Theo đó, khoảng chiều tối và đêm 13/2, bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng đến Bắc và Trung Trung Bộ. Gió Đông Bắc trong đất liền mạnh dần lên cấp 3, vùng ven biển cấp 3-4, có nơi giật cấp 6. Do ảnh hưởng của không khí lạnh, từ đêm 13/2 và ngày 14/2, Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế trời chuyển rét, vùng núi có nơi rét đậm.
Trùng hợp, ngày mai 14/2 cũng là ngày Lễ Tình nhân, đây chắc chắn là dịp để các cặp đôi đi chơi lễ, hâm nóng tình cảm. Do đó, việc diện các bộ đồ đẹp nhất, thu hút ánh nhìn của đối phương là điều không thể bỏ qua. Tuy nhiên, dưới ảnh hưởng của không khí lạnh sắp tới, nếu không giữ ấm cho cơ thể, đặc biệt là 5 bộ phận này thì rất dễ sinh bệnh, thậm chí gây ảnh hưởng không nhỏ đến những buổi hẹn hò, đi chơi lãng mạn của các cặp đôi.
1. Vùng cổ
Cổ là phần nối giữa đầu và phần thân. Có thể gọi đây là một bộ phận vô cùng quan trọng trên cơ thể con người. Khi cổ cơ thể con người bị lạnh có thể gây co mạch cục bộ, máu giảm nhanh, thậm chí gây chóng mặt, không đủ máu cung cấp lên não và các cảm giác khó chịu khác.
Do đó, bạn nên chuẩn bị một chiếc khăn quàng cổ ấm áp lúc ra ngoài khi không khí lạnh sắp tới, điều này có thể giúp bạn chống lại sự xâm nhập của gió và lạnh, ngăn ngừa cảm lạnh. Điều cần nhắc lại là nhiều người khi đeo khăn có thói quen trùm kín cả cổ và miệng, không tốt cho sức khỏe. Vì sợi khăn rất dễ rơi ra, dễ bám bụi và vi trùng, rồi xâm nhập vào cơ thể theo đường hô hấp, gây bệnh.
2. Vùng chân
Chúng ta đều biết việc giữ ấm cho đôi chân là rất quan trọng, tuy nó là "trụ đỡ" giúp cơ thể con người đứng vững nhưng lại cách xa tim, quá trình lưu thông máu dễ bị ảnh hưởng, lớp mỡ dưới da mỏng, hiệu suất cách nhiệt kém, dễ bị lạnh.
Vì vậy, khi thời tiết chuyển rét, bạn phải chú ý giữ ấm và khô ráo cho giày, tất, sau khi ngồi 2 đến 3 tiếng có thể đứng dậy đi lại 10 phút để thúc đẩy tuần hoàn máu ở bàn chân. Ngoài ra, sau khi ngâm chân bằng nước nóng trước khi đi ngủ, dùng lòng bàn tay xoa bóp lòng bàn chân khoảng 10 phút, cũng có thể phát huy tác dụng dưỡng sinh.
3. Vùng đầu
Theo y học cổ truyền phương Đông, đầu là nơi tụ tập của tất cả các dương khí. Hầu hết các kinh mạch của cơ thể đều hội tụ trên đầu. Nhưng đầu không được bảo vệ, giống như một bình nước nóng không có nắp, và năng lượng dương trong cơ thể rất có thể tiêu tan.
Vì vậy, việc đội mũ phù hợp khi ra ngoài khi không khí lạnh tràn về là rất cần thiết. Nhiệt độ xuống thấp, bạn nên thận trọng trong việc lựa chọn mũ, nên dựa vào khả năng giữ ấm như mũ len, mũ dệt kim, mũ cotton hay mũ nhung để bảo vệ tai và đầu tốt hơn.
4. Vùng eo (bụng)
Các huyệt dưỡng sinh quan trọng đối với con người đều nằm ở vùng bụng, đặc biệt là đối với phụ nữ như khí hải, quan nguyên, trung cơ, tử cung đều ở gần bụng, trung tâm rốn có một đường kinh nhâm chạy.
Do đó, nếu bụng bị lạnh sẽ khiến các cơ co cứng lại, gây đau bụng kinh và kinh nguyệt không đều đối với nữ giới hoặc vùng bụng trên bị co thắt, đau bụng do nhiễm lạnh ở cả 2 giới, nhất là những người có bệnh dạ dày.
Vì vậy, ngoài việc bổ sung quần áo kịp thời, buổi tối khi ngủ bạn cũng nên chú ý đắp chăn, trước khi đi ngủ có thể dùng tay xoa bóp eo để làm ấm eo, nếu cần có thể chọn một chiếc túi chườm để tăng thêm sự ấm áp.
5. Vùng lưng
Y học cổ truyền phương Đông cho rằng lưng là nơi ở của thận, dương khí của con người bắt nguồn từ thận, vì vậy hàn tà rất có thể tổn hại đến thận dương, cảm mạo phong hàn thường bắt đầu từ lưng. Giữ ấm lưng có thể ngăn ngừa cảm lạnh, bổ thận tráng dương, ngăn ngừa bệnh cũ tái phát.
Ngoài việc mặc thêm áo vest và áo ghi lê, chìa khóa để giữ ấm lưng khi không khí lạnh tràn về chính là phơi nắng, bạn có thể ra ngoài đi dạo khi trời hửng nắng, tiếp xúc với ánh nắng mặt trời để giúp dương khí của thận tăng lên.
Nguồn và ảnh: Healthline, Sohu