VN-Index đóng cửa tuần giao dịch 19 – 23/8 tại 1.285,32 điểm, tăng 33,09 điểm tương đương 2,64% so với cuối tuần trước với thanh khoản cải thiện. Thống kê cho thấy tuần qua có duy nhất 1 phiên giảm điểm (ngày 22/8) với lực mua chủ động cải thiện đáng kể so với tuần trước.
Tổng giá trị giao dịch bình quân phiên trên toàn thị trường đạt 19.868 tỷ đồng. Tính riêng khớp lệnh, thanh khoản bình quân phiên ở mức 17.658 tỷ đồng, tăng 18,1% so với tuần trước và tăng 4,6% so với trung bình 5 tuần gần đây.
Đà hồi phục của VN-Index trong tuần này được hỗ trợ từ nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn, đứng đầu là VCB với mức tăng gần 4,9% đã giúp VN-Index có thêm gần 6 điểm. Nhiều cổ phiếu ngân hàng cũng góp mặt trong Top ảnh hưởng tích cực lên thị trường như BID, CTG, TCB. Bên chiều giảm điểm, giao dịch kém sắc của PLX đã lấy đi 0,48 điểm của VN-Index.
Sau tuần mua ròng hơn nghìn tỷ đồng, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng trở lại trong tuần 19 – 23/8. Trong đó, tâm điểm rút ròng là cổ phiếu nhóm thép.
Cụ thể, khối ngoại quay đầu bán ròng hơn 750 tỷ đồng trên HOSE với khối lượng gần 70 triệu cổ phiếu. Tính riêng giao dịch khớp lệnh thì họ bán ròng 689,8 tỷ đồng. Trong đó, cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát bị xả ròng mạnh nhất với giá trị gần 640 tỷ đồng. Một cổ phiếu ngành thép khác cũng có mặt trong Top bán ròng là HSG với 302 tỷ đồng.
Đồng pha với thị trường chung, cổ phiếu thép ghi nhận tuần giao dịch hồi phục. Tuy nhiên xu hướng trong 2 tháng gần đây là giảm giá. Áp lực điều chỉnh của cổ phiếu ngành thép một phần đến từ diễn biến giá thép thời gian gần đây cùng với việc thị trường lớn EU điều tra chống bán phá giá thép cán nóng Việt Nam, mới đây nhất là Ấn Độ.
Đứng thứ hai trong danh mục xả ròng của khối ngoại là cổ phiếu VHM với 409 tỷ đồng. Bất chấp sức ép bán ròng của dòng tiền ngoại, cổ phiếu của Vinhomes có nhịp tăng 3,5% trong tuần qua.
Cùng chiều, danh mục các mã bị NĐT nước ngoài bán ròng mạnh nhất còn có nhiều đại diện thuộc nhóm ngân hàng như TCB (175 tỷ đồng), VPB (165 tỷ đồng), HDB (134 tỷ đồng). Ngoài ra, khối ngoại cũng rút ròng dưới 100 tỷ đồng các cổ phiếu PVD, MSN, OCB, VGC.
Bên chiều mua ròng, cổ phiếu FPT của Công ty Cổ phần FPT được khối này mua vào nhiều nhất với giá trị 632 tỷ đồng, chủ yếu là thông qua kênh khớp lệnh.
Song song đó, CTG và VCB cũng được mua ròng lần lượt 360 tỷ và 352 tỷ đồng. Danh mục Top10 gom ròng còn có sự góp mặt của STB, VNM, DPM, DGC, TCH, PDR, BID với quy mô 52 – 162 tỷ đồng.
Trên HNX, NĐT nước ngoài bán ròng cả 5 phiên trong tuần qua. Tính chung cả tuần, nhà đầu tư tiếp tục rút ròng với giá trị gần 255 tỷ đồng với khối lượng hơn 4,5 triệu đơn vị.
Trong đó, khối ngoại tiếp tục bán ròng 95,5 tỷ đồng ở cổ phiếu PVI. Theo sau là IDC (57 tỷ đồng), NTP (40,9 tỷ đồng), PVS (37,8 tỷ đồng) và TNG (15,4 tỷ đồng).
Chiều ngược lại, cổ phiếu CEO của Công ty Cổ phần Tập đoàn CEO dẫn đầu chiều mua với giá trị gần 11,8 tỷ đồng. Mã SHS cũng được gom ròng 5,9 tỷ đồng. Cùng chiều, NĐT ngoại cũng giải ngân vào các mã LAS (2,6 tỷ đồng), VTZ (2,3 tỷ đồng) và VGS (1,9 tỷ đồng).
Tại thị trường UPCoM, khối ngoại mua ròng 3/5 phiên. Tính chung cả tuần, nhà đầu tư nước ngoài gom ròng gần 42 tỷ đồng, tương đương quy mô 673.900 đơn vị.
Cụ thể, khối ngoại mua ròng gần 30,2 tỷ đồng ở cổ phiếu ACV của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP. Cùng chiều, giao dịch giải ngân còn được chứng kiến ở các mã VEA (14,6 tỷ đồng), MCH (13,6 tỷ đồng), OIL (6,5 tỷ đồng), LTG (1,8 tỷ đồng), …
Ở chiều đối diện, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 17,1 tỷ đồng cổ phiếu QNS của Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi. Theo sau là các giao dịch tương tự với giá trị thấp hơn như NTC (4 tỷ đồng), VAB (1,6 tỷ đồng), ABI (1,2 tỷ đồng), QTP (1,2 tỷ đồng), …