Thời sự

Khi người trẻ về quê thay đổi đời mình

Anh Nguyễn Quốc Khánh, 30 tuổi, trước đây làm nghề lái xe điện, phục vụ khách du lịch tại trung tâm thành phố Đà Nẵng. Năm 2020 khi tình hình dịch bệnh COVID-19 căng thẳng, công việc trở nên ế ẩm, gặp nhiều khó khăn trong tài chính anh lui về quê để lánh dịch. Nhưng chính tại nơi anh coi rằng chỉ là “trạm nghỉ” này trước khi tìm công việc mới, lại trở thành nơi giúp anh thay đổi cuộc đời.

Khi người trẻ về quê thay đổi đời mình - Ảnh 1.

Điểm du lịch độc đáo của anh Nguyễn Quốc Khánh

Khi trở về quê, anh cảm thấy ngây ngất trước cái đẹp của quê hương, không khí trong lành, không gian bình yên - thứ mà chắc chắn ở thành phố khó có thể tìm được. Vậy là anh quyết định mạnh dạn đầu tư, từ chính thửa ruộng của gia đình. Anh đi học hỏi nhiều nơi và cuối cùng quyết định dựng nên một quán cà phê nhỏ. Dùng chính những vật liệu sẵn có như tre, lá tranh,… anh tự mình làm những lán nhỏ để tạo chỗ ngồi cho khách. Chính cách xây dựng mới lạ, biết tận dụng cảnh quan thiên mà quán của anh đã thu hút đông đảo khách du lịch ghé thăm. Thời điểm đông khách nhất quán anh có doanh thu lên đến hàng chục triệu đồng mỗi tháng. Một con số mà anh và cả gia đình đều không thể ngờ.

Một bạn trẻ khác cũng gặp khó khăn vì đại dịch phải lui về quê để rồi từ đó nhận thấy giá trị của quê hương mình, là anh Đinh Văn Khoa. Xuất thân từ một gia đình vốn không mấy khá giả về kinh tế, không có nhiều vốn ban đầu, dù lo lắng và gặp không ít khó khăn nhưng anh vẫn chắt chiu xây dựng một quán cà phê nhỏ để tạo vốn dần.

Khi người trẻ về quê thay đổi đời mình - Ảnh 2.

Anh tự mình làm mọi thứ có thể để xây dựng quán, từ đẽo cây dựng nhà, trồng ổi lấy quả bán nước ép, nuôi gà,… Sau thời gian hoạt động quán được nhiều người ghé thăm và dần có thêm thu nhập. Không dừng lại tại đó, anh còn mạnh dạn đầu tư để mở rộng thêm quy mô và đa dạng hơn sản phẩm phục vụ. Để chỉ từ một quán cà phê nhỏ, nay anh có thêm một homestay khang trang, du khách đều đặn ghé thăm.

Không chỉ phát triển riêng mình, Đinh Văn Khoa còn luôn tìm cách chia sẻ những kinh nghiệm và trải nghiệm của mình với các bạn trẻ khác, những người cũng có ý muốn trở về quê hương để khởi nghiệp. Anh đánh giá cao việc kết nối và chia sẻ để có thể xây dựng quê hương phát triển cách đồng đều. Ngoài ra anh còn tham gia Tổ Du lịch Hòa Bắc, liên kết với các quán khác trên địa bàn xã để chia sẻ khách với nhau. “Những ngày đầu tôi đã nhận được sự giúp đỡ của nhiều người mới có thể tự tin làm được như ngày hôm nay. Nên bây giờ với kinh nghiệm nhỏ bé mà mình có được, tôi lại giúp những bạn muốn học hỏi và phát triển bản thân từ chính quê hương mình”, anh Khoa bộc bạch.

Là một giáo viên Tiếng Anh, với công việc ổn định ở thành phố và mức lương không phải thấp, nhưng chị Nguyễn Thị Kim Hiền, 26 tuổi vẫn trở về quê hương Hòa Bắc để khởi nghiệp bằng du lịch.

Gia đình vốn đã có nông trại, khi về quê chị trực tiếp quản lý và giúp mở rộng mô hình của gia đình. Đó là mô hình nông trại trồng các loại cây nông sản kết hợp mở homestay cho du khách, cùng với đó chị mở lớp học vẽ, học Tiếng Anh cuối tuần cho các bạn nhỏ. Sau những ngày đầu còn nhiều bỡ ngỡ, giờ đây nông trại của gia đình chị Hiền đã thu hút được nhiều lượt khách.

Sự trở về của các bạn trẻ đã mang lại luồng gió mới cho quê hương mình, cũng chính là thay đổi một cách tích cực cuộc đời mình theo hướng văn minh, bền vững.

Với mô hình này, mình không chỉ phát triển kinh tế gia đình, mà còn mở lớp tiếng Anh cuối tuần cho các bạn nhỏ trong xóm để giúp các em học thêm tiếng Anh, đồng thời mở thêm các lớp học về năng khiếu như vẽ, múa,… để các em ở quê vẫn có điều kiện học hỏi và phát triển như các bạn ở thành phố”, chị Nguyễn Thị Kim Hiền chia sẻ.


Cùng chuyên mục

Đọc thêm