"Chúng tôi bắt đầu với những giấc mơ khá lớn, nhưng rất "đáp đất". Nguồn lực có gì thì cứ làm tốt nhất. Thực tế, Faslink khởi nghiệp với 4 máy may nội địa cũ của Nhật. Chúng tôi không có tiền mua máy mới", chị Trần Hoàng Phú Xuân – Founder & CEO Faslink chia sẻ tại buổi tọa đàm "Định nghĩa Mới về Thành công – Cùng Doanh nhân Nữ Phát triển Bền vững" diễn ra tại TP.HCM tuần trước.
Sự kiện do Quỹ Đầu tư Beacon Fund cùng Sáng kiến Hỗ trợ Phụ nữ Khởi nghiệp và Kinh doanh (WISE) phối hợp tổ chức, đặt ra vấn đề rằng câu chuyện của những startup kỳ lân, những công ty đại chúng trị giá hàng chục tỷ USD và văn hóa đầu tư mạo hiểm đã vô tình tạo ra một định nghĩa "thành công" chật hẹp: tối đa hóa tăng trưởng và định giá của công ty thật nhanh chóng.
Trên thực tế, những mô hình tập trung vào phát triển bền vững, hướng tới trường tồn trên thị trường lại chưa nhận được sự chú ý và công nhận xứng đáng.
Đối với trường hợp của Faslink, mục tiêu doanh nghiệp đặt ra là hạn chế tối đa tác động tiêu cực khi hoạt động trong lĩnh vực thời trang – ngành gây ô nhiễm thứ 2 trên thế giới. Do đó, công ty đi theo con đường thời trang bền vững từ 18 năm trước.
"Khoảng 3-4 năm kể từ lúc Faslink bắt đầu với lựa chọn thời trang bền vững thực sự rất khó khăn, bởi khái niệm này tại thị trường Việt Nam còn mới, chưa được tiếp nhận nhiều. Tuy nhiên, khi nhìn về con đường lâu dài, tôi tin nếu theo đuổi được mục tiêu phát triển bền vững, doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội hơn. Vậy nên chúng tôi đã vượt qua những khó khăn ban đầu trong suốt 5 năm", chị Trần Hoàng Phú Xuân hồi tưởng.
15 năm trước, Faslink là đơn vị đầu tiên ứng dụng các nguyên liệu từ sợi tre và sau đó là bã cà phê. Tới nay, công ty đã có nhiều loại sợi vải "xanh" từ tự nhiên hơn như sợi sen, sợi vỏ sò, sợi dừa, sợi bạc hà được xử lý bằng công nghệ hiện đại, có độ mềm mịn, bền và đáp ứng cả yếu tố thẩm mỹ. CEO Phú Xuân tự hào Faslink là doanh nghiệp dệt may hiếm hoi tại Việt Nam đầu tư rất nhiều cho R&D (nghiên cứu và phát triển).
"Có những câu hỏi như "Vì sao không có tiền nhiều mà dám làm R&D?". Công thức của Faslink chính là quan hệ hợp tác. Khi biết cách hợp tác và chia sẻ các mục tiêu công việc, sẽ có rất nhiều bên sẵn sàng giúp mình làm tốt công tác R&D", chị Xuân lý giải.
"Có một điều chắc các quỹ không thích nghe, bởi đội ngũ sáng lập của Faslink không giỏi về tài chính lắm. Chúng tôi thấy vừa đủ thì làm. Quan trọng là chúng tôi muốn sản phẩm tốt có thể tiếp cận được thị trường.
Chúng tôi thuyết phục mọi người để tác động thực sự vượt lên trên lợi nhuận. Tất nhiên trong kinh doanh lợi nhuận gần như là đầu tiên. Tuy nhiên, nếu quan niệm sản phẩm tốt cần được phục vụ thị trường, suy nghĩ của mình sẽ được cởi mở hơn và sẽ có giải pháp. Vấn đề không chỉ một mình mình giải quyết, mà câu hỏi đó, ước mơ đó sẽ có nhiều bên đồng hành", nữ CEO chia sẻ thêm.