có được 1 tài sản. Khi có một khoản vay thì mình cũng có nhiều trách nhiệm và động lực nâng cao thu nhập và có một cuộc sống tốt hơn. Nhưng đừng để việc trả lãi vay trở thành 1 gánh nặng. Hãy bắt đầu khi bản thân đã sẵn sàng và chuẩn bị đủ cho các trường hợp có thể xảy ra và có kế hoạch rõ ràng cho việc mua nhà này”.
Căn nhà thứ 2 ấm cúng của Quỳnh Thư
Nên hiểu rõ nhu cầu của bản thân khi sở hữu nhà
Thuỳ Dung, 31 tuổi trong vòng 3 năm đã mua qua 3 căn nhà. Vào năm 2019, cô đã quyết định quyết định mua nhà trả góp để gia đình có chỗ ở tốt hơn. Sau khi đóng góp gần 40% giá trị căn hộ đầu tiên thì Thuỳ Dung đã để căn nhà ấy cho em trai đứng tên trả nốt số tiền còn lại.
“Căn nhà thứ 2 mình mua và cũng là căn đầu tiên đứng tên sở hữu là căn hộ dạng studio với diện tích 31,6m2, giá trị 1 tỷ 150 triệu đồng. Căn thứ 3 chồng cùng mình đứng tên, mua 2,7 tỷ với diện tích 54,6m2, cả 2 căn đều ở Hà Nội”, Thuỳ Dung chia sẻ.
Thuỳ Dung
Căn nhà thứ 2 cô mua sau căn thứ nhất 1 năm, lúc đó công việc thuận lợi nên tài chính mình cũng khá dư dả. Đó cũng là thời điểm đánh dấu gần 10 năm ở trọ, Thuỳ Dung thấy bản thân nên có một nơi ở cho riêng mình.
Cô chia sẻ rằng từ lúc mua nhà, biết số tiền nợ phải trả ngân hàng hàng tháng nên đã nghiêm túc lên kế hoạch để kiểm soát tài chính cá nhân. Chẳng hạn, liệt kê những chi phí hàng tháng, phân chia thu nhập thành nhiều khoản khác nhau và cho phép bản thân chỉ được chi tiêu trong một khoản tiền nhất định để tiết kiệm trả nợ nhà được nhanh nhất. Thói quen này đã giúp Thuỳ Dung nghiêm túc và kỷ luật trong chi tiêu và tiết kiệm hơn rất nhiều so với trước đây.
Hình ảnh căn hộ thứ 2 của Thuỳ Dung. Căn nhà thứ 3 vẫn đang trong quá trình bàn giao và hoàn thiện.
Đối với những người đang có ý định mua nhà, Thuỳ Dung cho rằng đầu tiên nên hiểu rõ nhu cầu của bản thân khi sở hữu một căn nhà. “Ví dụ, bạn có cần nhà gần chỗ làm việc không, môi trường sống bạn muốn ra sao, khả năng tài chính của bạn để mua nhà như thế nào, bạn đã có kế hoạch trả nợ chi tiết trong ít nhất 3-5 năm tới hay chưa,... Vì mua nhà là một việc lớn nên mình cần tìm hiểu cẩn thận những thông tin bên ngoài và cả tình hình tài chính của bản thân để không bị áp lực quá khi mua nó”.
Ảnh: NVCC