Nhận định này được ông Thái Minh Giao, Phó cục trưởng Cục Thuế TP HCM chia sẻ tại hội thảo Khai thác nguồn lực tài chính từ đất, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản, ngày 12/5.
Ông Giao cho biết, thực trạng hiện nay nhiều trường hợp người nộp thuế chưa tự giác kê khai đúng giá thực tế khi chuyển nhượng bất động sản. Họ kê khai giá mua bán trên Hợp đồng chuyển nhượng nhà đất thấp hơn so với giá chuyển nhượng thực tế để giảm số thuế phải nộp, nhằm trốn tránh nghĩa vụ. Việc né thuế này đã gây thất thu ngân sách rất lớn.
Theo ông Giao, hiện nay việc xác định giá giao dịch mua bán nhà, đất thực tế trên thị trường vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể để làm căn cứ ấn định thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ. Vấn đề này gây rất nhiều khó khăn cho cơ quan thuế và cán bộ thuế trong việc xác định được giá giao dịch thực tế của từng hồ sơ.
Ông Giao cho hay, trong 3 tháng đầu năm 2022, Cục Thuế TP HCM đã xử lý 10.876 hồ sơ chuyển nhượng bất động sản, thu thêm hơn 180 tỷ đồng cho ngân sách, trong đó Thuế thu nhập cá nhân thu 147 tỷ đồng, lệ phí trước bạ thu 33 tỷ đồng. Để rà soát, Cục Thuế thành phố đã báo cáo UBND TP HCM chỉ đạo các Sở ngành có liên quan cùng phối hợp tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản.
"Đã có nhiều biện pháp nhằm chống thất thu trong hoạt động chuyển nhượng bất động sản, đặc biệt phối hợp với Cơ quan Cảnh sát điều tra để xử lý các trường hợp cố tình thực hiện hành vi kê khai sai, gây sai lệch số thuế phải nộp, gây thất thu thuế cho ngân sách", ông Giao nói.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cho hay, ước tính có khoảng 30.000 trường hợp giao dịch nhà đất đã phải rà soát lại việc kê khai chuyển nhượng bất động sản. Ghi nhận từ thực tế, có nhiều tình trạng kê khai hai giá trong hoạt động chuyển nhượng bất động sản.
Cũng xác nhận tình trạng này, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho rằng, việc xác định giá trị đất đai không chính xác đã gây thất thoát vốn nhà nước hàng nghìn tỷ đồng trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn. Theo Kiểm toán Nhà nước, kiểm toán giai đoạn 2016 - 2020 đã xác định tăng giá trị phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thêm gần 15.500 tỷ đồng. Trong đó, một phần lớn số tiền chưa được tính đúng tính đủ là từ đất đai.
Theo Tiến sĩ Dư Phước Tân, Viện nghiên cứu phát triển TP HCM, tồn tại giá đất nhà nước quy định và giá đất thị trường có độ vênh lớn đã diễn ra trong thời gian dài. Đối với sửa đổi về định giá đất cũng như phạm vi áp dụng, ông Tân cho rằng cần ban hành quy định bảo đảm cho tổ chức tư vấn giá đất hoạt động độc lập, tránh tình trạng chỉ có tổ chức nhà nước đứng ra định giá.
Ông Tân khuyến nghị, cần thực hiện nhất quán theo nguyên tắc cân đối hài hòa lợi ích giữa 3 bên: nhà nước - nhà đầu tư và người dân khi xây dựng các quy định về tài chính đất đai sắp tới.
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM cũng nhìn nhận, để tránh việc kê khai lại nhiều lần, gây tồn đọng hồ sơ và quá tải hệ thống, cơ quan quản lý Nhà nước nên cân đối khung giá tính thuế ngay từ đầu nhằm giúp việc thẩm định và thu thuế từ việc chuyển nhượng bất động sản diễn ra nhanh chóng hơn.
Bà Nguyễn Thị Cúc - Nguyên phó tổng Cục trưởng Tổng cục thuế, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam thì đề xuất hướng tới chính phủ điện tử, xây dựng kho cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế ngày càng hoàn thiện, dữ liệu về giá bất động sản được công khai, dễ kết nối, tra cứu thuận lợi. Trên cơ sở dữ liệu này, cần quy định nguyên tắc giá giao dịch theo giá thị trường để tính thuế, không chỉ phụ thuộc vào giá hợp đồng mua bán hoặc giá do UBND tỉnh thành công bố, nhằm khắc phục tình trạng thất thu thuế, lạm thu như hiện nay đang tương đối phổ biến.