CTCP Dịch vụ hàng hóa Sài Gòn (SCSC, mã SCS) vừa công bố Báo cáo thường niên 2022 với định hướng phát triển trở thành một nhà ga hàng hóa hàng không kiểu mẫu trong khu vực và là lựa chọn hàng đầu cho các yêu cầu về dịch vụ hàng hóa hàng không của khách hàng tại Việt Nam.
Cụ thể, tổng sản lượng hàng hoá năm 2023 dự kiến đạt 206.000 tấn, giảm nhẹ 7% so với thực hiện 2022; trong đó sản lượng hàng hóa quốc tế đạt 158.000 tấn, chiếm tỷ trọng 77%, còn lại là hàng hóa quốc nội.
Đồng thời, SCS đặt mục tiêu tổng doanh thu 860 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 620 tỷ đồng, lần lượt giảm 5,5% và 11% so với thực hiện năm trước.
Kế hoạch kinh doanh đầy thận trọng của HĐQT SCS dựa trên nhận định nền kinh tế Thế Giới và Việt Nam năm 2023 được dự báo còn nhiều khó khăn, bất ổn. Đặc biệt là diễn biến kéo dài của cuộc xung đột Nga – Ukraina, lượng hàng hóa giảm, lạm phát cao toàn cầu chưa kiểm soát được, lãi suất Ngân hàng khó giảm... dẫn đến khó khăn khó lường cho nền kinh tế nói chung và ngành hàng không nói riêng.
Một trong những chiến lược phát triển quan trọng của SCSC thời gian tới là đầu tư thiết bị nâng công suất Nhà ga hàng hóa lên 350.000 tấn/năm giai đoạn 2 và xây dựng mở rộng phần kho hàng hóa nội địa. SCSC cũng đề xuất khả năng tham gia đầu tư khai thác Nhà Ga hàng hoá sân bay quốc tế Long Thành theo chủ chương phê duyệt của Chính phủ.
2023, một năm được dự báo đầy thách thức
Giới phân tích dự báo lạm phát tăng cao khiến hầu bao chi tiêu của các hộ gia đình bị thắt chặt. Thêm vào đó, giá dầu tăng cũng sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới chi phí vận tải hàng hóa hàng không, khiến giá cước trở nên cạnh tranh hơn so với các loại hình vận tải khác. Điều này sẽ tác động không nhỏ tới tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải hàng không nói chung và Saigon Cargo Services nói riêng.
Trong báo cáo cập nhật doanh nghiệp gần đây, Chứng khoán VNDirect cho rằng giao thương hàng hóa toàn cầu dù tăng trưởng dương trong năm 2022, sản lượng vận tải hàng hóa đường không đã tăng trưởng âm từ tháng 3/22.
VNDirect nhận định vận tải hàng hóa đường không trở nên kém hấp dẫn hơn đường biển, do đó, hầu hết phần tăng lên vận tải đường biển hưởng lợi. Ngoài ra, các yếu tố tiêu cực như tiêu dùng suy giảm, xung đột Ukraina tiếp diễn, giá cước vận tải biển cạnh tranh, giá nhiên liệu cao sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến thị trường vận tải hàng hóa hàng không toàn cầu trong nửa đầu 2023.
Tuy nhiên, tác động sẽ giảm dần khi FED quay đầu chính sách và Trung Quốc mở cửa kinh tế. Nhóm phân tích VNDirect kỳ vọng sản lượng vận tải hàng hóa hàng không toàn cầu sẽ quay trở lại tăng trưởng dương từ quý 3/2023.
VND cũng dự phóng sản lượng hàng hóa đường hàng không tăng 1% so với cùng kỳ trong năm 2023 từ mức nền thấp của 2022 và có thể tăng trưởng kép 13,1% theo Quy hoạch phát triển hạ tầng hàng không của Chính phủ đến năm 2030.
SCS hiện đang nắm giữ 15% thị phần toàn quốc và 45% thị phần ở Tân Sơn Nhất. Hiện tại, công suất các nhà ga hàng hóa bị hạn chế do thiếu không gian, đặc biệt ở sân bay Tân Sơn Nhất. Ở Tân Sơn Nhất, SCS là nhà ga duy nhất có khả năng mở rộng công suất (khả năng mở rộng 75% công suất hiện tại), do đó SCS sẽ hưởng lợi chính từ đà tăng trưởng trong dài hạn .
Trong ngắn hạn, theo dự báo sản lượng ngành phục hồi vào nửa sau 2023, VNDirect kỳ vọng sản lượng của SCS có thể tăng 2,4% so với cùng kỳ, trong đó sản lượng hàng nội địa tăng 2% và sản lượng hàng quốc tế tăng 2,5%. Giá cước dịch vụ trung bình 2023 có thể tăng 1% nhờ dự báo đồng USD mạnh lên.
Tỷ suất lợi nhuận top đầu sàn chứng khoán, 2022 ghi nhận lãi kỷ lục
Nhìn lại năm 2022, bối cảnh kinh tế thế giới đối mặt với những thách thức lớn; lạm phát đã tăng lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ buộc các quốc gia phải thắt chặt chính sách tiền tệ; xung đột giữa Nga và Ukraina,... đã làm gia tăng rủi ro đến thị trường tài chính, tiền tệ, an ninh năng lượng, an ninh lương thực toàn cầu.
Theo đó, sản lượng hàng hóa của SCS duy trì tăng trưởng trong 3 quý đầu năm, tuy nhiên đã suy giảm kể từ quý 4/2022. Tổng sản lượng hàng hoá SCSC phục vụ trong năm 2022 đạt 220.966 tấn, bằng 96,9% so với năm 2021 và 89,1% so với kế hoạch, trong đó hàng hóa quốc tế tăng 1%, hàng hóa quốc nội giảm 16,3% so với 2021.
Trước bối cảnh đầy khó khăn, SCSC vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh đầy khả quan với tổng doanh thu đạt 910 tỷ đồng, và lợi nhuận trước thuế đạt 697 tỷ đồng lần lượt tăng 4% và 15% so với cùng kỳ 2021. Đáng chú ý, 697 tỷ đồng lãi trước thuế cũng là mức cao kỷ lục mà SCS đạt được kể từ khi đi vào hoạt động. Biên lợi nhuận gộp ở mức 82%, điều mơ ước của nhiều doanh nghiệp.
Với kết quả trên, chỉ tiêu doanh thu hoàn thành được 95% kế hoạch, song SCS đã vượt 4% mục tiêu về lợi nhuận trước thuế.
Trong năm cũ, công ty đã ký thêm hợp đồng mới với 2 hãng hàng không và tiếp tục gia hạn hợp đồng với 5 hãng hàng không hiện hữu.
Cổ phiếu "trồi sụt"
Ngược dòng với đà tăng trưởng lợi nhuận, cổ phiếu SCS trên thị trường chứng khoán lại chứng kiến diễn biến trồi sụt từ quý 4/2022 tới nay. Kết phiên 7/4, SCS dừng ở mức 66.800 đồng/cp, thấp hơn 28% so với đỉnh thiết lập gần 1 năm trước và giảm 11% so với đầu năm.
Có thể thấy rằng, đà tăng "một mạch" từ quý 1/2020 và tạo đỉnh hồi tháng 4/2022 của cổ phiếu SCS được hỗ trợ bởi hoạt động kinh doanh hiệu quả. Sang năm 2023, nhiều dự báo cho thấy tín hiệu khó khăn dần xuất hiện gây trở ngại tới kinh doanh cũng khiến cổ phiếu SCS "đi ngược" thị trường chung.