Trả lời câu hỏi của PV VOV.VN liên quan đến vụ ngộ độc thực phẩm tại trường Ischool Nha Trang, cùng các biện pháp rà soát, kiểm soát chất lượng bữa ăn trong các cơ sở giáo dục, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, hiện nay Bộ Y tế đã có những quy định rất rõ ràng, cụ thể, chặt chẽ về bảo đảm an toàn thực phẩm với bếp ăn tập thể, từ quy định về điều kiện vật chất, trang thiết bị phục vụ chế biến, nguồn nước, nguyên liệu, lưu mẫu thực phẩm... Căn cứ các quy định đó, UBND các tỉnh, thành phố sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng địa phương kiểm tra, đánh giá chất lượng bếp ăn tập thể.
"Với vụ ngộ độc nghiêm trọng tại trường Ischool Nha Trang, ngay sau khi xảy ra sự việc, Bộ Y tế đã khẩn cấp cử các chuyên gia đầu ngành về chống độc vào hỗ trợ kịp thời nên đa phần các em đều ổn định sức khỏe ngay sau đó. Đồng thời, Bộ Y tế cũng có ngay công văn chỉ đạo Sở Y tế tỉnh tập trung cứu chữa bệnh nhân, đình chỉ bếp ăn, tập trung tìm nguyên nhân...; xử lý nghiêm sai phạm kỷ luật nếu có với bếp ăn sai phạm kiên quyết không để bếp ăn không đủ điều kiện tồn tại...", đại diện Bộ Y tế nhấn mạnh.
Cũng tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Y tế cũng đề cập việc tháo gỡ khó khăn cho người lao động trong ngành y tế sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Bà Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, để kịp thời động viên nhân viên y tế trong thời gian dịch bệnh, từ năm 2020, Bộ Y tế đã tham mưu trình Chính phủ ban hành nhiều Nghị quyết như: Nghị quyết số 37 ngày 29/3/2020 về một số cơ chế đặc thù trong phòng, chống dịch COVID-19; NQ số16/NQ-CP năm 2021 về chi phí cách ly y tế, khám, chữa bệnh và một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch COVID-19; Nghị quyết số 58/NQ-CP năm 2021 về chế độ chống dịch cho các tình nguyện viên, học sinh, sinh viên, phụ cấp tiêm chủng vaccine phòng COVID-19; Nghị quyết số 145/NQ-CP năm 2021 điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung một số chế độ chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19...
Bên cạnh đó, để quan tâm, thực hiện đầy đủ chế độ chính sách tiền lương, phụ cấp cho nhân viên y tế, ngành cũng huy động các nguồn lực khác của xã hội, hỗ trợ viên chức y tế; từ đó giảm bớt khó khăn, kịp thời động viên cán bộ y tế yên tâm công tác, phục vụ lâu dài trong ngành. Ngành y tế cũng tăng cường xã hội hóa ở những đơn vị có điều kiện để tăng thu nhập cho viên chức y tế, đặc biệt là y bác sĩ có trình độ chuyên môn cao; tiếp tục đầu tư cải thiện môi trường, điều kiện làm việc cho cán bộ, viên chức y tế, xây dựng văn hóa công sở để tạo điều kiện cho cán bộ công chức có sự gắn kết, tự hào về nghề nghiệp, đơn vị công tác.
Nhằm nâng cao chế độ phụ cấp theo nghề với công chức, viên chức y tế, ngày 27/10, Bộ Y tế đã trình Chính phủ, đề nghị Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của NĐ 56 ngày 4/7/2011 Quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập. Với mức phụ cấp theo nghề áp dụng với công chức, viên chức được xếp lương theo ngạch hoặc chức danh trong ngành y tế, Bộ Y tế sẽ triển khai xây dựng văn bản hướng dẫn ngay khi có chỉ đạo của ban chỉ đạo tiền lương nhà nước, Bộ Nội vụ.
Với các địa phương thì sẽ tiếp tục đầu tư, cải thiện điều kiện làm việc cho các cơ sở y tế trên địa bàn, nâng cao năng lực cho y tế cơ sở nhằm cung cấp các dịch vụ y tế có chất lượng ngay tại tuyến y tế cơ sở; góp phần đảm bảo nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân./.