Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) ngày 29-9 cho biết tiếp tục tấn công các mục tiêu của phong trào Hezbollah và "hạ tầng khủng bố" tại Lebanon, 2 ngày sau khi thủ lĩnh Sayyed Hassan Nasrallah của nhóm này thiệt mạng trong một cuộc không kích ở thủ đô Beirut.
Theo giới chức Lebanon, hơn 1.000 người đã thiệt mạng sau khi Israel gần đây leo thang chiến dịch không kích nhằm vào Hezbollah; hàng trăm ngàn người buộc phải sơ tán.
Diễn biến bước ngoặt
Theo đài CNN, giới chức Mỹ nhận định Israel có thể thực hiện một cuộc tấn công trên bộ giới hạn vào Lebanon nhưng nói thêm vẫn chưa có quyết định cuối cùng nào về vấn đề này.
Trước đó, phát ngôn viên IDF Peter Lerner tiết lộ quân đội Israel đang chuẩn bị cho khả năng tấn công trên bộ nhưng cho biết đây chỉ là một trong các lựa chọn được xem xét. Israel tuyên bố mục tiêu là đưa hơn 60.000 cư dân trở về nhà của họ ở miền Bắc, gần biên giới với Lebanon.
Việc Israel tiêu diệt ông Nasrallah, người lãnh đạo Hezbollah hơn 30 năm, sẽ gây những tác động không chỉ ở Lebanon mà còn trên toàn khu vực khi nguy cơ xảy ra cuộc chiến rộng lớn hơn đang tăng.
Ông Cedomir Nestorovic, chuyên gia địa chính trị tại Trường Kinh doanh ESSEC châu Á - Thái Bình Dương (Singapore), nhận định với đài ChannelNews Asia rằng đây là diễn biến bước ngoặt, không chỉ ở Lebanon hoặc Iran mà còn ở các quốc gia lân cận và toàn bộ Trung Đông.
Tuy nhiên, ông Nestorovic cho rằng Hezbollah vẫn còn là lực lượng đáng gờm với kho vũ khí lớn và đông đảo người ủng hộ trung thành. Ngoài ra, một số nhà phân tích chỉ ra rằng ông Abbas al-Musawi, người tiền nhiệm của ông Nasrallah, cũng bị Israel tiêu diệt năm 1992 nhưng Hezbollah vẫn tồn tại và phát triển.
Sau cái chết của thủ lĩnh Nasrallah, Hezbollah chưa tiến hành cuộc trả đũa quy mô lớn nào. Các nhà phân tích nhận định không rõ kho vũ khí của Hezbollah bị ảnh hưởng thế nào bởi làn sóng không kích của Israel nhưng nhóm vẫn có thể tấn công cơ sở hạ tầng quân sự và dân sự của Israel.
Các nhà quan sát cũng đang theo dõi xem Iran sẽ đáp trả Israel thế nào sau những thiệt hại nặng nề của Hezbollah - nhóm được Tehran hậu thuẫn.
Tình thế khó xử của Iran
Trước mắt, Đại sứ Iran tại Liên Hiệp Quốc Amir Saeid Iravani hôm 28-9 yêu cầu tổ chức một cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc để "lên án các hành động của Israel".
Ông Iravani cũng kêu gọi các thành viên Hội đồng Bảo an hành động ngay lập tức và quyết liệt để ngăn Israel đẩy toàn bộ khu vực Trung Đông vào "một thảm họa toàn diện".
Trong tuyên bố đưa ra cùng ngày, theo đài Al Jazeera, nhà lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei cảnh báo Israel sẽ phải "hối tiếc về những hành động của mình" dù không kêu gọi trả thù.
Một số chuyên gia lưu ý Iran cho đến giờ vẫn chưa có phản ứng mạnh với vụ ám sát thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh ở thủ đô Tehran hồi tháng 7, cũng như một loạt vụ nổ máy nhắn tin, máy bộ đàm ở Lebanon gần đây.
Ông James Dorsey, chuyên gia tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam (Singapore), cho rằng Iran đang ở trong tình thế khó xử: Tehran muốn xây dựng lại các mối quan hệ để giảm bớt tác động từ các biện pháp trừng phạt nhưng đồng thời cũng không muốn bị xem là yếu kém - đặc biệt là từ phía đồng minh - nếu không có phản ứng.
Theo ông Dorsey, không dễ để Iran lựa chọn phản ứng sao cho không dẫn đến leo thang căng thẳng, nhất là khi cả Tehran và Hezbollah đều không muốn cuộc chiến toàn diện với Israel.
Về phía Israel, có ý kiến cho rằng nước này có thể tiếp tục tấn công giới lãnh đạo tiếp theo của Hezbollah và tập trung vào việc phá hủy kho vũ khí của nhóm. Tuy nhiên, ông Nestorovic nhận định Israel có thể đã đạt được mục tiêu làm suy yếu năng lực chỉ huy của Hezbollah nên nhiều khả năng xem xét thương lượng với lãnh đạo mới của Hezbollah.
Theo chuyên gia Nestorovic, nếu Israel có thể đạt được thỏa thuận nào đó với Hezbollah về việc nhóm này không tấn công vào miền Bắc Israel, đụng độ giữa hai bên sẽ chấm dứt. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc việc lãnh đạo mới của Hezbollah có hướng tiếp cận thế nào và liệu hai bên có sẵn sàng thương thảo hay không.
Cái chết của ông Nasrallah giáng đòn mạnh vào Hezbollah và nhóm này phải chọn ra thủ lĩnh mới trong bối cảnh bị Israel không kích liên tục.
Ứng viên sáng giá nhất là Hashem Safieddine, phụ trách các vấn đề chính trị và hoạt động dân sự của Hezbollah, trong đó có hệ thống giáo dục và tài chính. Người đàn ông 60 tuổi này là một người anh em họ của ông Nasrallah và có tên trong danh sách bị xem là khủng bố của Mỹ từ năm 2017. Những năm gần đây, ông Nasrallah hiếm khi xuất hiện trước công chúng và thường được ông Safieddine đại diện.
Theo đài Al Jazeera, một ứng viên khác là Naim Qassem, thường được xem là nhân vật số 2 của Hezbollah. Ông Qassem năm nay 71 tuổi, hiện giám sát một phần mạng lưới giáo dục của Hezbollah và cũng tham gia giám sát các hoạt động của nhóm này tại quốc hội.