Trong thời gian gần đây, vấn đề tài sản số đã thu hút sự quan tâm ngày càng lớn từ Chính phủ, thể hiện qua nhiều chỉ thị và kế hoạch hành động nhằm xây dựng khung pháp lý và thúc đẩy phát triển lĩnh vực này.
Với vai trò trung gian tài chính và quản lý tài sản, ngành ngân hàng sẽ đóng một vai trò then chốt trong việc định hình tương lai của tài sản số tại Việt Nam.

Nhà đầu tư Việt Nam thuộc nhóm quan tâm đến tiền mã hoá, tài sản số hàng đầu thế giới. (Ảnh: WSJ).
Tài sản số: Bức tranh dần định hình tại Việt Nam
Chính phủ Việt Nam đang tích cực nghiên cứu và xây dựng khung pháp lý để quản lý và thúc đẩy sự phát triển của tài sản số và tiền kỹ thuật số. Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) nhiệm vụ đề xuất khung pháp lý này, với mục tiêu trình lên Chính phủ trong tháng 3. Một trong những hướng đi được cân nhắc là thí điểm có kiểm soát (sandbox) các sàn giao dịch tài sản số và tiền điện tử.
Mặc dù vậy, cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa có một khung pháp lý hoàn chỉnh và cụ thể cho tài sản số, điều này tạo ra những rủi ro nhất định cho cả nhà đầu tư và các tổ chức tài chính.
Việc thiếu một hành lang pháp lý rõ ràng có thể là một trong những nguyên nhân khiến các ngân hàng tiếp cận vấn đề tài sản số một cách thận trọng, trong khi những nỗ lực của chính phủ cho thấy tiềm năng phát triển của thị trường này trong tương lai.
Chính phủ nhận thấy tiềm năng lớn từ việc quản lý tài sản số, đặc biệt là khả năng tạo ra nguồn thu thuế, cụ thể là thuế thu nhập cá nhân, đáng kể từ các giao dịch đang diễn ra sôi động.
Quan điểm của các ngân hàng ra sao?
Tại đại hội cổ đông thường niên năm 2025, Techcombank là một trong những ngân hàng đã đề cập đến vấn đề tài sản số.
Khi được cổ đông hỏi về việc liệu Ngân hàng có phát hành tài sản số, mở sàn giao dịch số hay tham gia vào cuộc chơi blockchain hay không, Chủ tịch HĐQT Techcombank, ông Hồ Hùng Anh, khẳng định đây là chiến lược quan trọng của nhiều tổ chức tài chính, trong đó có Techcombank.
"Nếu cơ hội mở ra và thị trường cho phép thì Techcombank đương nhiên sẽ tham gia và sở hữu những Platform (Sàn giao dịch tài sản số - PV) như vậy. Cụ thể tới đâu thì còn phụ thuộc vào vấn đề thời gian và khi nào có kết quả thì sẽ công khai", ông Hồ Hùng Anh nói.

Các ngân hàng Việt đang tỏ ra sẵn sàng trong tâm thế thận trọng với vấn đề tài sản số. (Ảnh: VPBank).
Cùng quan điểm với Techcombank, đại diện VPBank cũng khẳng định ngân hàng “không thể đứng ngoài cuộc” với vấn đề liên quan đến tài sản số mặc dù hoạt động này “rất mới, quan trọng nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro”.
Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc VPBank, khẳng định nhà băng sẵn sàng tham gia và đang trong quá trình đánh giá, phân tích kỹ lưỡng, đồng thời tiếp xúc với các đối tác trong khi chờ cơ quan thẩm quyền phê duyệt. Đại diện VPBank nói thêm rằng vấn đề tài sản số cần được đánh giá cẩn trọng và sẽ thông tin vào thời điểm thích hợp.
Thực tế, VPBank và Techcombank hiện cũng là một trong số ít các ngân hàng đã có những thử nghiệm và triển khi nhất định đối với công nghệ blockchain trong hệ sinh thái của mình.
