Bill Gates, Mark Zuckerberg và Steve Jobs là 3 trong số những tỷ phú hàng đầu thế giới nổi tiếng với câu chuyện làm giàu của họ, dù họ chưa tốt nghiệp đại học. Song có một điều quan trọng bạn cần ghi nhớ: Tỷ phú bỏ học là trường hợp ngoại lệ chứ không phải quy luật.
Trong khi các kỳ lân công nghệ viết ra thuật toán thay đổi thế giới trong phòng ký túc xá trước khi họ bỏ học, có hàng nghìn người rất thành công đã trau dồi tài năng khi họ là sinh viên. Họ cũng khẳng định rằng sẽ không có được thành công như vậy nếu thiếu đi kiến thức và mạng lưới được xây dựng trong đại học.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có bộ óc thiên tài, có thể thay đổi thế giới như các tỷ phú trên.
Tỷ phú Bill Gates luôn khuyến khích mọi người đọc sách. Ảnh: CNBC.
Hồi đầu tháng 5, Ramsey Solutions xuất bản báo cáo nghiên cứu dựa trên cuộc khảo sát về các triệu phú lớn nhất từ trước đến nay, với 10.000 người Mỹ tham gia. Kết quả cho thấy rằng 88% người được hỏi có bằng cử nhân, 52% có bằng thạc sĩ hoặc tiến sĩ.
Hay báo cáo của tạp chí Forbes vào tháng 10/2017 phát hiện ra rằng 84% trong số 400 cá nhân giàu có nhất nước Mỹ tốt nghiệp đại học. Trong số 400 người đó, 23% (hơn ¼) có bằng cử nhân từ trường Ivy League như Harvard hoặc Yale.
Học có thể không phải con đường duy nhất dẫn đến thành công, nhưng là cách bền vững và hiệu quả nhất. Giáo dục chính quy dạy chúng ta cách sử dụng bộ não để đổi mới và giải quyết vấn đề. Đây là một phần lý do hầu hết tỷ phú thành công đều được giáo dục rất tốt. Giá trị của giáo dục không chỉ nằm ở những gì một người học được, mà còn ở việc rèn luyện trí óc về cách hoạt động hiệu quả hơn.
Lợi ích của việc học tập suốt đời là rất lớn. Bạn có thể học tập ở bất cứ đâu và bất cứ khi nào, thông qua đọc sách, nghe podcast hay học hỏi kinh nghiệm từ bạn bè và đồng nghiệp…
Doanh nhân người Mỹ Steven Ballmer là ví dụ điển hình về việc học tập là nền móng cho sự thành công. Ông tốt nghiệp thủ khoa trường dự bị đại học tư thục, đạt điểm tuyệt đối 800 trong bài thi SAT môn toán. Ballmer sau đó học toán ứng dụng tại Đại học Harvard. Trong thời gian học, ông đã tham gia Cuộc thi toán học William Lowell Putnam nhưng không giành chiến thắng.
Tên của người chiến thắng đó là Bill Gates và đã thuê Ballmer ngay sau khi thành lập Microsoft. Tại đây, Ballmer trở thành chủ tịch và giám đốc điều hành. Hiện ông là tỷ phú giàu thứ 11 thế giới với khối tài sản trị giá 80,4 tỷ USD.
Tỷ phú Ấn Độ Mukesh Ambani. Ảnh: The Economic Times
Tỷ phú Ấn Độ Mukesh Ambani từng tham gia chương trình MBA lừng lẫy của Đại học Stanford, nhưng ông không hoàn thành chương trình học giúp cha phát triển công việc kinh doanh của gia đình - Reliance Industries Limited. Dù vậy, Mukesh Ambani tin rằng quãng thời gian ở Stanford vẫn có tác động đáng kể đến sự nghiệp của ông.
Tỷ phú thường nhấn mạnh ảnh hưởng của nhà kinh tế học người Mỹ và giáo sư Stanford William Forsyth Sharpe, nói rằng ông là "kiểu giáo viên khiến bạn phải suy nghĩ vượt trội".
Bên cạnh những bài học làm giàu, tỷ phú Bill Gates còn nhiều lần chia sẻ về những cuốn sách ông tâm đắc. Trong căn biệt thự có tên "Xanadu 2.0" toạ lạc tại thành phố Medina (Washington, Mỹ), tỷ phú Bill Gates có phòng thư viện hoành tráng vượt trội, rộng hơn 195 mét vuông với hai tủ sách được lấp đầy. Tỷ phú Bill Gates cũng thường xuyên chia sẻ những tựa sách ông tâm đắc trên trang web của mình.
Hay nhà đồng sáng lập Apple - Steve Jobs - đã theo học trường Reed College ở Portland nhưng bỏ học sau sáu tháng. Tuy nhiên, Steve Jobs vẫn tiếp tục kiểm tra các khóa học mà ông quan tâm sau khi bỏ học.
Thời điểm bạn nghĩ không còn gì để học là lúc bạn tự giết chết tiềm năng trở thành tỷ phú của chính mình. Đặc biệt nếu bạn quan tâm đến việc xây dựng sự giàu có thông qua phát minh hoặc đổi mới, bạn cần có sự cởi mở, tò mò và luôn học hỏi. Những phẩm chất đó cho phép bạn nhìn những thứ cũ kỹ nhưng dưới góc độ mới, để phát hiện tiềm năng thay đổi và lợi nhuận, trong khi người khác chỉ thấy những gì đã được thực hiện.
Nếu có cơ hội trò chuyện cùng các tỷ phú, bạn sẽ nhận thấy họ luôn tự nhận là học sinh chứ không phải giáo viên. Thực tế, hầu hết người thành công sẽ trả nhiều tiền để trau dồi bản thân trong lĩnh vực họ còn thiếu xót. Họ sẽ tham gia các tổ chức, hiệp hội và nhóm để rèn luyện kỹ năng hoặc học hỏi điều gì đó mới. Đó là sự khác biệt cơ bản giữa những người thành công và những người không thành công.
Theo Entrepreneur