Dự báo lãi ròng 2023 hơn 2.700 tỷ đồng
Chứng khoán VNDirect vừa có báo cáo cập nhật về Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP (PV Power – Mã: POW). VNDirect dự báo, giai đoạn 2023 – 2024, sản lượng nhiệt điện của POW tăng nhờ mở rộng công suất.
Năm 2023, doanh thu và lợi nhuận ròng của POW có thể tăng lần lượt 24%, 61% so với cùng kỳ lên 34.008 tỷ đồng và 2.767 tỷ đồng nhờ tổ máy 1 Vũng Áng 1 (600MW) trở lại và 308 tỷ đồng lợi nhuận từ thoái vốn Điện Việt Lào.
Sang năm 2024, sản lượng bổ sung từ Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 sẽ là yếu tố giúp doanh thu và lợi nhuận ròng của POW tăng lần lượt 23%, 15,5% so với cùng kỳ lên 42.049 tỷ đồng và 3.197 tỷ đồng.
Mặc dù Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4 (NT3 và 4) chưa chốt được các điều khoản về sản lượng trong PPA nhưng có thể vận hành từ quý IV/2022 do tiến độ san lấp, giải phóng mặt bằng và thu xếp vốn tích cực.
Thuỷ điện thu hẹp, mảng điện khí và nhiệt điện mở rộng
Theo VNDirect, từ năm 2023, sự phục hồi sản lượng mạnh mẽ của Vũng Áng 1 nhờ tổ máy số 1 (600 MW) hoạt động trở lại từ quý I/2023 có thể khiến phụ tải điện mạnh ở miền Bắc với giá bán trung bình giảm nhẹ xuống 1.745 đồng/kWh khi áp lực nhu cầu hạ nhiệt.
Ngược lại, sản lượng thủy điện sẽ không còn duy trì mức huy động tích cực từ tháng 2/2023 khi pha La Nina kết thúc, dự kiến giảm 31% so với cùng kỳ xuống 1.045 triệu kWh với giá bán trung bình ổn định ở mức 1.166 đồng/kWh.
Còn giai đoạn 2024 - 2025, điện than và thuỷ điện sẽ giữ tỷ lệ huy động ổn định. Giá bán trung bình tăng khoảng 2% hàng năm do trượt giá.
Đối với điện khí, khả năng cao mảng này sẽ đón nhận nhiều tín hiệu tích cực khi nhu cầu điện tăng và giá khí giảm. VNDirect dự báo, sang năm 2023, tiêu thụ điện có thể tăng trưởng với tốc độ kép là 9,2% trong giai đoạn 2022-2030, đặc biệt khi công suất bổ sung từ điện năng lượng tái tạo và điện than chậm lại do nút thắt chính sách.
Giả sử giá khí giảm, nhất là khi dầu Brent thấp hơn lần lượt 90 USD, 80 USD mỗi thùng trong giai đoạn 2023 – 2024 sẽ giúp giảm áp lực lên giá bán điện và nâng cao khả năng cạnh tranh của điện khí với các nguồn khác, đặc biệt là nhiệt điện than nhập khẩu.
Do đó, công ty chứng khoán đưa ra dự báo về sản lượng điện khí trong năm 2023 tăng 23% so với cùng kỳ lên 10,7 tỷ kWh với giá bán trung bình giảm xuống 2.087 đồng/kWh.
Áp lực từ việc tăng lãi suất và lỗ tỷ giá
Bên cạnh những tín hiệu tích, theo VNDirect, từ năm 2023, các khoản vay bằng USD cho NT3 và 4 khoảng 1,1 tỷ USD sẽ gây áp lực lớn hơn lên tình hình tài chính cho POW.
Đặc biệt, tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu có thể tăng từ 63% trong năm 2022 lên 111% trong năm 2025, điều này làm tăng chi phí tài chính trong giai đoạn đầu tư Capex. Đồng nghĩa với việc, rủi ro tiềm ẩn từ môi trường lãi suất cao và lỗ tỷ giá có thể gia tăng từ năm 2023 với POW.
Về cơ cấu nguồn vốn dự án NT3 và 4, VNDirect cho rằng 25% đến từ vốn chủ sở hữu và 75% vốn vay.
Về cơ cấu nợ, khoảng 4.000 tỷ đồng khoản vay thương mại trong nước đang vào giai đoạn cuối cùng chờ VCB phê duyệt. Phần còn lại (900 triệu USD theo ước tính của VNDirect) là các khoản vay tín dụng xuất khẩu (ECA) và vay thương mại.
Theo công ty chứng khoán, các khoản vay ECA sẽ được hưởng chính sách lãi suất thấp nhưng chỉ số đồng đỗ la duy trì ở mức cao sẽ làm tăng chi phí đầu tư và ảnh hưởng đến hiệu quả tài chính của dự án.
VNDirect giả định, lãi suất cho vay mới sẽ duy trì ở mức 7% với đồng USD tăng giá 1% so với VND vào năm 2023 thì tác động của lỗ tỷ giá hối đoái là khiêm tốn1% thay đổi của lãi suất sẽ làm tăng thêm 63 tỷ đồng cho tổng chi phí tài chính của PV Power trong năm 2023.