Blockchain có thể được xem là một công nghệ nền tảng khi triển khai các ứng dụng liên quan đến tài sản số. Điều này có thể mang đến cho hai nhà băng tư nhân này những lợi thế nhất định khi cơ hội mở ra.
Ngoài nhóm ngân hàng tư nhân, BIDV là ngân hàng có vốn nhà nước hiếm hoi nói về vần đề tài sản số trong kỳ Đại hội đồng cổ đông của mình.
Cụ thể, khi được hỏi về “định hướng tham gia xây dựng sàn giao dịch tài sản số”, ông Lê Ngọc Lâm, Tổng giám đốc BIDV khẳng định với vai trò một NHTM nhà nước, BIDV sẽ “tích cực tham gia cùng với các bộ ngành để triển khai các chính sách, cơ chế”.
Dù vậy, ông chia sẻ rằng sàn giao dịch tài sản số sẽ dành cho khối các doanh nghiệp tư nhân, do đó, BIDV không có kế hoạch hay chủ trương thành lập loại hình sàn giao dịch này. Bên canh đó, ông nhận định một sàn giao dịch tài sản số sẽ yêu cầu vốn và năng lực kỹ thuật rất lớn.
“Song chúng tôi sẽ tham gia vào thị trường với vai trò là một ngân hàng lớn như đã phục vụ thanh toán trên thị trường chứng khoán Việt Nam”, ông Lê Ngọc Lâm nói thêm.
Cách tiếp cận của BIDV cho thấy sự thận trọng của một ngân hàng nhà nước, ưu tiên việc hỗ trợ các chính sách của chính phủ và tham gia vào thị trường tài sản số một cách gián tiếp thông qua các dịch vụ ngân hàng truyền thống.
Cơ hội nào cho các ngân hàng Việt?
Số liệu thống kê cho thấy thị trường Việt Nam rất tiềm năng khi phát triển thị trường tài sản số. Theo báo cáo của Triple-A, tỷ lệ sở hữu tài sản mã hóa của Việt Nam đạt 17,4% dân số (khoảng 17 triệu người), đứng thứ 7 trên thế giới vào năm 2024.
Còn theo dữ liệu từ Chainalysis, dòng tiền giao dịch trên thị trường này tại Việt Nam giai đoạn 2022-2024 lên tới hơn 100 tỷ USD mỗi năm. Trong năm 2023, nhà đầu tư Việt Nam đã kiếm lời gần 1,2 tỷ USD từ bitcoin và các loại crypto khác, đứng thứ 3 thế giới, chỉ sau Mỹ và Anh.
Việc tham gia vào thị trường tài sản số mang lại nhiều cơ hội tiềm năng cho các ngân hàng Việt Nam, trong đó có thể kể đến việc tạo ra các nguồn doanh thu mới, tăng cường tương tác, mối quan hệ với khách hàng và thúc đẩy đổi mới công nghệ.
Tài sản số cũng có thể trở thành một loại tài sản đảm bảo mới cho các khoản vay. Trong điều kiện cho phép, thậm chí các ngân hàng Việt Nam có thể hợp tác với các nền tảng tài sản số quốc tế hoặc các công ty fintech để mở rộng phạm vi hoạt động và tiếp cận công nghệ mới.
Tuy nhiên, cũng có không ít rủi ro mà các ngân hàng cần phải đối mặt khi tham gia vào lĩnh vực này, đặc biệt những yếu tố bất định về quy định pháp lý, các mối đe dọa an ninh mạng, sự biến động lớn của thị trường và nguy cơ liên quan đến các hoạt động bất hợp pháp .
Do đó, các ngân hàng Việt Nam cần tiếp cận vấn đề tài sản số một cách chiến lược và có ý thức về quản lý rủi ro, đặc biệt trong bối cảnh khung pháp lý vẫn đang trong giai đoạn phát triển.