Canxi là một trong những khoáng chất thiết yếu cho cơ thể và quan trọng trong việc duy trì nhiều chức năng sinh lý như sức khỏe xương, dẫn truyền thần kinh, co cơ và đông máu.
Khi cơ thể thiếu canxi, các triệu chứng như loãng xương, răng lung lay và chuột rút cơ có thể xảy ra. Vậy nguyên nhân nào gây ra tình trạng thiếu canxi? Các bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng trên kênh Family Doctor - Bác sĩ Gia đình (Trung Quốc) giúp bạn tìm hiểu nguyên nhân thiếu canxi và cách khắc phục hiệu quả.

Thói quen ăn uống thiếu cân bằng
Chế độ ăn uống hàng ngày là cách chính để cơ thể bổ sung canxi. Nếu hàm lượng canxi trong chế độ ăn không đủ hoặc cấu trúc chế độ ăn không hợp lý, có thể dẫn đến tình trạng thiếu canxi.
Ví dụ, những người ăn chay lâu năm, người kén ăn hoặc người ăn kiêng dễ bị thiếu canxi do chỉ ăn một loại thực phẩm hoặc không bổ sung đủ canxi.
Giải pháp:
Tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu canxi, các sản phẩm từ sữa như sữa tươi, sữa chua, phô mai, đậu phụ, hạt vừng (mè), tảo bẹ, rong biển, tôm khô.
Ăn uống cân bằng để đảm bảo đa dạng thực phẩm và tránh ăn uống thất thường hoặc kén chọn.
Đối với những người không dung nạp lactose, có thể chọn các sản phẩm từ sữa có hàm lượng lactose thấp hoặc không có lactose, hoặc đáp ứng nhu cầu canxi thông qua thực phẩm bổ sung canxi.
Lối sống không lành mạnh
Lối sống không lành mạnh cũng có thể dẫn đến tình trạng mất canxi nhanh hơn, gây ra tình trạng thiếu canxi. Ví dụ, thiếu vận động trong thời gian dài, uống rượu bia quá mức, hút thuốc, uống cà phê nhiều và đồ uống có ga. Tất cả ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ và sử dụng canxi của cơ thể, đồng thời đẩy nhanh quá trình bài tiết canxi qua nước tiểu và chất thải.
Giải pháp:
Tăng cường luyện tập thể dục hợp lý, đặc biệt là các bài tập có sức mạnh hoặc cường độ đều đặn như đi bộ, chạy bộ, khiêu vũ… giúp tăng mật độ xương và giảm mất canxi.
Bỏ thuốc lá, hạn chế uống rượu, giảm lượng caffeine và đồ uống có ga.
Tắm nắng nhiều hơn để thúc đẩy quá trình tổng hợp vitamin D ở da, giúp hấp thụ và sử dụng canxi.

Các yếu tố sinh lý và rối loạn hấp thu canxi
Một số yếu tố sinh lý cũng có thể dẫn đến rối loạn hấp thụ canxi, gây ra tình trạng thiếu canxi. Ví dụ, những nhóm đặc biệt như người cao tuổi, phụ nữ mang thai và cho con bú dễ bị thiếu canxi.
Ngoài ra, những bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính như đường tiêu hóa, bệnh gan, bệnh thận cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ và sử dụng canxi.
Giải pháp:
Đối với nhóm đối tượng đặc biệt như người cao tuổi, phụ nữ có thai, phụ nữ đang cho con bú, cần tăng cường bổ sung canxi phù hợp theo nhu cầu của cơ thể.
Điều trị tích cực các bệnh mãn tính như bệnh đường tiêu hóa, bệnh gan, thận, cải thiện khả năng hấp thu và sử dụng canxi.
Dưới sự hướng dẫn của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng, hãy lựa chọn thực phẩm bổ sung canxi phù hợp.
Tóm lại, tình trạng thiếu canxi có thể do nhiều nguyên nhân gây ra. Để phòng ngừa và điều trị tình trạng thiếu canxi, mỗi người nên bắt đầu bằng việc cải thiện thói quen ăn uống, điều chỉnh lối sống và chú ý đến các yếu tố sinh lý.
Đồng thời, những bệnh nhân bị thiếu canxi nghiêm trọng nên đi khám kịp thời và điều trị hợp lý theo hướng dẫn của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng. Thông qua việc bổ sung canxi khoa học, chúng ta có thể duy trì sức khỏe thể chất tốt hơn và nâng cao chất lượng cuộc sống.