Tại TP.HCM, có hơn 20.000 hồ sơ đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu gắn liền với đất (sổ hồng) nhưng chủ đầu tư và người mua nhà chưa nộp. Đây là một bất cập cần được quan tâm tháo gỡ để đẩy nhanh công tác này.
Xử phạt hành chính 24 dự án
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, trong số 30.061 hồ sơ đủ điều kiện, các chủ đầu tư đã nộp 9.278 hồ sơ, còn lại 20.783 hồ sơ chưa nộp. Có 2 nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này, đó là chủ đầu tư chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính bổ sung và thế chấp dự án.
Cụ thể, một số dự án có thay đổi điều chỉnh quy hoạch nên chủ đầu tư phải thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung. Còn với tình trạng thế chấp dự án, chủ đầu tư phải giải chấp quyền sử dụng đất thì mới làm thủ tục nộp giấy chứng nhận lên cơ quan chức năng.
Ông Nguyễn Toàn Thắng – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết, Nghị định 91/2019 đã sửa và nâng mức phạt lên rất lớn. Sở đã xử phạt rất nhiều trường hợp chậm nộp hồ sơ cấp giấy chứng nhận, nếu không nộp sẽ có các chế tài khác đối với chủ đầu tư.
Từ khi Nghị định 91/2019 có hiệu lực đến nay, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã rà soát, đề xuất cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định xử lý vi phạm hành chính đối với 21 dự án, số tiền thu ngân sách hơn 7,7 tỷ đồng.
Bên cạnh đó Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã lập hồ sơ xử phạt, và đang trình cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định xử lý vi phạm hành chính đối với 3 dự án. Như vậy, đến nay đã xử lý vi phạm hành chính tổng cộng 24 dự án.
Cần có chế tài với chủ đầu tư
Để đẩy nhanh công tác cấp sổ hồng, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, với trường hợp chủ đầu tư dự án phải thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung, đây là quan hệ giữa chủ đầu tư dự án với cơ quan nhà nước, không liên quan đến trách nhiệm, nghĩa vụ của khách hàng mua nhà. Vì vậy, nên tách ra xử lý riêng để giải quyết cấp sổ hồng trước cho khách hàng, đồng thời yêu cầu chủ đầu tư thực hiện trách nhiệm của mình.
“Đề nghị TP nên quyết định trong trường hợp người dân đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình theo hợp đồng thì chủ đầu tư phải làm thủ tục cấp chủ quyền cho người mua căn hộ. Còn việc chủ đầu tư đem thế chấp dự án với ngân hàng thì giữa chủ đầu tư và ngân hàng tự giải quyết với nhau”, ông Châu nói.
Tại TP.HCM, hình ảnh căng băng rôn “đòi” sổ hồng tại các chung cư không còn xa lạ. Khách hàng bức xúc vì đã bỏ tiền mua căn hộ nhưng mãi vẫn chưa nhận được sổ hồng. Ông Lê Hữu Nghĩa – Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Lê Thành kiến nghị, chủ đầu tư phải cam kết cấp ít nhất 50% giấy chủ quyền tại các dự án cho hộ dân đang có nhu cầu, đang bức xúc như có nhu cầu cần vay tiền ngân hàng,... Diện tích còn lại, chủ đầu tư cam kết khi có hồ sơ đóng tiền sử dụng đất sẽ đóng.
Tình trạng chủ đầu tư chây ỳ với việc thực hiện thủ tục để “trả” sổ hồng cho cư dân cần phải được xử lý nghiêm. Có như vậy, người mua nhà mới được đảm bảo quyền lợi chính đáng, đồng thời tiến tới giảm bớt các chủ đầu tư vô trách nhiệm với khách hàng.