Từ ngày 1.3.2025, việc cấp phiếu lý lịch tư pháp được chuyển giao từ Sở Tư pháp sang Bộ Công an. Đối với những công dân không xác định được nơi thường trú, tạm trú thì thủ tục xin cấp phiếu lý lịch tư pháp bằng cách: trực tiếp, trực tuyến và dịch vụ bưu chính.

Người dân không xác định được nơi thường trú, tạm trú vẫn được cấp phiếu lý lịch tư pháp và thực hiện tại Cục Hồ sơ nghiệp vụ, Bộ Công an
ẢNH: TRẦN KHA
Theo đó, đối với công dân không xác định được nơi cư trú rõ ràng, thẩm quyền tiếp nhận và cấp phiếu thuộc về Cục Hồ sơ nghiệp vụ, Bộ Công an. Đối với các trường hợp có nơi thường trú, tạm trú ổn định thì người dân vẫn thực hiện tại công an cấp tỉnh hoặc nộp trực tuyến trên hệ thống dịch vụ công.
Thủ tục xin phiếu lý lịch tư pháp là hành chính quan trọng trong nhiều thủ tục như xin việc, đi học, định cư nước ngoài, kết hôn hay ra nước ngoài...
Theo luật Lý lịch tư pháp, công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên đều có quyền yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp. Phiếu lý lịch tư pháp là văn bản xác nhận một người có hay không có án tích hoặc đang bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.
Công dân không có thường trú chuẩn bị gì để xin phiếu lý lịch tư pháp?
Cách 1: Nộp hồ sơ trực tiếp tại Cục Hồ sơ nghiệp vụ hoặc gửi qua đường bưu chính đến Cục Hồ sơ nghiệp vụ. Người dân chuẩn bị đầy đủ hồ sơ gồm:
- Tờ khai đề nghị cấp phiếu lý lịch tư pháp, bản sao giấy tờ tùy thân như thẻ căn cước, căn cước công dân còn hiệu lực hoặc hộ chiếu.
- Văn bản giải trình lý do không xác định được nơi thường trú, tạm trú.
- Trong một số trường hợp, hồ sơ cũng nên chuẩn bị xác nhận của công an xã hoặc phường nơi từng cư trú để làm cơ sở xác minh cho hồ sơ của mình.

Nếu người dân không xác định được nơi thường trú hoặc nơi tạm trú vẫn nộp hồ sơ trực tiếp, trực tuyến xin phiếu lý lịch tư pháp
ẢNH: NGỌC LÊ
Cách 2: Người dân cũng có thể nộp hồ sơ trực tuyến thông qua ứng dụng VNeID hoặc Cổng dịch vụ công của Bộ Công an. Với cách thức này người dân phải có tài khoản định danh mức độ 2.
Thời hạn giải quyết hồ sơ theo quy định là 10 ngày làm việc, tính từ ngày cơ quan có thẩm quyền nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Đối với các trường hợp phải xác minh tại nhiều nguồn dữ liệu hoặc có yếu tố đặc biệt về cư trú, thời gian giải quyết có thể kéo dài nhưng không quá 15 ngày làm việc.
Nộp hồ sơ trực tuyến xin phiếu lý lịch tư pháp được giảm phí đến 31.12
Về mức thu phí, từ ngày 24.4 - 31.12, mức thu phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp đối với trường hợp nộp hồ sơ yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp theo hình thức trực tuyến được giảm 15 - 20% tùy đối tượng.
Cụ thể, người dân nộp online chỉ phải đóng 170.000 đồng/lần. Phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp của học sinh từ đủ 16 tuổi trở lên, sinh viên, người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ, gồm: cha đẻ, mẹ đẻ, vợ (hoặc chồng), con (con đẻ, con nuôi), người có công nuôi liệt sĩ: 80.000 đồng/người.
Trường hợp người yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp đề nghị cấp trên 2 phiếu lý lịch tư pháp trong một lần yêu cầu, thì kể từ phiếu thứ 3 trở đi tổ chức thu phí được thu thêm 5.000 đồng/phiếu.
Lưu ý, sau thời hạn này, kể từ ngày 1.1.2026, phí quay lại như ban đầu, áp dụng 200.000 đồng/lần/người và 100.000 đồng/lần/người nếu thuộc diện ưu tiên.
Theo Bộ Công an, nếu người dân ủy quyền cho người khác làm thủ tục yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp số 1 thì hồ sơ phải kèm theo văn bản ủy quyền. Trường hợp người được ủy quyền là cha, mẹ, vợ, chồng, con của người ủy quyền thì không cần văn bản ủy quyền.
Đối với người dân yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp số 2 không được ủy quyền cho người khác làm thủ tục yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp. Người yêu cầu cấp phải xuất trình thẻ căn cước hoặc căn cước công dân, hộ chiếu khi thực hiện thủ tục yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp.
Bộ Công an cũng lưu ý, khi thực hiện thủ tục xin phiếu lý lịch tư pháp, người dân cần đảm bảo cung cấp đầy đủ và chính xác các thông tin trong hồ sơ để tránh bị từ chối tiếp nhận. Nếu nộp hồ sơ qua ứng dụng VNeID, cần thực hiện đầy đủ các bước theo hướng dẫn và thanh toán lệ phí trực tuyến.