Thông tin về việc 2 Đảng đạt được thỏa thuận về trần nợ công của Mỹ là một cú huých quan trọng giúp tâm lý nhà đầu tư từ thận trọng trở nên lạc quan trong tuần này.
Lực cầu đã chủ động mua vào vùng giá cao, giúp VN-Index tăng điểm trong hai phiên đầu tuần. Ngưỡng kháng cự 1.080 cũng chỉ cản đà tăng cảu VN-Index trong 2 phiên và đến phiên cuối tuần, sự bứt phá đã xuất hiện khi nhóm cổ phiếu ngân hàng đồng loạt tăng mạnh, giúp VN-Index chốt tuần tại 1.090,84 điểm. So với mức đóng cửa của tuần trước, VN-Index đã tăng 27,08 điểm, tương đương 2,55%.
Ngân hàng là nhóm có công lớn nhất trong việc giúp VN-Index vượt kháng cự 1.080, chiếm đến 8/10 vị trí ảnh hưởng lớn nhất và giúp VN-Index tăng 12,8 điểm. Theo quan sát, điểm sáng của các mã ngân hàng có vốn hóa mức trung bình như TPB (+11,2%), VIB (+9,5%) và OCB (+8,7%) so với các ngân hàng top đầu như VCB (+3,2%), TCB (+7,7%), BID (+3%).
Khẩu vị dòng tiền có xu hướng ưu tiên các cổ phiếu tầm trung của ngành. Chiều giảm điểm dẫn đầu là VHM (-1,69 điểm) và GAS (-0,8 điểm).
Giao dịch khối ngoại tuần qua trên sàn HOSE
Trong tuần giao dịch 29/5 - 2/6, khối ngoại giao dịch khá tiêu cực khi họ tiếp tục bán ròng 1.185 tỷ đồng trong tuần với 4/5 phiên bán ròng.
Thống kê giao dịch theo từng cổ phiếu, EIB của Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam dẫn đầu Top bán ròng với giá trị 832 tỷ đồng, trong đó giao dịch ghi nhận đột biến ở phiên 30/5. Cụ thể, khối ngoại xả ròng gần 34,4 triệu cổ phiếu EIB với giá trị trên 700 tỷ đồng. Đây cũng là phiên khối ngoại bán ròng EIB mạnh nhất kể từ khi Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) thoái vốn.
Cụ thể, các nhà đầu tư ngoại bán gần 34,4 triệu cổ phiếu EIB, trong khi chiều mua vào chỉ ghi nhận 7.500 cổ phiếu.
Trước đó vào ngày 13/1, SMBC đã chính thức bán xong 132,8 triệu cổ phiếu EIB. Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của SMBC tại Eximbank giảm từ 15,07% (185,3 triệu cp) xuống còn 4,27% (52,51 triệu cp), chính thức không còn là cổ đông lớn tại ngân hàng. Khả năng cao lượng lớn cổ phiếu EIB được bán trong phiên giao dịch hôm nay là của SMBC.
Trở lại với giao dịch của khối ngoại, cổ phiếu VNM cũng nằm trong Top rút vốn với giá trị bán ròng 204 tỷ đồng. Yếu tố bán ròng của khối ngoại được đánh giá là nguyên nhân quan trọng của việc các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ có diễn biến khả quan hơn nhóm bluechip trong thời gian qua. Chiều mua ròng, FPT dẫn đầu với giá trị 312 tỷ đồng.
Giao dịch khối ngoại tuần qua trên sàn HNX
Trên sàn HNX, khối ngoại tiếp đà mua ròng hơn 16 tỷ đồng.
Ở chiều mua, nhóm này rót ròng hơn 22 tỷ đồng mua gom cổ phiếu CAN của Đồ hộp Hạ Long. Kế tiếp là CEO (9,6 tỷ đồng), DTD (7,7 tỷ đồng), MBS (5 tỷ đồng), PVG (2,1 tỷ đồng) và các giao dịch tương tự dưới 1 tỷ đồng như PVI, MBG, IDJ ...
Chiều ngược lại, khối ngoại tập trung bán ròng 8 tỷ đồng ở cổ phiếu IDC của Tổng công ty IDICO, theo sau là 7,9 tỷ đồng mã SD5. Cùng với đó là các giao dịch bán ròng các cổ phiếu như BVS, NVB, PTI, ... với giá trị thấp hơn.
Giao dịch khối ngoại tuần qua trên thị trường UPCoM
Tại thị trường UPCoM, khối ngoại duy trì bán ròng gần 104 tỷ đồng.
Tại chiều mua, cổ phiếu LTG của Tập đoàn Lộc Trời dẫn đầu với quy mô gần 43,1 tỷ đồng. Hoạt động giải ngân còn được chứng kiến ở các cổ phiếu CST, PHP, DDV, FOC với quy mô 1,1 - 6,6 tỷ đồng.
Tại chiều bán, nhóm nhà đầu tư tập trung bán ròng các cổ phiếu QNS (155 tỷ đồng), VTP (40,4 tỷ đồng), IDP (32,3 tỷ đồng), BSR (19,3 tỷ đồng), MCH (9,1 tỷ đồng), ...